Đó là cảnh ngộ trong phiên tòa sơ thẩm mới được TAND tỉnh Đồng Nai xét xử, theo đó đã tuyên phạt bị cáo Lê Minh Thu (42 tuổi, ngụ xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) 8 năm tù về tội giết người. Nạn nhân bị “chết hụt” ngoài người vợ đã ly hôn còn có bé gái 4 tuổi là con ruột của bị cáo.
Sau khi cha mẹ ly hôn, bé gái được người cha bệnh tật nuôi nấng, cha bé vì muốn kéo vợ quay về đoàn tụ gia đình mà nông nổi phạm vào tội ác. Từ ngày cha gây án vào tù, cháu bé sống nương nhờ gia đình bên nội, mẹ bé cũng chưa về thăm con lấy một lần.
Diễn biến vụ án cho thấy, bị cáo Lê Minh Thu kết hôn với chị P.T.T.A, có một con chung là cháu L.T.T (SN 2013). Cuộc sống vất vả, thiếu thốn đã giết chết những ngọt ngào lãng mạn ban đầu. Đã không đỡ đần, chia sẻ với vợ, Thu lại còn giở thói vũ phu, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Cực chẳng đã, chị A chủ động yêu cầu được ly hôn nhưng Thu cố trì hoãn, níu kéo, hứa hẹn sẽ sửa chữa để con có một mái ấm gia đình nhưng không thành.
Thật khó có thể cứu vãn được cuộc hôn nhân khi mà người chồng tha thiết hàn gắn nhưng lại không đưa ra được biện pháp cải thiện tình trạng hôn nhân, trong khi người vợ thì kiên quyết dứt tình bằng mọi giá.
Việc gì đến đã phải đến khi Tòa xử ly hôn theo yêu cầu của chị A; cháu T được giao cho Thu nuôi dưỡng. Được biết, từ khi được “giải phóng”, không còn tình nghĩa với chồng đã đành nhưng với con gái nhỏ, chị A cũng ít về thăm nom, quà cáp cho con.
Ngày 6/5/2016, Thu đe dọa, buộc vợ cũ phải đi chơi chung với cha con Thu vì muốn níu kéo tình cảm. Đi chơi xong, Thu chở chị A và bé T về phòng trọ Thu thuê tại xã Long An (huyện Long Thành) rồi khóa cửa lại, đe dọa buộc chị A phải về sống chung với cha con Thu.
Chị A không chịu thì Thu lấy 5 gói thuốc trừ sâu pha vào 1 bình sữa và 2 ca nước, rồi lấy con dao để trước mặt chị A. đe dọa, buộc chị và cháu T cùng uống thuốc trừ sâu với ý định giết vợ con rồi tự tử. Đến rạng sáng 7/5/2016, thấy lực lượng công an bao vây phòng trọ, Thu biết không thể chạy thoát nên mở cửa cho chị A chạy ra ngoài và Thu bị công an bắt giữ.
Chị A trình bày, hồi đó, chị và bị cáo Thu làm chung công ty ở huyện Long Thành. Khi được bạn bè khích lệ chị đã quen Thu. “Thật ra, hồi đó tôi nghĩ mình bị khiếm khuyết, còn anh Thu bị bệnh viêm tủy nên mới đồng ý yêu ảnh. Người như tôi đâu dám mơ cao, yêu người bình thường…” - chị A trải lòng.
Quen và yêu nhau một thời gian ngắn thì chị mang thai. Ngay sau đó, Thu dắt chị về nhà giới thiệu với mẹ. Cái ngày về làm dâu, gia tài của chị vỏn vẹn chỉ có đứa con trong bụng, cả hai không có lấy mâm cơm ra mắt hai bên gia đình. Nói về cái ngày trọng đại trong đời con gái của mình, chị A vẫn còn tủi cực trào nước mắt. Tuy vậy, hồi đó chị đâu có oán trách gì chồng, thậm chí trong lòng chị vẫn tràn trề hy vọng về một cuộc sống dẫu nghèo khó nhưng “thuận vợ, thuận chồng”.
