Ở kì thi THPT Quốc gia 2018 này, Ân sẽ được tuyển thẳng vào đại học. Và một sáng kiến của Ân về tranh biện “Áp dụng hình thức debate (tranh biện) quốc tế vào hoạt động dạy và học ở trường THPT” sẽ được NXB Trẻ đặt hàng in sách để đưa vào nhà trường tham khảo. Tuy nhiên, chàng trai bật mí, ngoài học tiếng Anh ở các trung tâm, Ân từ lớp 1 đã không học thêm và không mấy áp lực học hành…
Sở thích… thi
Gặp Phạm Hoàng Ân những ngày đầu tháng tư tại Hà Nội, chàng trai mảnh dẻ, thư sinh vui vẻ kể: “Ngay từ nhỏ em đã tham gia khá nhiều cuộc thi với niềm yêu thích. Năm lớp 8,9 em đạt giải Văn hay chữ tốt, một cuộc thi khá sôi nổi tại TP HCM.
Ngoài ra, em biết đến với những thành tích đáng nể trong học tập và trong các công tác Đoàn, Đội và tham gia nhiều hoạt động xã hội, các chiến dịch tình nguyện, chiến dịch Hoa phượng đỏ, chương trình giao lưu thiếu nhi Việt- Lào- Campuchia… Tuy nhiên, bước ngoặt lớn nhất với em đó là năm lớp 10, em được giải ba trong cuộc thi Thực hiện ước mơ với mong muốn làm nhà thiết kế đồ họa và em có 1 tháng với học bổng tiếng Anh tại ĐH Westen Sydney và khóa học tại trường doanh nhân Đắc nhân tâm. Đó là khoảng thời gian để lại cho em nhiều mới mẻ về thế giới rộng lớn…”.
Trở lại dự án tranh biện, Ân chia sẻ, Debate gồm nhiều hình thức tranh luận giữa các bên nhằm bảo vệ quan điểm của mình. Hình thức debate được nhóm của cô Nguyễn Ngọc Vân Anh (Trường THPT Long Thới, H.Nhà Bè, TP HCM) và Hoàng Ân hướng đến trong dự án là tranh biện học thuật. Chẳng hạn, năm ngoái, tiết học Ngữ văn về nghị luận xã hội của lớp 11A1 Trường THPT Long Thới được bắt đầu bằng một câu hỏi: “Có nên cho học sinh đánh giá giáo viên?”.
Đây là câu hỏi khá nhạy cảm và đã được giáo viên “đặt hàng” với học sinh trước tiết học nhiều ngày… Và chính qua các buổi tranh biện, Ân đã tham gia nhiều trận debate nảy lửa và được trải nghiệm nhiều tình huống tranh biện và mở mang tư duy rất nhiều sau đó.
“Trong tranh biện, đối với vấn đề bất kỳ, nếu em vốn ủng hộ nó, nhưng lượt của em là phải phản đối thì em buộc phải đứng ở góc độ người phản đối, tìm hiểu tại sao vấn đề đúng mà người ta không làm, tại sao sai mà người ta vẫn làm... Ví dụ như hút thuốc lá, tại sao hút thuốc lá không tốt cho sức khỏe nhưng người ta vẫn hút” - Hoàng Ân giải thích.
Ân cũng chia sẻ thêm, sau các trận debate, bạn bè xung quanh em nói chuyện với nhau văn minh, lịch sự, có lý lẽ hơn, nhất là không cãi cọ loạn xạ, bất chấp như trước. Mọi người học được cách tôn trọng các ý kiến trái chiều và cùng nhau tìm ra giải pháp tốt nhất. Một tiết học mà giáo viên chỉ là người hướng dẫn, làm giám khảo cho sự tranh biện của học sinh về một vấn đề được nêu trước đó. Còn học sinh là người làm chủ tiết học, phản biện, giải quyết mâu thuẫn và rút ra bài học cụ thể.
Đầu tháng 10/2017, Hoàng Ân cùng cô Vân Anh tiến hành một cuộc khảo sát trong 631 học sinh của Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè) và THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP HCM). Với câu hỏi “Bạn có thường xuyên nói lên ý kiến của bản thân không?”, kết quả là gần 80% học sinh không thường xuyên và hiếm khi thực hiện điều này. Lý do chính các bạn không dám nói lên ý kiến của bản thân là lo ngại mình sai và không có thói quen phản biện.
“Em luôn tâm niệm, trong học tập phải biết mình sai ở đâu và sửa nó thì mới tiến bộ được. Chứ suốt ngày cứ ôm thắc mắc trong đầu, không dám nói ra, cũng không biết nó đúng hay sai thì giáo viên sẽ không kịp thời điều chỉnh được những bất ổn của học sinh trong quá trình tiếp thu bài. Như vậy thì mình sẽ rất thiệt thòi trong chuyện học” - Hoàng Ân cho biết.
