Suốt 10 năm theo đuổi khiếu nại bản án, người chồng bị tai biến qua đời. Giờ đây, ở tuổi xấp xỉ 80 nhưng cụ bà vẫn kiên trì thay chân chồng kêu oan. Mất nhà mất đất, mất luôn cả tình nghĩa chỉ vì trò góp hụi, bà Nguyễn Thị Tiện (SN 1935, ngụ ấp 5, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) khẩn khoản mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc trả lại công bằng cho mình.
Cụ Nguyễn Thị Tiện uất ức chuyện muốn trả nợ bằng tiền mà không được. |
Cháu gái cho dì ruột vay lãi cắt cổ
Theo lời bà Tiện trình bày, từ năm 1995, bà có tham gia chân hụi (một hình thức huy động vốn giữa những người dân với nhau) với người cháu ruột tên Trần Thị Cẩn (SN 1962, ngụ ấp Suối Cao, xã Phước Đông cùng huyện). Bà Cẩn gọi bà Tiện là dì ruột.
Trong thời gian chơi hụi, người dì vay của cháu số tiền 10 triệu đồng, lãi suất 9%/tháng. Đóng hụi được 3 năm, công việc kinh doanh ế ẩm nên người dì trễ nải trong chuyện đóng tiền. Tổng số tiền người dì thiếu lúc đó, gồm cả tiền chơi hụi và tiền nợ, gồm 10 triệu đồng và 13 chỉ vàng, ước tính cả gốc lẫn lãi gần 40 triệu đồng.
"Con nợ" kể, tuy thuộc họ hàng gần gũi, nhưng chủ nợ đã không tạo điều kiện, mà còn thúc ép người dì phải trả nợ nhanh chóng. Từ chỗ tình cảm êm ấm, bà Tiện và người cháu rơi vào cảnh mâu thuẫn. Tháng 6/1998, người cháu chính thức khởi kiện dì ruột Nguyễn Thị Tiện ra Toà án nhân dân huyện Gò Dầu.
Cuối năm 2000, chủ nợ có đơn yêu cầu cơ quan thi hành án huyện can thiệp buộc dì ruột phải trả nợ. Điều khiến bà lão ấm ức là Đội thi án huyện đã kê biên tài sản một cách bất hợp lý: “Tháng 12/2002 người ta kê biên toàn bộ 2000m2 đất nhà tôi, trong đó có cả phần đất vợ chồng tôi đã cắt cho con gái, được định giá tổng giá trị 79 triệu đồng. Sau khi gia đình có đơn khiếu nại, đội thi hành án mới chấp nhận chừa lại phần đất rộng 7m, dài 51m cho con gái tôi. Nếu so sánh số tiền nợ với giá trị lô đất, rõ ràng là chênh lệch quá lớn”.
Sau đó UBND huyện Gò Dầu đã cấp sổ đỏ cho người được thi hành án.
Cho rằng bị thực thi pháp luật thiếu công bằng, chồng bà lão đã làm đơn khiếu nại gửi đến các ban ngành liên quan. Trong đơn, ông còn chỉ ra cái sai về việc cấp sổ đỏ cho người thắng kiện, vì toàn bộ khu đất trước đó đã được vợ chồng ông thế chấp tại Ngân hàng Công thương, Chi nhánh Tây Ninh. Bởi vậy, nếu phát mãi tài sản trên, ngân hàng mới là đơn vị đầu tiên có quyền sở hữu khu đất, chứ chưa tới lượt người cháu mình.
Phi lý việc chỉ "bắt" hiện vật, không lấy tiền mặt
Tính từ năm 2002 đến nay đã tròn 10 năm gia đình bà Tiện đứng ra làm đơn khiếu kiện về phán quyết của TAND huyện Gò Dầu. Theo lời bà Tiện, chính vì theo đuổi kiện cáo mà năm 2007 chồng mình bị tai biến nằm liệt giường. Ba năm sau ông lão qua đời ôm theo nỗi oan ức chưa được giải toả. Kiên quyết đòi lại công bằng, bà lão nối chân chồng, ôm hồ sơ gõ cửa các cơ quan chức năng.
Bà Tiện khẳng định, trước đây do thiếu hiểu biết pháp luật, nên mới chấp nhận mức lãi suất 9% cắt cổ của cháu ruột đưa ra. Bà lão cũng cho hay chưa bao giờ xù nợ hay có ý định chối bỏ trách nhiệm của mình. Bà lão bộc trực: “Đã nợ thì phải trả, nhưng tại sao khi chúng tôi đề nghị thanh toán bằng tiền mặt, cơ quan chức năng lại không đồng ý, mà cương quyết buộc tôi giao nhà?. Rõ ràng người ta muốn chiếm đất của tôi, bất chấp việc ngôi nhà là nơi chôn rau cắt rốn, là nơi gia đình tôi trú ngụ, sinh sống bao đời”.
Bà Tiện đang phải nuôi con trai bị tâm thần bẩm sinh, chính quyền địa phương xác nhận có hoàn cảnh khó khăn. Mới đây, ngày 26/4/2013, UBND huyện Gò Dầu tiếp tục ban hành quyết định 156, khẳng định bà cụ có hành vi lấn chiếm đất trái phép, buộc bà lão phải tự thu dọn, di dời toàn bộ tài sản để giao trả lại nhà và đất cho chủ nợ. Cụ bà 78 tuổi cho rằng quyết định trên bất hợp lý nên vẫn cương quyết “cố thủ” trong nhà từ đường tổ tiên để lại.
Sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại của gia đình bà Tiện, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã có hai công văn vào năm 2009 và 2010 đề nghị Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân tỉnh xem xét huỷ bỏ Quyết định công nhận sự thoả thuận thành của TAND huyện Gò Dầu giữa hai bên đương sự.
Vì thỏa thuận giữa các đương sự vi phạm pháp luật, lãi suất 9%/tháng là quá cao so với lãi suất ngân hàng nhà nước quy định. Tuy nhiên cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái gì trước văn bản này của Đoàn Đại biểu Quốc hội.
Ở tuổi gần đất xa trời, cụ Tiện giờ đây chỉ biết mỏi mòn chờ đợi sự phúc đáp từ các cơ quan chức năng, mà không rõ phải chờ đến bao giờ.
“Vì vụ án mà chồng tôi ra đi không nhắm mắt. Nếu đời tôi chưa giải quyết xong, đời con tôi sẽ tiếp tục tìm lại công bằng. Già cả rồi, ai muốn kiện tụng làm gì nữa cho đau đầu nhức óc, nhưng nằm nghĩ lại, tức không ngủ được các chú ơi”, bà lão nói, ánh mắt vẫn hiện rõ niềm tin vào công lý.
Theo Xa lộ pháp luật