Nhà sáng chế “bất đắc dĩ”
Những năm gần đây, cái tên Nguyễn Hồng Chương không còn xa lạ với người nông dân Lâm Đồng và bạn bè quốc tế, anh đã nghiên cứu, sáng chế ra nhiều loại máy nông nghiệp, mặc dù không được đào tạo qua bất kỳ một trường lớp nào. Các loại sản phẩm máy do anh Chương chế tạo giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại máy tương tự nhập từ nước ngoài về.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, chuyên làm rau màu ở huyện Đơn Dương, anh Chương là con út trong 10 anh em. Tuổi thơ gặp nhiều khó khăn, học hết lớp 8 thấy hoàn cảnh gia đình chật vật anh đã quyết định nghỉ học để phụ giúp bố mẹ. Thời gian rảnh anh phải đi lượm ve chai, cày thuê cuốc mướn, miễn là có cái ăn cái mặc.
Đầu năm 2003, anh Chương lấy vợ, cuối năm sinh con đầu lòng, lúc đó nghèo khó, tiền bạc thiếu thốn phải chạy ngược chạy xuôi mới có tiền để trả viện phí cho vợ con.
Anh Chương cho nhớ lại: “Khi vợ có bầu, tôi vừa mừng vừa lo, suy nghĩ phải kiếm việc làm, lấy tiền nuôi vợ đẻ. Rất may mắn, vừa về tới nhà đã có chủ vườn rau tới thuê bơm thuốc sâu, mừng quá tôi nhận lời và đeo bình đi làm ngay”.
Nghĩ trong đầu mình sắp được làm bố, anh Chương làm việc rất hăng say, càng về trưa, trời càng nắng gắt, nhìn vườn rau như càng rộng thêm, diện tích phun thuốc thì chẳng được bao nhiêu.
“Tôi nghĩ nếu cứ làm như thế này thì bao giờ mới xong, sao mình không tìm cách gì để làm nhanh hơn, vừa lợi công lao động, vừa không ảnh hưởng tới sức khỏe? Ngay trưa hôm đó, tôi nảy sinh ra ý tưởng cải tiến cái vòi phun thuốc. Sau hai đêm thức trắng, vắt óc suy nghĩ, tính toán …. Ngày thứ 3 chiếc vòi phun thuốc trừ sâu - đứa con tinh thần của tôi được ra đời”, anh Chương vui vẻ kể thành tích đầu tiên.
Hôm sau anh mang bình xịt thuốc trừ sâu vừa sáng chế xong ra đồng với cái vòi tự chế dài dằng dặc, có gắn 6 cái béc (bình cũ chỉ có 1 béc) khiến nhiều nông dân đang làm rau ở quanh đó ngỡ ngàng. Thông thường 1 cánh đồng rau, 1 lao động làm cần từ 10 - 12 tiếng đồng hồ mới phun thuốc xong, nhưng anh Chương chỉ mất 2 tiếng đồng hồ là hoàn tất, như vậy tiết kiệm được 10h.
Sáng chế độc đáo, mới lạ đã giúp anh kiếm thêm thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống. “Thấy bình xịt của tôi hiệu nghiệm hàng xóm hiếu kỳ, sang mượn về xịt thử, thấy hiệu quả, tiết kiệm được nhiều nhân công, họ năn nỉ đòi mua luôn, thế là tôi lại làm cái khác”.
Tiếng lành đồn xa, các bình xịt thuốc mang thương hiệu “Made in Hồng Chương” lần lượt được ra đời và được nông dân cả nước đón nhận nhiệt tình. Còn anh còn được mọi người đặt cho biệt danh hóm hỉnh “ nhà sáng chế bất đắc dĩ”.
