Tại sự kiện Ruy băng Trắng lần thứ 6, các số liệu thống kê cho thấy bạo lực trên cơ sở giới xảy ra khá nghiêm trọng nhưng nạn nhân của bạo lực giới chưa được hỗ trợ một cách hiệu quả. Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, gần 63% phụ nữ phải chịu một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như bị kiểm soát hành vi, do chồng hoặc bạn tình gây ra trong cuộc đời. Hầu hết phụ nữ (90,4%) trải qua bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng hoặc bạn tình gây ra không thể tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.
Theo nghiên cứu về tiếp cận dịch vụ tư pháp của phụ nữ bị bạo lực gia đình - UNODC năm 2011, chỉ có 43% số trường hợp phát hiện được công an tiến hành điều tra; 61% số trường hợp trình báo được chuyển sang hòa giải; chỉ có 12% số trường hợp được trình báo có kết quả buộc tội hình sự; chỉ có 1% số trường hợp có trình báo là được kết án. 62% phụ nữ tin tưởng hoặc khá tin tưởng vào tòa án; 60% phụ nữ tin tưởng vào các công tố viên, trợ giúp pháp lý; độ tin cậy vào lực lượng công an thấp hơn (54%).
Bên cạnh đó, theo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (DoLAB), tính đến năm 2017 có khoảng hơn 520.000 người Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia/ lãnh thổ trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2016, Việt Nam đã có 126.296 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 37% là lao động nữ và chưa có số liệu thống kê quốc gia cụ thể về những rủi ro phụ nữ chịu tác động do di cư lao động, đặc biệt rủi ro bị bạo lực giới.
Số liệu trong 10 năm qua của Ngôi nhà Bình yên (NBY) khi cung cấp dịch vụ tham vấn cho 14.000 lượt người về các vấn đề liên quan đến quyền phụ nữ, phòng chống bạo lực giới cho thấy, 24,5% liên quan đến phòng chống mua bán người và di cư. NBY cung cấp dịch vụ tạm lánh cho 1.400 phụ nữ, trẻ em, trong đó có 375 người bị mua bán (44.3% bị bóc lột tình dục; 8,9% phụ nữ bị mua bán vì mục đích lao động).
Từ đó có thể thấy, lao động nữ di cư đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của quốc gia nhập cư cũng như quốc gia xuất cư nhưng nhiều người trong số họ vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Phụ nữ dễ bị tổn thương hơn nếu xảy ra bạo lực, lạm dụng và bóc lột trong toàn bộ chu trình di cư của họ. Phụ nữ di cư thường rất khó tiếp cận các hỗ trợ cần thiết do những rào cản về ngôn ngữ, tình trạng di cư hoặc bị kiểm soát.
Chiến dịch Ruy băng Trắng là phong trào toàn cầu với sự tham gia tiên phong của nam giới và trẻ em trai nhằm ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Lá cờ trắng tượng trưng cho sự đầu hàng, được gấp lại thành nơ với ý nghĩa nam giới từ bỏ bạo lực với phụ nữ. Nam giới được khuyến khích đeo ruy băng trắng để thể hiện việc lên tiếng chống lại bạo lực với phụ nữ. Chiến dịch Ruy băng Trắng thường tập trung các hoạt động vào 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ bắt đầu từ ngày 25/ 11 và kết thúc vào ngày Nhân quyền ngày 10/12 hàng năm.