Châu Âu: Bê bối trứng “bẩn” lan rộng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Châu Âu tiếp tục hứng chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng về an toàn thực phẩm khi vụ bê bối trứng nhiễm độc thuốc trừ sâu còn gọi là trứng “bẩn” bắt nguồn từ Hà Lan. 

Đây là đòn giáng mạnh vào ngành chăn nuôi của châu Âu vốn đã điêu đứng sau dịch cúm gia cầm bùng phát vào năm 2016.

Lan rộng

Vụ bê bối trứng “bẩn” bắt nguồn từ Hà Lan tiếp tục lan rộng tại châu Âu khi ngày 10/8/2017, các nước Đan Mạch, Romania và Slovakia đều thông báo phát hiện số lượng lớn trứng nghi ngờ nhiễm thuốc trừ sâu độc hại.

Cơ quan Thực phẩm và Thú y Đan Mạch thông báo có 20 tấn trứng nhiễm thuốc trừ sâu Fipronil được bán tại thị trường nước này. Số trứng đã được luộc và bóc vỏ sẵn này do một công ty của Bỉ cung cấp và phần lớn được bán tới các quán cafe và các công ty cung cấp thực phẩm, không bày bán rộng rãi tại các cửa hàng bán lẻ của Đan Mạch. 

Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm của Vương quốc Anh cũng cho biết khoảng 700.000 quả trứng gà liên quan đến bê bối nhiễm hóa chất Fipronil trừ bọ độc hại ở Hà Lan đã được phân phối tại Anh. Con số này cao hơn nhiều thông báo trước đó - chỉ là 21.000 quả. Số trứng “bẩn” vừa được thông báo trên tương đương 0,007% lượng trứng tiêu thụ tại quốc đảo này mỗi năm.

Trước đó, chính quyền Bỉ cho biết các xét nghiệm đã phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu Fipronil trong một số mẫu trứng nhưng không cao đến mức nguy hiểm cho sức khỏe con người, đồng thời khẳng định không có quả trứng “bẩn” nào được bày bán trong siêu thị ở Bỉ.

Bộ Nông nghiệp Pháp cũng xác nhận 13 lô trứng có chứa thuốc trừ sâu Fipronil của Hà Lan đã được chuyển đến hai nhà máy ở miền Tây-Trung nước Pháp trong khoảng thời gian từ 11 đến 26/7. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Pháp chưa thể khẳng định liệu có sản phẩm nào đã tới tay người tiêu dùng hay chưa. Trong khi đó, theo các nhà chức trách Đức, khoảng 3 triệu quả trứng “bẩn” đã được nhập khẩu vào Đức và hầu hết đã được bán trong những tuần qua.

Vụ bê bối “trứng bẩn” bị phanh phui ngày 28/7 vừa qua tại Hà Lan sau khi cơ quan chức năng nước này phát hiện dư lượng cao thuốc trừ sâu Fipronil do Công ty BASF của Đức sản xuất, trong các mẫu kiểm tra phân, máu và trứng gà. Hóa chất trên được một công ty của Hà Lan là Chickfriend đưa vào sử dụng tại các trang trại gia cầm nhằm tiêu diệt bọ đỏ ký sinh trên gà. Cho tới nay, vụ bê bối trứng “bẩn” đã ảnh hưởng tới 11 quốc gia châu Âu, với hàng triệu quả trứng được thu hồi. 

Ảnh hưởng lớn

Vụ bê bối trứng “bẩn” tại Hà Lan đã gây ảnh hưởng to lớn khi các siêu thị ở Hà Lan và Đức đã rút khỏi các kệ hàng hàng triệu quả trứng do nghi ngờ nhiễm thuốc trừ sâu độc hại, trong đó riêng chuỗi siêu thị lớn nhất tại Hà Lan, Albert Heijn, cho biết đã rút khỏi kệ hàng 14 loại trứng để đem đi tiêu hủy.

Sau khi đóng cửa hơn 180 trang trại chăn nuôi gia cầm hồi đầu tuần sau khi phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu Fipronil trên các mẫu trứng, thịt và phân động vật, Cơ quan Thực phẩm Hà Lan (NVWA) đã tiến hành các cuộc xét nghiệm và quyết định 138 trang trại vẫn sẽ phải đóng cửa. Theo kết quả xét nghiệm, trứng từ 59 trang trại khác có dư lượng lớn thuốc trừ sâu fipronil. NVWA khuyến cáo trẻ em không nên ăn loại trứng này. Bên cạnh đó, các chủ trang trại ở Hà Lan cũng đã tiêu hủy hàng trăm nghìn con gà do vụ bê bối trứng “bẩn”. Theo nhà chức trách Hà Lan, các chủ trang trại ở nước này chỉ có thể giành lại thị trường cho đến khi không còn phát hiện thuốc trừ sâu trong trứng gà. 

Theo truyền thông Hà Lan, năm 2016, khoảng 1.000 trang trại chăn nuôi gia cầm ở nước này, đa phần ở khu vực biên giới với Đức, đã “xuất xưởng” khoảng 10 tỷ quả trứng. Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Christian Schmidt cho biết Đức là nước bị ảnh hưởng nặng nề trong vụ bê bối này. Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Bỉ Denis Ducarme cho biết sản phẩm trứng gà từ 57 công ty gia cầm của nước này đã bị cấm bán tại các siêu thị.