Chiếc “ máy gieo hạt 6 trong 1” làm việc tương đương 16 nhân công |
Nối tiếp thành công
Thấu hiểu nỗi khổ cực, nhọc nhằn của người nông dân. Anh Chương cố gắng suy nghĩ, tìm tòi học hỏi để tạo ra những chiếc máy đa năng giảm chi phí nhân công và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh bắt tay vào nghiên cứu và cho ra đời những chiếc máy hữu ích như: Máy đóng đất vô chậu, máy đóng đất vô bịch nilon, máy đóng đất vào vỉ xốp, máy xay đất mùn, máy gieo hạt chân không…
Năm 2007, anh tích luỹ được số tiền hơn 7 triệu đồng liền dùng chúng mua sắt, thép về nhà nghiên cứu và chế tạo thành công máy gieo hạt chân không. Chiếc máy này rất hữu ích cho các nhà nông khi làm vườn ươm công nghệ cao, thích hợp cho rất nhiều loại hạt giống nhỏ mà khi gieo thủ công bằng tay tốn rất nhiều thời gian, công sức và không đảm bảo kỹ thuật.
Năm 2008, anh Chương được Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam cấp giấy chứng nhận “Điển hình sáng tạo trẻ Việt Nam”. Trung ương Đoàn TNCS HCM tặng giải thưởng Lương Định Của. Qua mạng internet, đại diện một công ty phân phối các loại máy móc nông nghiệp tại Malaysia trực tiếp sang tham quan và ký kết hợp đồng mua bán.
Năm 2010, Nguyễn Hồng Chương bán được 2 chiếc máy gieo hạt đầu tiên với giá 7.600 USD. Sau khi mua 2 chiếc máy gieo hạt về dùng thử, các chuyên gia Malaysia đánh giá chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Họ lại chuyển tiền sang đặt mua 10 chiếc nữa gồm 5 chiếc máy gieo hạt và 5 chiếc máy đóng đất vô vỉ xốp. Từ năm 2010 đến nay, sản phẩm máy nông nghiệp của anh nông dân Hồng Chương đã có mặt ở một số nước trên thế giới.
Có vốn và kinh nghiệm, anh Chương mở xưởng cơ khí, nghiên cứu sáng chế, sản xuất các loại máy móc nông nghiệp cung cấp cho thị trường trong và nước ngoài, hằng năm Hồng Chương thu về hàng tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Tháng 11/2013, anh đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2016 trong một lần nói chuyện với một ông chủ vựa thu mua cà chua lớn tại trung tâm xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, nghe ông này kêu ca sắp tới Tết, ông cần nhiều nhân công lao động rửa, phân loại cà chua để đóng thùng trước khi xuất đi nhưng kiếm mãi không có người.
Từ câu nói của ông chủ này, anh Chương vô tình nảy sinh ý tưởng. Vốn là nhà khoa học “chân đất” từng chế tạo thành công nhiều loại máy nông nghiệp nên đối với anh, việc chế tạo máy này không còn vất vả như hồi đầu mới mày mò chế tạo. Chỉ sau 3 tuần anh đã cho ra đời máy rửa, phân loại, hong sấy khô và đánh bóng trái cà chua.
Anh Chương cho biết: máy rửa, phân loại, hong khô nước và đánh bóng trái cà chua do anh sáng chế ra hoạt động rất tốt, cứ 8 tiếng/ngày là đạt năng suất 20 tấn bằng khoảng 20 người làm, giúp năng suất lao động tăng lên gấp hàng chục lần so với phương thức thủ công.
Một trong những sáng chế gần đây nhất, năm 2017 anh Chương chế tạo thành công “máy gieo hạt chân không 6 trong 1 tự động”. Nhiệm vụ của chiếc máy này là làm tất cả công đoạn ươm giống cây thay con người.
Anh Chương cho biết: “Để có được giống cây con, giai đoạn khó khăn nhất là bỏ hạt giống vào khay ươm, hiểu được nỗi vất vả của người dân nơi đây nên tôi đã cho ra đời chiếc máy gieo hạt tích hợp “6 trong 1”. Công dụng của chiếc máy này mỗi giờ gieo được từ 330-350 khay ươm cây giống, chiếc máy có sức làm việc tương đương với 16 nhân công lao động” .
Chiếc máy gieo hạt này đã tích hợp nhiều chức năng như: đóng đất vào khay ươm, sàng lọc đất, rác; tạo lỗ trên khay ươm, gieo hạt, lấp hạt và xếp khay ươm tự động.
Những sáng chế của anh Chương đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển khoa học kỹ thuật nước nhà, tạo thêm bước tiến trong nông nghiệp, giúp đỡ người nông dân.