Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW (CIEM), người được xem là “cha đẻ” cho loại hình DN này trong Luật DN 2014, đang có sự dè dặt trong việc hưởng ứng chính sách mới. Còn Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Cty Luật BASICO thì thẳng thắn: “DN XH đang bị tắc tị…”.
Kỳ vọng
Sau rất nhiều tranh luận, cuối cùng DN XH đã được đưa thành một chương trong Luật DN năm 2014. Họ được thừa nhận là DN được đăng ký và thành lập theo Luật DN 2014; mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký…
“DN XH không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn những giá trị xã hội, đặc biệt, DN XH mang lại lợi ích cho những nhóm người yếu thế. Việc DN XH được thừa nhận trong Luật DN sửa đổi 2014 là một dấu mốc quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của DN XH tại Việt Nam trong việc đồng hành cùng Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội”, TS Cung nhận định.
Thế nhưng không như kỳ vọng ban đầu, sau 1 năm triển khai luật, số DN XH được thành lập chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. “Trên thực tế, vẫn còn lúng túng trong thực thi đăng ký DN XH. Dường như có sự dè dặt nào đó trong hướng ứng chính sách mới…”, Viện trưởng CIEM nhận định.
Theo ông, sự dè dặt này đến từ phía cơ quan nhà nước và từ những người lâu nay đang làm DN XH. Về phía cơ quan nhà nước, các Phòng Đăng ký Kinh doanh chưa được tập huấn, trao đổi để hiểu thực sự DN XH là gì, còn về phía những người đang làm DN XH, họ cũng phân vân không hiểu chuyển sang thì có được hưởng lợi như những gì các chuyên gia nói hay không…
“Tôi cho sự lưỡng lự đó là dễ hiểu. Từ chính sách đến cuộc sống, từ lời nói đến việc làm, ở Việt Nam bao giờ cũng có khoảng cách, nhiều khi rất xa… Hy vọng DN XH sẽ đi dần dần nhưng đến đích...”, ông Cung kỳ vọng.
Băn khoăn
Theo Bộ KH&ĐT, đến nay cả nước mới chỉ có khoảng 10 DN XH được cấp phép. Đó là kết quả khi Thông tư 04/2016/TT-BKHĐT ngày 17/5/2016 quy định các biểu mẫu văn bản sử dụng trong đăng ký DN XH theo Nghị định 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật DN có hiệu lực 1/7/2016 vừa rồi.
Đăng ký lần đầu vào tháng 4/2002, ngày 12/7 vừa qua, Cty TNHH Koto đã được Sở KH&ĐT Hà Nội cấp Giấy chứng nhận chuyển đổi sang DN XH. Đây cũng là DN đầu tiên được đăng ký theo mô hình DN XH theo Luật DN 2014. Đại diện DN này cho biết DN đã nộp hồ sơ từ tháng 11/2015, với sự giúp đỡ kiên trì và nhiệt thành của 3 luật sư, DN mới xin được giấp phép chuyển đổi.
Dẫu sao, khó về thủ tục rồi cũng tháo gỡ được. Rất nhiều Trung tâm xã hội đang rất băn khoăn không hiểu khi đăng ký chuyên sang mô hình DN XH thì được hưởng lợi gì.
Bác sĩ Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ em khuyết tật tự kỷ (Trung tâm Sao Mai) cho biết, Trung tâm được thành lập từ năm 1995, 10 năm đầu hoạt động như tổ chức phi chính phủ, dựa vào nguồn kinh phí của các tổ chức người ngoài. 10 năm sau xác định là không thể phụ thuộc vào tài trợ, chuyển sang kinh doanh, như dịch vụ phòng khám, đánh giá ban đầu cho học sinh… Mức thu thấp hơn các phòng khám và có miễn phí trường hợp gia đình khó khăn. Trung tâm đã chuyển nhiều dich vụ từ không thu sang thu để đảm bảo duuy trì hoạt dộng và hiện tại có thể đảm bảo 80-90% cho hoạt động của trung tâm
Giám đốc Trung tâm Sao Mai cũng cho biết từ năm 2010 bà đã có ý tìm hiểu để chuyển đổi Trung tâm sang mô hình DN và rất mừng vì Luật DN 2014 đã đề cập đến mô hình DN XH, tuy nhiên cho đến bây giờ Trung tâm vẫn chưa làm thủ tục chuyển. đổi.
“Chúng tôi đang nghe ngóng vì chưa thông suốt. Ví dụ DN XH cũng có nhiều hình thức hoạt động với những đặc thù riêng, luật chưa quy định rõ ràng. Quy định sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường là chưa hợp lý bởi thực tế chúng tôi chi 100%. Chưa kể chuyển lên DN ít nhất cũng phải đóng thuế môn bài hàng năm, số tiền này không phải nộp thuế chúng tôi có thể đầu tư cho Trung tâm… Đặc biệt, khi có các nguồn tài trợ DN XH phải có văn bản xin phép Sở KH&ĐT hoặc cơ quan quản lý viện trợ thuộc UBND cấp tỉnh, đợi được xác nhận thì không còn cơ hội… Vậy thì chuyển lên mô hình DN, chúng tôi có lợi gì?”, bà Lan băn khoăn.
Tắc tị…
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Cty Luật Basico, DN XH có vẻ như đang được quy định là một loại hình DN riêng. Hơn 1 năm, đã có Nghị định, Thông tư hướng dẫn những còn tắc tị trong triển khai. Ngay như quy định DN sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường cũng rất mơ hồ bởi thực tế chỉ xác định được 51 hay 49% sau kiểm toán.
Luật sư Đức đề nghị không nên chốt cứng khái niệm pháp lý xã hội, để rộng ra, nó là mô hình, mục tiêu kinh doanh hơn là mô hình cứng như vậy… “Không cần ranh giới quá rõ ràng giữa DN thường và DN xã hội, sự ưu đãi sẽ quy định trong các luật khác như Luật về thuế chẳng hạn…”, Luật sư Đức đề nghị.
Chia sẻ băn khoăn với các ý kiến, Viện trưởng CIEM cũng thừa nhận chính bản thân ông cũng chưa tìm ra phương án nào để giải quyết cho vấn đề này. “Ví dụ, trong lĩnh vực giáo dục, trong luật nói DN XH được ưu đãi mức cao nhất về thuế. Chúng tôi đọc cũng không thấy cái gì là cao nhất, cái gì là thấp nhất, huống hồ anh em phòng đăng ký kinh doanh và DN. Thực sự chúng ta chưa có khung riêng cho DN XH. Nhưng đề xuất khung riêng, họ nói mình chưa có thực tiễn, giờ mới được thừa nhận về pháp lý, đang bắt đầu hoạt động, từ đó mới hình thành đối tượng chính sách để hỗ trợ, cần phải có thời gian….”, ông Cung giãi bày. Vì thế, Viện trưởng CIEM đưa ra lời khuyên: “Các anh chị cứ nghiên cứu, không nên chuyển đổi ngay, hãy hoạt động sao cho phục vụ tốt nhất mục tiêu của mình!”.