Các chuyên gia ước tính thiệt hại tài chính của vụ bê bối trứng “bẩn” này có thể lên tới hàng triệu euro và sẽ để lại những hậu quả nặng nề đối với ngành chăn nuôi gia cầm và các thị trường nông sản tại châu Âu - vốn chỉ mới đang trên đà hồi phục sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch cúm gia cầm năm 2016. Đặc biệt, đây là một cú sốc mới đối với các trang trại chăn nuôi gia cầm ở Hà Lan sau vụ tiêu hủy 190.000 con vịt hồi tháng 11/2016.

Nỗ lực đối phó

Nhằm đối phó với vụ bê bối trứng “bẩn” đang ngày càng lan rộng, các nước châu Âu đã nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Ngày 9/8 Cơ quan An toàn thực phẩm của Bỉ (AFSCA) đã mở cuộc điều tra hình sự về vụ bê bối trứng “bẩn” này. Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp Pháp cũng đã ban hành quyết định thanh tra toàn bộ các nhà máy chế biến, sản xuất sản phẩm từ trứng trên cả nước. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stephane Travert bày tỏ hi vọng Pháp và các nước đối tác châu Âu sẽ có sự trao đổi thông tin thường xuyên để minh bạch trong các báo cáo. 

Tại Đức, Bộ Nông nghiệp khuyến cáo người tiêu dùng nên kiểm tra trứng đã mua bằng cách đối chiếu với danh sách các công ty cung ứng trong diện nghi vấn được đăng tải trên mạng internet.

Ngày 10/8, các nhà điều tra Hà Lan đã bắt giữ hai đối tượng liên quan đến bê bối trứng gà châu Âu nhiễm hóa chất trừ bọ độc hại Fipronil. Người phát ngôn cơ quan công tố Hà Lan Marieke van der Molen cho biết hai đối tượng bị bắt giữ là người quản lý của công ty bị cáo buộc sử dụng hóa chất Fipronil trong các trang trại gia cầm. Việc bắt giữ diễn ra trong các cuộc đột kích phối hợp với chính quyền Bỉ tại 8 địa điểm trên khắp Hà Lan, dưới sự hỗ trợ của các cơ quan cảnh sát và tư pháp châu Âu là Europol và Eurojust.

Thực tế cho thấy, các vụ bê bối về thực phẩm “bẩn” đang là nỗi lo của người tiêu dùng châu Âu. Vụ bê bối trứng “bẩn” này xảy ra chỉ hai tuần sau khi Europol triệt phá một đường dây tội phạm có tổ chức liên quan đến việc đưa “thịt ngựa bẩn” vào tiêu thụ tại các thị trường châu Âu. Tuy nhiên, để ngăn chặn các vụ bê bối thực phẩm “bẩn” ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các nhà chức trách còn đặc biệt cần đến lương tâm của người kinh doanh. 

Đọc thêm

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024
(PLVN) - Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã được Euromonitor International vinh danh là thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024, nhờ vào kỷ lục đón 32,4 triệu lượt khách quốc tế. Con số này vượt xa thành phố đứng thứ hai là Istanbul, nơi đón 23 triệu lượt khách nước ngoài.

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này đánh dấu những ngày lễ quốc tế quan trọng, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm chung trong việc xây dựng một thế giới công bằng, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Trường hợp khẩn cấp, công dân Việt tại Syria nên liên hệ đường dây nóng Đại sứ quán Việt Nam

Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN
Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã đề nghị Syria cung cấp thông tin về công dân Việt Nam có khả năng đang sinh sống, làm việc tại Syria. Trong trường hợp khẩn cấp, công dân hãy liên hệ số đường dây nóng bảo hộ công dân +98 933 965 8252/+98 991 205 7570 (Whatsapp); hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới chứng kiến nhiều sự kiện đáng buồn, từ thiên tai, tai nạn, hoả hoạn, đến tội ác nhằm vào nhà báo và bệnh dịch bí ẩn..., khiến hàng trăm sinh mạng bị cướp đi.

Đàm phán FTA giữa Khối EFTA và Thái Lan chính thức đặt dấu mốc

Đại diện các nước EFTA (Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ) và Thái Lan họp trực tuyến về việc kết thúc việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên.
(PLVN) - Ngày 29/11/2024, Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, chính thức kết thúc đàm phán với Thái Lan về Hiệp định Thương mại tự do (FTA).  Thỏa thuận này mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại giữa hai bên, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực và mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tại cả hai khu vực.

Namibia có nữ tổng thống đầu tiên

Bà Netumbo Nandi-Ndaitwah trở thành Tổng thống thứ 5 của Namibia kể từ khi nước này giành độc lập hồi năm 1990.
(PLVN) - Ngày 3/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Namibia (ECN) Elsie Nghikembua thông báo, nước này đã bầu ra tân Tổng thống sau cuộc bầu cử diễn ra hôm 27/11.