Chân dung người khai sinh ra IS

Abu Musab al-Zarqawi
Abu Musab al-Zarqawi
(PLO) -Nhà nước Hồi giáo (IS) hay còn được biết đến với tên Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS hay ISIL) là một tổ chức bao gồm các phần tử Hồi giáo cực đoan dòng Sunni hoạt động ở Syria và Iraq. Nhóm này nhen nhóm hoạt động vào đầu những năm 2000, khi Abu Musab al-Zarqawi bắt đầu huấn luyện các phần tử cực đoan với mục tiêu thiết lập và bành trướng một đế chế Hồi giáo.

Từng gặp gỡ Osama bin Laden

Abu Musab al-Zarqawi có quốc tịch Jordan. Trong giai đoạn thụ án tù về tội tàng trữ ma túy và tấn công tình dục, y bị cực đoan hóa và đã từng tới Afghanistan vào cuối những năm 1980 với ý định gia nhập cuộc chiến chống Liên Xô nhưng không thành. 

Trong những năm 1990, Zarqawi về nước và gia nhập phong trào Salafi. Một thời gian sau đó, hắn tiếp tục bị bắt giữ vì tội chỉ trích và âm mưu lật đổ vương triều Hashemite ở Jordan. Dù ngồi tù nhưng đối tượng này lại trở nên nổi tiếng với những tuyên bố ngông cuồng được lén đưa ra ngoài và đăng tải trên các trang web của phong trào Salafi.

Những tuyên bố đó của Zarqawi đã thu hút được sự chú ý của trùm khủng bố Osama bin Laden. Một số nguồn tin cho biết, sau khi Zarqawi ra tù vào năm 1999, 2 tên đã gặp nhau. Nhưng bin Laden vẫn chưa tin tưởng Zarqawi và giữa chúng cũng có những bất đồng về mục tiêu và chiến thuật. 

Sự khác biệt mấu chốt nằm ở việc Zarqawi muốn nhắm tới mục tiêu là những “kẻ thù gần” như chính phủ Israel và Jordan trong khi lãnh đạo Al Qaeda (AQ) lại thường tập trung vào “kẻ thù xa” như nước Mỹ. Ngoài ra, Zarqawi nuôi lòng thù hận sâu sắc với những người Hồi giáo dòng Shiites nhưng bin Laden lại không như vậy. 

Dù bất đồng nhưng bin Laden vẫn đề nghị Zarqawi gia nhập AQ. Khi Zarqawi từ chối, bin Laden vẫn tài trợ tiền để hắn xây dựng một trại đào tạo các phần tử cực đoan ở Heart. Tại đây, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, Zarqawi đã huấn luyện được từ 2.000 đến 3.000 phần tử cực đoan. Sau khi Mỹ tấn công các mục tiêu khủng bố ở Afghanistan vào năm 2001, Zarqawi và các chiến binh của hắn đã tới Iran, Syria, Lebanon và những khu vực của người Kurd ở Iraq.

Sau năm 2001, các phần tử cực đoan do Zarqawi cầm đầu lập nhóm Jama’at al-Tawhid wa’al-Jihad (JTJ) với vụ việc đáng chú ý đầu tiên là vụ sát hại nhân viên của tổ chức USAid Laurence Foley ở Jordan vào năm 2002. Nhóm này cũng có đội ngũ chiến binh khá hùng mạnh các nước như Jordan, Syria, Afghanistan, Pakistan và Iraq. 

Hoạt động của JTJ gia tăng nhanh chóng sau khi Mỹ phát động cuộc chiến ở Iraq năm 2003. JTJ khiến nhiều người sợ hãi vì chiến thuật bạo lực nhằm vào các lực lượng không chiến đấu như các nhân viên cứu trợ hay những người Iraq bản địa. 

Nhóm này cũng khét tiếng thế giới vì những vụ ám sát và những video ghi lại cảnh hành hình dã man được chúng đăng tải trên internet. JTJ còn thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào người Shiite để kích động mâu thuẫn giáo phái cũng như cản trở quá trình chuyển giao chính quyền. 

Gia nhập Al Qaeda 

Tháng 10/2004, Zarqawi chính  thức gia nhập AQ, và đổi tên nhóm thành Tanzim Qaidat al-Jihad fi Bilad al-Rafidayn Zarqawi, có nghĩa là Al Qaeda ở Iraq (AQI). 

Dù đã chính thức cam kết trung thành với Osama bin Laden nhưng Zarqawi và thủ lĩnh AQ vẫn tiếp tục bất đồng về một số chiến thuật, như Al Qaeda sẵn sàng hợp tác với các nhóm đối lập khác và tập trung vào Mỹ, phương Tây thay vì những kẻ thù gần. Những khác biệt đó đã đưa đến căng thẳng trong suốt một thời gian dài kể từ khi 2 nhóm kết liên minh với nhau.

