[links()]Hai tháng sau khi Báo Pháp luật Việt Nam số ra ngày 06/8/2012 đăng bài “Hai cấp tối cao thờ ơ với vi phạm của cấp dưới?” phản ánh về khiếu nại của vợ chồng ông bà Nguyễn Xuân Phong, Trần Thị Lan ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai về những sai phạm của Bản án Dân sự phúc thẩm số 152/DSPT ngày 28/11/2002 do TAND tỉnh Đồng Nai xét xử, Chánh án TAND tối cao đã ký Quyết định kháng nghị tái thẩm.
Ông Phong đã yên tâm sản xuất nhờ kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao |
Bản án phúc thẩm sai lầm
Như PLVN đã phản ánh, năm 1989, bà Lê Thị Mỹ nhờ ông Nguyễn Thanh Quang, cán bộ địa chính xã Vĩnh Thanh mua giúp 2 ha đất với giá 320.000 đồng và đưa cho ông Quang 100.000 đồng thuê cày đất và mua cây tràm giống. Do bà Mỹ không thanh toán đủ chi phí nên tháng 1/1991 ông Quang sang nhượng đất cho vợ chồng ông Phong, bà Lan.Vợ chồng ông Phong, bà Lan đã cải tạo diện tích đất này để trồng cao su.
Năm 1992, bà Mỹ yêu cầu VKSND huyện Long Thành giải quyết. Ngày 19/5/1992, tại VKSND huyện Long Thành, Kiểm sát viên Phan Văn Lương đã mời bà Mỹ, ông Quang và vợ chồng ông Phong, bà Lan đến hòa giải. Tại đây, ông Quang đồng ý trả cho bà Mỹ số tiền mua đất, tiền cày cấy, cây giống, tổng cộng là 5,7 chỉ vàng; bà Mỹ chấp nhận cho ông Quang trả dần trong vòng 1 năm. Biên bản hòa giải thành được lập có chữ ký các bên.
Như vậy, vụ việc đã được giải quyết dứt điểm, tại một trong các cơ quan tố tụng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Vì vậy, 5 năm sau, ngày 19/4/1997, UBND huyện Nhơn Trạch đã cấp sổ đỏ cho vợ chồng ông Phong, bà Lan đối với 2 ha đất này.
Nhưng do hơn 4 năm mà ông Quang không có điều kiện thanh toán số vàng đã thỏa thuận nên bà Mỹ có đơn tố cáo và Công an huyện khởi tố, tạm giam ông Quang 3 tháng. Sau đó, xác định đây là tranh chấp dân sự nên ông Quang được trả tự do. Đòi tiền ông Quang không được, bà Mỹ quay sang đòi vợ chồng ông Phong, bà Lan và TAND tỉnh Đồng Nai đã xét xử và tuyên Bản án dân sự Phúc thẩm số 152/DSPT ngày 28/11/2002 kể trên.
Kháng nghị tái thẩm sau 10 năm khiếu nại
Một luật sư nhận xét: Nhờ sự quan tâm sâu sát, quyết liệt của Quốc hội, từ lãnh đạo, các Ủy ban đến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan báo chí suốt nhiều năm qua như vậy, đến nay bản án oan sai đã được kháng nghị hủy án để giải quyết đúng pháp luật. Quyết định kháng nghị của Chánh án TANDTC đã củng cố niềm tin của nhân dân vào cơ quan bảo vệ pháp luật, mang lại công bằng cho công dân. |
Vụ án này gây xôn xao dư luận địa phương bởi sự vô lý và nhiều vi phạm trong nhận định và giải quyết vụ án của TAND tỉnh Đồng Nai; ngược lại, đơn khiếu nại của vợ chồng ông Phong, bà Lan nhận được sự quan tâm của Quốc hội, thể hiện qua nhiều công văn đề nghị Chánh án TANDTC xem xét, giải quyết đúng pháp luật. Đơn cử, ngày 15/5/2004 Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XI có Công văn số 551/UBPL11 do Phó Chủ nhiệm Trần Thế Vượng gửi Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC nêu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đề nghị xem xét, giải quyết.
Công văn 181 ngày 28/4/2006 do Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Lê Hồng Phương ký gửi Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị Giám đốc thẩm Bản án số 152/DSPT ngày 28/11/2002 của TAND tỉnh Đồng Nai vì “có sai lầm nghiêm trọng” trong việc xác định tư cách người tham gia tố tụng của người được Tòa coi là bị đơn, từ đó bản án đưa ra quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan gây thiệt hại cho bà Lan… Trước đó, cơ quan này cũng đã có công văn tương tự nhưng không được xem xét.
Tiếp đó, Ủy ban Tư pháp Quốc hội lại có Công văn số 4765/UBTP12 ngày 18/3/2011 do Phó Chủ nhiệm Hoàng Văn Minh ký gửi Chánh án TANDTC; ngày 22/3/2012 Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai có tiếp Công văn số 22 gửi Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC đề nghị xem xét giải quyết theo thẩm quyền, theo quy định của pháp luật. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc sau khi tiếp và nhận đơn trực tiếp từ bà Trần Thị Lan đã chuyển đơn đến Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình…
Cùng với đó, nhiều cơ quan báo chí trong đó có Pháp luật Việt Nam số ra ngày 06/8/2012 có bài “Hai cấp tối cao thờ ơ với vi phạm của cấp dưới?” phản ánh nội dung vụ việc và đề nghị lãnh đạo hai cơ quan tố tụng tối cao quan tâm giải quyết…
Ngày 11/10/2012, Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định Kháng nghị tái thẩm số 430/KN-DS đối với Bản án Dân sự phúc thẩm số 152/DSPT ngày 18/11/2002 của TAND tỉnh Đồng Nai, có nguyên đơn là bà Lê Thị Mỹ, trú tại thị trấn Long Thành; bị đơn là vợ chồng ông bà Nguyễn Xuân Phong, Trần Thị Lan ở xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Thanh Quang ở xã Long Tân.
Sau khi nhận định nội dung vụ án, Chánh án TAND Tối cao đã quyết định kháng nghị tái thẩm và đề nghị Tòa Dân sự TAND Tối cao xét xử tái thẩm, hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm đúng quy định của pháp luật và tạm đình chỉ thi hành bản án. Như vậy sau 10 năm khiếu nại, bản án oan sai này đã được Chánh án TANDTC kháng nghị, để giải quyết đúng pháp luật.
Nhiều luật sư cho rằng: “Các cơ quan tư pháp địa phương đã sai ở chỗ vụ việc đã được giải quyết ngày 19/5/1992 tại VKSND huyện Long Thành, vợ chồng ông Phong đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lẽ ra, khi ông Quang không trả nợ bà Mỹ có thể khởi kiện dân sự. Thay vì hành xử đúng pháp luật như vậy thì bà Mỹ lại yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, không được thì quay sang đòi nợ vợ chồng ông Phong, trớ trêu là Tòa án lại chấp nhận yêu cầu vô căn cứ đó dẫn đến oan sai”. |
An Bình