Theo lời chị A, thời gian chung sống chị bị chồng đánh đập nhiều. Không chịu đựng nổi người chồng vũ phu nên chị mới đưa đơn ra tòa xin ly dị chứ chị vẫn còn thương bị cáo. Tại tòa, khi vị chủ tọa hỏi: “Bốn năm chung sống với bị cáo, chị hạnh phúc được bao lâu?”, thì người phụ nữ nghẹn ngào đáp: “Có được bao nhiêu hạnh phúc đâu”.
Theo chị A, dẫu chồng vũ phu, cục cằn và bạc bẽo vậy nhưng điều níu chân chị lại với gia đình chồng chính là tấm lòng của mẹ chồng. “Mẹ chồng tôi nghèo khổ nhưng tốt tính lắm. Bà là chỗ dựa, niềm an ủi cho quãng đời làm vợ, làm dâu cùng quẫn của tôi. Tôi thương bà nên mới cố chịu đựng chồng” - nói đến đây, chị A mở chiếc túi màu đen lấy ra xấp hình chụp đám tang mẹ chồng cho chúng tôi xem, đôi mắt chị mờ lệ.
Vị Chủ tọa phiên tòa lại hỏi: “Bị cáo cho rằng chị ngoại tình nên muốn bỏ cha con bị cáo, có đúng như vậy không?”. “Tôi có quen ai đâu!” - chị A trả lời lạnh lùng. Cạnh đó, người chồng cũ bị liệt đôi chân do viêm tủy không có điều kiện chạy chữa. Được tòa cho phép ngồi, một tay bị cáo giữ chặt vành móng ngựa, tay còn lại cứ vung lên chỉ trỏ: “Cô ta có người tình nên muốn bỏ bị cáo”.
Kẻ bảo bị bạo hành, người cho rằng đối phương ngoại tình, nhưng khi vị chủ tọa hỏi bị cáo Thu: “Đã biết vợ ngoại tình còn đi năn nỉ vợ quay lại sống chung làm gì?”, thì bị cáo đáp rằng: “Do bị cáo còn yêu vợ”.
Bị cáo vẫn cho rằng mình không có ý giết vợ con mà chỉ đe dọa để vợ sợ mà về sống với mình. “Bị cáo không còn sống được lâu nữa nên muốn khi chết được ở bên vợ con” - nói rồi bị cáo cúi xuống với khuôn mặt rầu rĩ.
Trước tòa chị A vẫn mong Hội đồng xét xử xem xét xử mức án nhẹ cho bị cáo. Chị cũng trải lòng, từ ngày vụ án xảy ra, chị chưa lần nào đến gặp con. Khi vị chủ tọa hướng dẫn chị làm thủ tục xin được nuôi con trong thời gian bị cáo chấp hành án thì người phụ nữ chối đây đẩy:
“Thôi, để bên nội nuôi đi, chứ tôi không có tiền nuôi con”. Khán phòng có tiếng thở dài ngán ngẩm kèm lời bình phẩm: “Bất luận vì lý do và hoàn cảnh nào thì người đàn bà bỏ con cũng là loại chẳng ra gì!”.
Dù thấy con gái chơi đùa ngoài sân tòa, nhưng người mẹ ấy vẫn không đến gần để ôm con lấy một cái. Bé gái bụ bẫm, trắng trẻo với mái tóc cột cao trông gọn gàng, tươm tất chứng tỏ dù bố vào tù, mẹ không quan tâm, nuôi nấng nhưng vẫn được gia đình bên nội chăm sóc chu toàn. Có điều cô bé cũng nhìn mẹ ruột như với người xa lạ. Cho đến tận khi phiên tòa kết thúc, mọi người động viên ra gặp con thì chị A mới tất tả chạy đến với con, rồi trong phút chốc bóng con xa rời bóng mẹ.