Theo đó, bất cứ ai xuất nhập cảnh vào 5 quốc gia Đức, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy đều phải thực hiện các thủ tục với cảnh sát cửa khẩu và biện pháp này được họ áp dụng từ 2 năm qua nhằm kiểm soát dòng người nhập cư.
Thêm 3 tháng
Việc này khiến dư luận quan tâm bởi 22 nước thành viên Hiệp ước Schengen đã bãi bỏ kiểm soát biên giới từ lâu, nhưng Đức, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy là những nước đầu tiên áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới từ năm 2015, khi làn sóng người tị nạn và di cư từ các nước Trung Đông và châu Phi tràn vào châu Âu. Các biện pháp kể trên được áp dụng từ tháng 11/2016 và sẽ hết hiệu lực vào giữa tháng 2, nên EC và EU đã cho phép kéo dài thêm 3 tháng nữa.
Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans cho rằng, đã có nhiều tiến bộ đáng kể để có thể dỡ bỏ kiểm soát biên giới nội khối, nhưng EU cần phải củng cố hơn nữa. Trước đó, Brussels muốn khôi phục sự vận hành bình thường của Schengen mà không có các biện pháp kiểm soát biên giới trong khu vực này vào cuối năm 2016.
Nhưng EC cho rằng, các điều kiện chưa hội tụ đủ và việc này cần được 28 thành viên EU chính thức thông qua mới có hiệu lực. Đại diện cấp cao của EU về nhập cư Dimitris Avramopoulos nhấn mạnh, khu vực Schengen gồm 22 nước vốn được coi là một trong những thành quả đáng tự hào nhất của EU, do đó phải trở lại trạng thái bình thường.
Trước đó, ông Dimitris Avramopoulos từng ủng hộ quyết định kéo dài thời gian kiểm soát biên giới thêm 6 tháng của EC hồi thượng tuần tháng 5-2016. Tuy nhiên EC cũng khuyến cáo, việc thiết lập trở lại hoạt động kiểm soát biên giới ở khu vực Schengen có thể gây thiệt hại kinh tế từ 5 đến 18 tỉ euro/năm. Gần 1 năm trước (4/3/2016), EU công bố kế hoạch nhằm chấm dứt việc kiểm soát biên giới mà các nước thành viên đã áp đặt để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư.
Tổng thống Milos Zeman |
“Gánh” còn nặng...
Bộ trưởng Quốc phòng Áo Hans-Peter Doskozil thông báo, nước này sẽ thắt chặt kiểm soát các đường biên giới, đặc biệt là khu vực giáp Slovakia, sau khi dòng người di cư tìm cách thâm nhập vào Áo tăng mạnh. Tờ Kurier còn dẫn cảnh báo của Bộ trưởng Hans-Peter Doskozil trước việc các đối tượng buôn người đang lợi dụng Slovakia để đưa người di cư vào Áo.
Kể từ năm 2015, Áo đã áp đặt nhiều biện pháp kiểm soát biên giới và chuẩn bị sẵn sàng nhiều biện pháp bổ sung, như lắp rào chắn barrier trong trường hợp xuất hiện dòng người di cư mới. Theo giới truyền thông, vì một số người di cư đã trở thành tội phạm, kể cả yêu râu xanh sau khi nhập cư vào Áo, nên nhà chức trách nước này phải trao miễn phí 6.000 thiết bị báo động bỏ túi để giúp ngăn chặn các trường hợp tấn công phụ nữ.
Được biết, Áo đăng cai tổ chức hội nghị Bộ trưởng Nội vụ và Quốc phòng các nước Trung Âu vào ngày 8/2 và các đại biểu sẽ đề cập tới “vấn nạn người di cư”.
Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman vừa tuyên bố ủng hộ chính sách đối với người nhập cư của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Milos Zeman là người chỉ trích chính sách nhập cư và hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư do EU áp đặt cho từng thành viên.
Người phát ngôn Tổng thống, ông Jiri Ovcacek cho rằng, quyết định của ông Donald Trump để bảo vệ lợi ích quốc gia và sự an toàn cho công dân Mỹ và đó là điều lãnh đạo EU không làm được. Do đó, sự an toàn của công dân Czech cũng là ưu tiên của lãnh đạo nước này.
Trước đó (26/1), Bộ trưởng Nội vụ Milan Chovanec cũng tái khẳng định việc nước này phản đối hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn do Ủy ban châu ÂU áp đặt đối với các thành viên EU. Theo ông Milan Chovanec, các nước EU cần thống nhất về vấn đề tăng cường bảo vệ biên giới của EU cả trên biển lẫn đất liền, sau đó mới tìm kiếm sự đồng thuận về hệ thống phân bổ người tị nạn. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, vẫn chưa có giải pháp cho việc chia sẻ bình đẳng gánh nặng người di cư giữa các nước EU./.