Ban đầu, nhiều người Sunni ở Iraq tỏ ra ủng hộ AQI và mục tiêu đánh bật Mỹ và lực lượng liên minh khỏi Iraq cũng như ngăn chặn chính quyền của người Shiite tiếp quản quyền lực. Song, những chiến thuật cực đoan của nhóm này đã khiến những người ủng hộ chúng ngày càng ít đi. 

Một vụ hành hình nạn nhân bị bắt cóc của IS thửa sơ khởi
Một vụ hành hình nạn nhân bị bắt cóc của IS thửa sơ khởi

Nhiều nhóm Hồi giáo cũng đã lên tiếng chỉ trích chiến thuật giết nhiều người, phá hủy những địa điểm tôn giáo của người Shiite của Zarqawi. Ngày 22/2/2006, AQI đánh bom vào ngôi đền Askariyah ở Samarra, kéo theo ít nhất 27 cuộc tấn công trả đũa của người Shiite nhằm vào những ngôi chùa của người Sunni chỉ trong ngày hôm đó, đồng thời cũng khiến tình hình bạo lực giữa người Shiite và Sunni leo thang.

Vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương, AQI sau đó đã quyết định gia nhập nhóm Majlis Shura al-Mujahidin (MSC) – một nhóm gồm 6 nhóm thánh chiến nhỏ được thành lập với mục đích tập hợp lực lượng chống quân Mỹ và đồng minh tại Iraq. Giữa lúc những tranh cãi ngày càng gay gắt, ngày 7/6/2006, Zarqawi đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của người Mỹ ở Iraq. 

Suy giảm

Sau khi Zarqawi thiệt mạng, AQI thông báo Abu Ayub al-Masri – một kẻ chuyên chế tạo bom người Ai Cập, từng được huấn luyện tại Afghanistan – sẽ trở thành người kế nhiệm ông trùm. Tuy nhiên, các thông tin tình báo cho hay, cái chết của Zarqawi đã khiến tổ chức của hắn gần như tê liệt và việc quản lý của Masri chỉ đơn giản là để duy trì sự tồn tại của tổ chức này, với một số vụ tấn công để kích động bạo lực phe phái.

Dù vậy nhưng sau đó Masri vẫn thuyết phục được một số nhóm khác sáp nhập với nhóm của hắn để thành lập tổ chức cực đoan mới có tên Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI). 

Mục tiêu của tổ chức này khi đó là để tập hợp lực lượng chống lại Mỹ và liên quân, thu hút sự chú ý và ủng hộ của các nhóm thánh chiến trên toàn thế giới, chuẩn bị cơ cấu quản trị để tiếp quản quyền lực khi Mỹ và liên quân rút khỏi Iraq. Đây cũng được cho là bước đi đầu tiên của AQI trong việc hướng tới thành lập một đế chế Hồi giáo ở Trung Đông.  

Đầu năm 2008, liên minh và lực lượng an ninh địa phương đã tiêu diệt 2.400 thành viên AQI và bắt 8.800 tên làm tù nhân. Đến mùa xuân năm 2009, Mỹ tài trợ cho khoảng 100.000 người Sunni chống tổ chức trên. Chỉ 1 năm sau đó, AQI mất liên lạc với AQ, 36/42 chỉ huy của nhóm bị tiêu diệt hoặc bắt giữ, khiến chúng rơi vào tình trạng hỗn loạn. 

Một tên khác tên Abu Bakr al-Baghdadi sau đó tiếp quản vị trí chỉ huy, tìm cách củng cố hoạt động của AQI. Tháng 12/2011, liên quân rút khỏi Iraq, AQI cũng phát triển mạnh mẽ trở lại. Đặc biệt, những thất bại về an ninh và chiến thuật chống cực đoan của chính phủ Iraq khi đó càng khiến cho AQI bành trướng nhanh hơn. 

Đổi tên

Cùng lúc, AQI cũng lợi dụng cuộc nội chiến ở Syria làm chiến trường huấn luyện và mở rộng địa bàn hoạt động. Tháng 4/2013, Baghdadi chuyển tới Syria và đổi tên nhóm thành Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS). Từ tháng 1/2014, địa bàn của tổ chức này gia tăng đáng kể với việc chúng lần đầu đánh bại quân của Chính phủ Iraq. 

Tài sản thu được ở những vùng chiếm đóng cộng thêm những nguồn ủng hộ nước ngoài và những hoạt động tội phạm như buôn người, tống tiền các doanh nghiệp địa phương khiến ISIS có được khối tài sản ước tính lên đến 2 tỉ USD. Đến tháng 9/2004, các chuyên gia ước tính chỉ riêng doanh thu từ dầu của tổ chức này đã vào khoảng từ 1 đến 2 triệu USD mỗi ngày.

Ngày 29/6/2014, ISIS tiếp tục đổi tên, lần này thành Nhà nước Hồi giáo (IS), đồng thời tuyên bố thành lập một đế chế Hồi giáo. Thủ lĩnh của tổ chức này Abu Bakr al-Baghdadi được xưng tụng là Giáo chủ (Caliph). Nhóm này kêu gọi tất cả những người Hồi giáo tuyên bố lập liên minh với chúng. 

(còn nữa)

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.