Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động sẽ áp dụng như thế nào nếu người lao động liên quan đến hợp đồng do nhiều bên ký kết?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố thủ tục hành chính mới  ban hành, được sửa đổi, bổ sung và bị bãi bỏ của lĩnh vực bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN), trong đó đã quy định cụ thể thủ tục giải quyết chế độ BHTNLĐ-BNN của người lao động (NLĐ) giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) với nhiều người sử dụng lao động (SDLĐ).

Theo đó, thủ tục giải quyết chế độ BHTNLĐ-BNN của NLĐ giao kết HĐLĐ với nhiều NSDLĐ, bao gồm: Chi phí giám định thương tật, bệnh tật; trợ cấp hằng tháng hoặc một lần; trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp khi NLĐ chết do TNLĐ; đóng BHYT cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp BHTNLĐ-BNN hằng tháng.

Điều kiện hưởng

Quyết định quy định, NLĐ được hưởng chế độ tai nạn lao động (TNLĐ) nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Thứ nhất, TNLĐ tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc và trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh.

Thứ hai, TNLĐ ngoài nơi làm việc và ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của NSDLĐ hoặc người được sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động.

Thứ ba, TNLĐ trên đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn trong các trường hợp nêu trên.

Về điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp (BNN), Quyết định quy định, NLĐ đủ các điều kiện sau đây thì được hưởng chế độ BNN:

Một là, bị BNN thuộc Danh mục BNN do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; Hai là, suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh thuộc danh mục nêu trên.

Đối với NLĐ khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề công việc có nguy cơ bị BNN thuộc Danh mục BNN do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành mà phát hiện bị BNN trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, NLĐ bị TNLĐ-BNN được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau: Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe; Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định; Đối với trường hợp thương tật hoặc BNN không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì NLĐ được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.

Trợ cấp NLĐ được hưởng

Về hưởng trợ cấp, Quyết định quy định, NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% thì được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Trường hợp NLĐ bị TNLĐ-BNN mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền đề mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật.

Ngoài ra, NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trợ cấp hàng tháng thì hàng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.

Đối với NLĐ không may chết do TNLĐ-BNN thì thân nhân NLĐ được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng NLĐ bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật BHXH khi thuộc một trong các trường hợp sau: NLĐ đang làm việc bị chết do TNLĐ-BNN; NLĐ bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do TNLĐ-BNN; NLĐ bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Trình tự, thời hạn thực hiện thủ tục hưởng chế độ

Theo đó, để thực hiện thủ tục hưởng chế độ BHTNLĐ-BNN, NSDLĐ nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan BHXH, bằng phương thức trực tiếp hoặc qua đường Bưu điện. Cơ quan BHXH sau khi nhận đủ hồ sơ có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ cho NLĐ, trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản.

Cụ thể, về chế độ TNLĐ, thành phần hồ sơ gồm: Sổ BHXH; Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị TNLĐ đối với trường hợp nội trú; Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa; Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ theo mẫu do BHXH Việt Nam ban hành.

Với chế độ BNN, hồ sơ gồm: Sổ BHXH; Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị BNN, trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở KCB thì phải có giấy khám BNN; Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa, trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; Văn bản đề nghị giải quyết chế độ BNN theo mẫu do BHXH Việt Nam ban hành.

Thời hạn giải quyết, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ, trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trường hợp giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau TNLĐ-BNN, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan bảo hiểm chuyển đến, NSDLĐ có trách nhiệm chi trả trợ cấp cho NLĐ.

Đọc thêm

Quy định mới nhất về việc tổ chức học thêm, dạy thêm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tư 29/2024 quy định rõ, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Không giải thích rõ ràng cho bên mua về quyền lợi bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Theo quy định tại  Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vừa được Chính phủ ban hành, hành vi không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng.