Công văn nêu rõ, những năm gần đây, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Trong giai đoạn 2010 – 2015, số khách sạn và số phòng nghỉ cao cấp từ 3 đến 5 sao đã tăng gấp đôi, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.
Theo đánh giá, phần lớn cơ sở lưu trú du lịch, nhất là các khách sạn 4 – 5 sao thường xuyên duy trì chất lượng dịch vụ, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho đội ngũ nhân viên.
Tuy nhiên, có không ít cơ sở lưu trú sau khi được Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch xếp hạng đã buông lỏng quản lý, không duy trì được sự đồng bộ về cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng dịch vụ, một số cơ sở lưu trú không đảm bảo vệ sinh môi trường, nhân viên thiếu chuyên nghiệp, thái độ ứng xử với du khách thiếu lễ phép, thân thiện.
Tình hình này mặc dù không phổ biến nhưng đã ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp, uy tín và hình ảnh của du lịch Việt Nam.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian gần đây, Tổng cục Du lịch đã ký quyết định thu hồi quyết định công nhận hạng sao đối với 17 khách sạn, trong đó có 05 khách sạn 4 sao, 12 khách sạn 3 sao. Việc làm trên của Tổng cục Du lịch đã tạo được dư luận xã hội tốt.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch ngày 09/08/2016 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch, để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch trong toàn quốc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Tổng cục Du lịch, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch, các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng.
Theo đó, Tổng cục Du lịch được giao xây dựng Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam trình Bộ trưởng ban hành và thực hiện trong thời gian tới; Tổ chức hội nghị tại 3 miền phổ biến chủ trương, biện pháp quản lý chất lượng dịch vụ trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, yêu cầu các khách sạn ký cam kết thực hiện và duy trì chất lượng dịch vụ theo hạng sao đã được công nhận.
Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch, Hiệp hội khách sạn Việt Nam tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra tại các địa phương, tập trung vào những khách sạn từ 3 đến 5 sao.
Đối với khách sạn có một số hạn chế: yêu cầu chấn chỉnh, đầu tư nâng cấp chất lượng trong thời hạn 03 tháng, nếu không thực hiện thì thu hồi quyết định công nhận hạng. Đối với khách sạn không duy trì chất lượng cơ sở vật chất, nhân lực không đáp ứng, nhân viên thiếu lễ phép, không đảm bảo vệ sinh thì thu hồi quyết định công nhận hạng...
Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh/thành phố kiểm tra, rà soát chất lượng dịch vụ các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn, cụ thể tập trung rà soát cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ lao động, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Đồng thời, các địa phương có kế hoạch hỗ trợ công tác bồi dưỡng nghiệp vụ nhân lực các cơ sở lưu trú trên địa bàn; chỉ đạo các cơ sở tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và thái độ ứng xử cho nhân viên, năng lực quản trị khách sạn, khắc phục tình trạng thiếu hụt và yếu kém về nhân lực tại các cơ sở lưu trú du lịch.
Vụ Đào tạo, các trường đào tạo nghề về du lịch nghiên cứu, tổ chức chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng nghề ngắn hạn hỗ trợ cơ sở lưu trú du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Tổng cục Du lịch, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch, các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện ngay từ tháng 8/ 2016.
Hàng tháng, Tổng cục Du lịch có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kịp thời kết quả và những vướng mắc trong quá trình thực hiện, kiến nghị biện pháp xử lý với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.