Do không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ ngay tại thời điểm Đội QLTT chống buôn lậu và hàng giả, thuộc Chi cục QLTT tỉnh Quảng Nam (sau đây gọi tắt là QLTTQN) kiểm tra nên một lô hàng gồm 30 chiếc lốp ô tô (trị giá gần 100 triệu đồng) của Cty Bích Hiền đã bị tạm giữ. Tuy nhiên, thời hạn tạm giữ lô hàng này đã kéo dài hơn 6 tháng nhưng Đội QLTT Quảng Nam vẫn chưa giải quyết?
Ngày 21/10/2011, QLTTQN tổ chức kiểm tra xe ô-tô BKS 92K-3688 do ông Nguyễn Văn Cần (trú Quế Xuân 2, H. Quế Sơn, Quảng Nam) điều khiển và phát hiện trên xe có 30 lốp ô-tô chưa qua sử dụng do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. 30 lốp ô-tô đã bị QLTTQN tạm giữ với thời hạn 10 ngày (từ 21/10/2011 đến ngày 14/12/2011).
Ngay sau khi bị tạm giữ số lốp xe trên, đại diện Cty TNHH Thương mại Bích Hiền (địa chỉ 183A-Phan Chu Trinh, Đà Nẵng) đã mang toàn bộ chứng từ liên quan đến số hàng tạm giữ để giải quyết.
Mặc dù lô hàng có đầy đủ chứng từ, hóa đơn nhưng vẫn bị Chi cục QLTT Quảng Nam coi là hàng lậu . |
Ông Võ Văn Chẩm, đại diện Cty Bích Hiền cho biết: “Số hàng trên Cty mua lại của Cty CP ô-tô Đạt Huy (địa chỉ 183- Bến Chương Dương, TP.Hồ Chí Minh). Sau khi mua, Cty Đạt Huy đã dán tem phụ của nhà nhập khẩu, xuất hóa đơn VAT và giao hàng cho Cty Thanh Trường vận chuyển về Đà Nẵng.
Sau khi nhận hàng và các chứng từ kèm theo, Cty Thanh Trường đã phân số hàng trên cho 2 ô-tô vận chuyển và hóa đơn VAT... giao cho lái xe ô-tô đi sau cất giữ. Vì thế, tại thời điểm dừng phương tiện để cơ quan chức năng kiểm tra, lái xe ô-tô 92K-3688 không thể xuất trình các hóa đơn hợp pháp đối với lô hàng”.
Theo ông Chẩm, khi bị tạm giữ 30 chiếc lốp ô-tô, khoảng 5 giờ sau lái xe đến cơ quan QLTTQN xuất trình chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng nhưng không được tiếp nhận.
Theo ông Trần Quốc Đạt, đại diện Cty Đạt Huy, ngày 17/10/2011, Cty Đạt Huy nhận bán cho Cty Bích Hiền một lô hàng kèm theo yêu cầu vận chuyển đến Đà Nẵng giao hàng. Tiến hành làm các thủ tục đầy đủ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ..., Cty Đạt Huy đã giao lô hàng trên cho Cty Thanh Trường vận chuyển. Việc tổ chức vận chuyển lô hàng trên thuộc trách nhiệm của đơn vị vận chuyển.
Bà Đặng Thị Hồng Hạnh, đại diện Cty Thanh Trường lý giải: “Do số lượng hàng của xe sau nhiều nên Cty đã giao toàn bộ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng cho xe sau nên khi bị kiểm tra một xe không thể xuất trình hóa đơn theo yêu cầu”.
Theo ông Lê Cần, Trưởng phòng nghiệp vụ Chi cục QLTT Quảng Nam, tại thời điểm lập hồ sơ, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp lệ... Vụ việc kéo dài vì chủ lô hàng có đến làm việc nhưng không ký biên bản làm việc.
Trong khi đó, ông Võ Văn Chẩm, đại diện Cty Bích Hiền cho rằng, việc không ký vào biên bản vì biên bản ghi “bị coi là hàng nhập lậu”. Tuy nhiên, theo ông Chẩm, hiện không có văn bản nào của cơ quan chức năng khác, ngoài lực lượng QLTT, xác nhận 30 lốp ô tô trên là hàng không có xuất xứ, nguồn gốc và nếu là hàng thuộc diện gian lận thương mại thì tại sao QLTT Quảng Nam không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra (?).
Đại diện Cty Bích Hiền bức xúc: “Hóa đơn VAT số 0000385 xuất ngày 17/10/2011 của Cty Đạt Huy cho 20 lốp ô tô tải và hóa đơn VAT số 0084570 của Cty TNHH Quốc tế Sư tử Bạc xuất ngày 19/10/2011 cho 10 lốp ô tô tải (trùng khớp số hiệu trong biên bản tạm giữ tang vật), đều xuất về Đà Nẵng cho Cty Bích Hiền, trước thời điểm mà QLTT Quảng Nam dừng xe khoảng 3 ngày, thì không lý do nào cho rằng gian lận thương mại?
Mặt khác, việc tạm giữ 30 chiếc lốp xe nói trên đã kéo dài đến hơn 6 tháng mà không được giải thích thỏa đáng chứng tỏ Chi cục QLTT Quảng Nam cố tình ém hàng, làm khó doanh nghiệp!”.
Vân Anh