Sáng kiến “Áp dụng hình thức debate (tranh biện) quốc tế vào hoạt động dạy và học ở trường THPT” đã được cậu học trò Phạm Hoàng Ân cùng cô Nguyễn Ngọc Vân Anh (Trường THPT Long Thới, H.Nhà Bè, TP HCM) gửi đến cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017, và được trao một trong hai giải Khuyến khích cho nhóm tác giả nhỏ tuổi nhất tham gia cuộc thi.
Không sợ thất bại…
Cũng năm ngoái, từ một bài báo khoa học về lá mãng cầu xiêm, Phạm Hoàng Ân và cộng sự đã chế tạo ra thuốc kháng viêm từ vỏ cây. Sau một thời gian nghiên cứu, Ân thấy cây mãng cầu xiêm đã có nhiều nghiên cứu thực hiện nhưng chỉ trên các bộ phận như hạt, lá, thân, rễ và chưa có nhiều nghiên cứu trên vỏ cây.
Từ đó, Ân quyết định thực hiện đề tài trên vỏ cây này. Ban đầu, mục đích đề tài là xác định hoạt tính kháng oxy hóa nhưng sau một thời gian thực hiện Ân đã mở rộng nghiên cứu sang sản phẩm kháng viêm. Khi chia sẻ ý tưởng này, Ân được sự hỗ trợ từ cô giáo dạy hóa Nguyễn Ngọc Vân Anh và bạn học Trương Du Kỵ đồng ý tham gia, hỗ trợ dự án.
Để làm được đề tài nghiên cứu này, nhóm phải tìm hiểu cách lấy vỏ sao cho cây không bị chết. Điều này, Ân học được từ ông ngoại. Vừa học, vừa nghiên cứu nên khó khăn nhất là sắp xếp thời gian. Cả nhà rất lo lắng và không muốn Ân nghiên cứu vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập. Từ lúc lên ý tưởng đến lúc thành phẩm, Ân mất khoảng 3 tháng. Ân phải xay vỏ cây thành bột, đem ngâm trong 3 dung môi hóa học để thu được 3 loại chất hữu cơ.
Sau đó, nhóm Ân mang 3 chất đó đi thử nghiệm khả năng kháng oxy hóa ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM. Đây là lúc Ân phát hiện ra tính chất kháng viêm của vỏ cây khi bôi ngoài da. Nhóm Ân mang sản phẩm đi thử nghiệm và được sự cố vấn của thầy cô, nhóm của Ân đã cho ra thành phẩm dưới dạng gel kháng viêm.
Sáng tạo này giúp Ân giành giải Nhất cấp Thành phố và giải Nhì cấp Quốc gia cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học phổ thông năm 2016-2017, ở lĩnh vực Hóa - Sinh. Hoàng Ân chia sẻ: “Với bất kỳ một nghiên cứu nào, Ân đều hướng đến lợi ích cộng đồng, lấy đó làm trọng tâm của việc nghiên cứu để có thêm động lực và khiến quá trình làm việc có ý nghĩa hơn. Khi bắt đầu thực hiện đề tài, Ân không sợ thất bại. Nghiên cứu khoa học không chỉ gặp một mà gặp rất nhiều thất bại. Mỗi lần thất bại là một lần mình có thể tìm ra hướng đi mới cũng như rút kinh nghiệm cho các lần nghiên cứu sau”.
Hỏi em làm sao có thể có thời gian để làm được nhiều việc tới vậy, Ân cho biết, thường em luôn hoàn thành bài vở ở lớp, có gì không hiểu em hỏi thầy cô, bạn bè luôn. Khi về nhà, thời gian em dành cho những việc làm yêu thích ngoài sách vở, hoặc tự học, tự bổ sung kiến thức.
Hỏi chàng trai “ Ai là thần tượng của em”, Ân trả lời chân thành: “Không có ai là thần tượng của em bởi mỗi người luôn có điểm tốt và cả những điểm xấu, nên mỗi người em học theo một ít. Nhưng người có ảnh hưởng lớn nhất là ông nội em…”, bởi từ nhỏ, khi ba mẹ chia tay, Ân đã ở với ông bà nội và ba. Ông nội em vốn là một nhà báo nên ngày nhỏ, những câu chuyện cổ tích được ông kể trên đường đưa Ân đi học, những bài học cuộc sống, những giá trị, những khát vọng cũng được ông đưa tới Ân bằng nhiều cách khác nhau. Và cậu bé đã lớn lên như thế, vui vẻ, hoạt bát, đầy năng lượng và đam mê…
Nói về dự định vào trường đại học, Ân chia sẻ, có thể em đăng kí tuyển thẳng vào ĐH Y Dược TP HCM và Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP HCM bởi cuộc sống với em luôn là những bất ngờ khám phá. Thế nên, những trải nghiệm và thử sức qua các nghiên cứu, các hoạt động xã hội luôn hấp dẫn với chàng trai cầm kì thi họa này. Hiện Ân đang học lớp Văn và là cây văn của lớp, trong tốp đầu các bạn học giỏi, vậy nên những thử sức và những chân trời mới vẫn luôn ở phía trước…