Hy vọng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lần này sẽ quyết đáp cho tâm nguyện chính đáng của gia đình, khép lại câu chuyện hai thế hệ ròng rã “xin” lại ngôi nhà của chính mình sau một phần tư thế kỷ…
Hòa thượng Thích Minh Châu, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước đây có một người anh ruột là ông Đinh Văn Kính. Ông Kính là giáo chức tại Viện Đại học Huế. Từ trước năm 1975, sau khi về hưu hai ông bà đã theo các con sang Canada định cư, để lại cô con gái là bà Đinh Kim Thị Trà, lúc này đang học tập tại miền Bắc. Đất nước thống nhất, gia đình đã làm đầy đủ thủ tục để cô Trà thừa kế ngôi nhà của cha mẹ tại số 108 Bùi Thị Xuân, Tp.Huế và việc này đã được chính quyền cách mạng công nhận.
Tài liệu gia đình cung cấp thể hiện, đầu tháng 10/1975, UBNDCM huyện Hương Thủy đã đồng ý để bà Trà nhận lại nhà. Ngày 6/10, biên bản bàn giao nhà đã được lập giữa ông Nuyễn Huy Thục, đội trưởng đội xe 2 tỉnh Thừa Thiên Huế (đơn vị được giao quản lý nhà khi đó) với bà Đinh Thị Kim Trà. Theo đó, “đội xe đã bàn giao lại toàn bộ nhà cửa của ngôi nhà 6/4 Huyền Trần Công Chúa (địa chỉ cũ/PV) cho chị Đinh Thị Kim Trà”.
Nhưng vì khi đó bà Trà và chồng là ông Lê Quang Kiệu đều vướng bận công tác tại Hà Nội nên đành để ngôi nhà nhờ mẹ con người cháu ở trông giữ.
Đến năm 1980, UBND tỉnh Bình Trị Thiên khi đó bất ngờ ra quyết định quản lý toàn bộ nhà đất với lý do “nhà vắng chủ”, cưỡng chế mẹ con người cháu của bà Trà ra ngoài rồi đem cho người khác thuê lại. Đến nay, ngôi nhà đã xuống cấp qua thời gian và đang được lấy tạm làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng dành cho người dân địa phương.
Bút tích của Hòa thượng Thích Minh Châu |
Đã hơn 25 năm “gõ cửa” các cơ quan chức năng xin nhận lại căn nhà là tài sản thừa kế hợp pháp nhưng trải qua nhiều nhiệm kỳ Chủ tịch UBND tỉnh, nguyện vọng chính đáng của gia đình vẫn chưa được giải quyết.
Năm 1989, sau khi cháu mình đã kêu cứu nhiều nơi mà không thành, Hòa thượng Thích Minh Châu, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Phật tư châu Á vì hòa bình (ABCP), đương nhiệm Đại biểu Quốc hội, đành có thư gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhờ “xem xét và giúp đỡ cho cháu Trà được nhận lại ngôi nhà của mình”.
Cùng với Hòa thượng Thích Minh Châu, nhiều Đại biểu Quốc hội khác cũng liên tục có phiếu chuyển đơn gửi về chính quyền Thừa Thiên Huế, như ông Đặng Vũ Minh, ông Trần Du Lịch… Thế nhưng, địa phương vẫn lúng túng và trì hoãn việc giao nhà.
Bà Trà và ông Kiệu trước khi nghỉ hưu là cán bộ khoa học kỹ thuật tại Ủy ban Khoa học Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, hai người đều có Huận chương Kháng chiến hạng ba và có nhiều đóng góp trong công tác. Bố mẹ bà Trà theo con sang Canada từ trước năm và không thuộc diện cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Ông Kiệu cũng là thành viên của một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Chị ruột của ông Kiệu là bà Lê Thị Tuyết, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hy sinh khi tuổi đời còn đôi mươi và đã được nhân dân lập tượng đài ngay trên mảnh đất chị bị giặc hành quyết năm xưa. Sinh năm 1949 ở thôn Duân Kinh (xã Hải Xuân, H.Hải Lăng). Bố chị là ông Lê Quang Chư cũng là liệt sĩ thời chống Pháp.
Mang trong mình dòng máu kiên trung như cha, chưa đến tuổi cập kê chị Tuyết đã thoát ly theo cách mạng. Đến tháng 7/1968, chị Tuyết bị địch bắt. Cho đến tận bây giờ nhiều người vẫn còn rùng mình trước sự tra tấn của giặc dành cho người y tá kiên trung này: chúng đã trói chị vào gốc mít rồi lần lượt xẻo tai, cắt vú, mổ bụng moi gan nhưng chị Tuyết vẫn như đá sỏi, không chịu hé một lời.
Giờ đây, bà Trà và ông Kiệu cũng đã thất thập cổ lai hy nhưng ước nguyện được dọn về sống tại căn nhà hương hỏa ở cố đô vẫn chưa héo tàn. Hy vọng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lần này sẽ quyết đáp cho tâm nguyện chính đáng của gia đình, khép lại câu chuyện hai thế hệ ròng rã “xin” lại ngôi nhà của chính mình sau một phần tư thế kỷ.
Tùng Sơn