“Tôi đã rất may mắn”
Nhiều bà mẹ được khuyên nên chấm dứt thai kỳ bởi thai nhi có khả năng dị tật cao hay gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Tuy nhiên không ít bé trong các trường hợp kể trên vẫn chào đời và lớn lên hoàn toàn khỏe mạnh.
Câu chuyện của chị Hằng Phan, ngụ tại quận Phú Nhuận, TP.HCM là một trường hợp như thế. Năm 28 tuổi chị Hằng mang thai đứa con thứ 2. Lần mang thai này nằm ngoài dự kiến.Khi thai nhi được khoảng 8 tuần tuổi chị Hằng mới biết, đi khám thai và làm các xét nghiệm.
Để cho ra đời một em bé khỏe mạnh, các bà mẹ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Ảnh: Thanh Huyền |
Kết quả xét nghiệm cho biết chị bị nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma (một loại ký sinh đơn bào chỉ sống trong tế bào, ký sinh ở người và một số loài chim, thú, chó, mèo) vô cùng nguy hiểm cho thai nhi.
“Nhận được tin báo mình như rụng rời tay chân. Không tin vào thực tại, mình sang cả Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện FV, Bệnh viện Đại học Y dược kiểm tra nhưng vẫn cho ra một kết quả y hệt. Bác sĩ nói khả năng xấu nhất con mình có thể mù hoặc bị các dị tật ở tai”, chị Hằng kể lại.
Vẫn hy vọng níu lấy phần trăm ít ỏi rằng thai sẽ bình thường, chị Hằng quay sang một bác sĩ khác ở Bệnh viện Từ Dũ, làm các xét nghiệm đo độ mờ da gáy. Kết quả đo độ mờ da gáy không tốt khiến chị Hằng lại thêm lần nữa thất vọng.
Bà mẹ trẻ thật sự hoang mang nhưng vẫn không nỡ bỏ đi tính mạng sinh linh bé nhỏ đang tượng hình trong cơ thể mình. Chị Hằng uống thuốc để tiêu diệt ký sinh trùng Toxoplasma và lo lắng vì em bé có thể bị thuốc làm ảnh hưởng. Cứ như thế, ngày qua ngày, người mẹ trẻ tuần nào cũng đi làm xét nghiệm máu, khám thai và phập phồng theo dõi tình trạng em bé.
Hạnh phúc đã mỉm cười, cuối cùng em bé đã ra đời bằng phương pháp sinh thường tại Bệnh viện Phụ sản Quốc tế TP.HCM, nặng 3,1kg, hoàn toàn lành lặn trong sự thở phào nhẹ nhõm của cả gia đình.
Ít ai có thể ngờ một bé trai từng được cho rằng có khả năng bị dị tật thai kỳ cao như thế lại phát triển vượt trội hơn cả bạn bè cùng trang lứa.
Chị Hằng hãnh diện: “Kols (tên thân mật của bé) tỏ ra nhanh nhẹn hơn so với chị gái. Còn một tháng nữa cháu mới tròn 2 tuổi mà đã thuộc hết bảng chữ cái, biết đếm từ 1 – 20 bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, nhận biết hết các màu sắc. Tôi cảm thấy mình thật may mắn”.
Chẩn đoán dị tật thai cần chuyên gia có kỹ năng
Trường hợp của chị Hằng không phải là ca duy nhất khuyên nên bỏ thai nhưng em bé sinh ra vẫn mạnh khỏe. Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Phó khoa Sản A, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết trên thực tế vẫn xảy ra những trường hợp được khuyên chấm dứt thai kỳ nhưng sinh ra con vẫn khỏe mạnh. Nguyên nhân có thể do những dị tật chưa thực sự nặng nề, hoặc dị tật nội tạng khi sinh ra nhìn bên ngoài khó phát hiện…
“Chẩn đoán trước sinh, dị tật thai nhi chủ yếu dựa vào chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm di truyền, nếu có sự sai lệch kết quả thì dẫn đến hậu quả sai lầm. Vì thế bao giờ cũng cần những chuyên gia có kỹ năng về phương diện này để tránh sai sót”, bác sĩ Hà nói.
Theo bác sĩ Hà, thông thường những ca khuyên chấm dứt thai kỳ trong những trường hợp thai nhi bị dị tật nặng nề, khó khả năng nuôi sống sau sinh. Nếu em bé được sinh ra bị các dị tật nghiêm trọng sẽ không chỉ là gánh nặng của gia đình mà của toàn xã hội. Bất kỳ một thai kỳ nào cũng có nguy cơ dị tật, tuy nhiên ở suất độ cao hay thấp mà thôi.
Các yếu tố được xem là có nguy cơ cao gây dị tật thai như: mẹ trên 35 tuổi, bố trên 55 tuổi hay mẹ bị nhiễm siêu vi trong 3 tháng đầu thai kỳ (đặc biệt nhiễm Rubella cấp)…
Tuổi thai bị tác động gây dị tật là trong 3 tháng đầu, đây là giai đoạn hình thành và hoàn thiện các cơ quan, tuổi thai càng nhỏ mức độ ảnh hưởng càng lớn.
Những dị tật nặng nề có thể được chẩn đoán trước sinh: Dị tật đầu mặt cổ (vô sọ, não úng thủy nặng, chẻ não, một não thất duy nhất, thoát vị não – màng não với tuổi thai nhỏ hơn 26 tuần), dị tật cột sống (nứt đốt sống kèm thoát vị màng tủy với tuổi thai nhỏ hơn 24 tuần, cột sống biến dạng), dị tật ngực (dị tật tim nặng, tràn dịch màng phổi hai bên lượng nhiều), dị tật chi (cụt chi, bệnh tạo xương bất toàn).
Còn theo bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Hoa, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, trong giai đoạn mang thai, dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng giúp bé đạt được những cột mốc phát triển kỳ diệu.
Ba tháng đầu của thai kỳ, bé bắt đầu mọc tóc, phát triển dây âm thanh và hệ cơ. Ba tháng tiếp theo, các giác quan của bé bắt đầu phát triển, bé có thể nhìn, biết lắng nghe, biết mùi vị. Ba tháng cuối, bé bắt đầu tập thở. Trong giai đoạn này, mẹ cần cung cấp DHA, Axit Folic, Sắt và các dưỡng chất thiết yếu, giúp bé phát triển hoàn thiện để sẵn sàng đón chào thế giới mới.