Mới đây, một bệnh nhân bị bỏng nước sôi từ khi mới 3 tháng tuổi, do gia đình khó khăn không có điều kiện phẫu thuật sớm, bây giờ hơn 30 năm bệnh nhân mới tích cóp dành dụm được một số tiền nhỏ để đi phẫu thuật thì các ngón tay đã bị co rút dẫn đến biến dạng xương khớp gây tàn phế.
Dị tật nặng nề vì bỏng nước sôi
Những ngày đầu tháng 8, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh - Chuyên khoa Vi phẫu tạo hình – Phẫu thuật bàn tay, Bệnh viện SaiGon ITO Tân Bình bất ngờ tiếp nhận một ca bệnh đặc biệt. Bệnh nhân bị bỏng nước sôi từ lúc 3 tháng tuổi nhưng do gia đình khó khăn không có điều kiện phẫu thuật sớm. 30 năm sau, bệnh nhân mới tích cóp dành dụm được một số tiền nhỏ để đi phẫu thuật thì các ngón tay đã bị co rút, dẫn đến biến dạng xương khớp rất nặng nề.
Bác sĩ Anh cho biết: “Di chứng bỏng nước sôi ở trẻ nhỏ do tai nạn sinh hoạt rất nặng nề. Nếu được phẫu thuật sớm thì chức năng bàn tay gần như phục hồi hoàn toàn. Bệnh nhân này do để lâu năm quá nên các ngón tay bị co rút dẫn đến dính lại, ngón cái, ngón trỏ và ngón út bị sẹo co rút quặt quẹo vùi chặt trong da bàn tay gây ra tàn phế. Trường hợp này phải phẫu thuật tách các ngón tay ra rồi sau đó chỉnh sửa từ từ chức năng khớp ngón”.
Ca phẫu thuật này thật sự không đơn giản chút nào, bác sĩ phải mất đến hơn 3 giờ mới moi được ra hai ngón tay cho bệnh nhân đã bị vùi lấp trong bàn tay hơn 30 qua. Đến nay, sau hơn 1 tuần hậu phẫu, hai ngón tách ra vẫn sống tốt. Da ghép đang dần ổn định, chỉ có một số vị trí nhỏ da ghép thiếu máu nuôi dưỡng. Còn lại một ngón trỏ sẽ phẫu thuật sau vì tách luôn sẽ có nguy cơ hỏng cả hai ngón.
Bác sĩ Anh cho biết thêm: “Trong mấy năm qua, tôi cũng đã phẫu thuật cho rất nhiều bé bị di chứng sẹo bỏng gây co rút, dính ngón bàn tay, bàn chân và hầu hết đều phục hồi tốt. Tôi mong quý phụ huynh đừng để quá lâu mới cho bé đi khám và phẫu thuật. Vì trung bình sau khi bị bỏng 6 tháng phẫu thuật cho kết quả rất khả quan”.
Có thể kể đến trường hợp của một bé gái 2 tuổi ở Vũng Tàu. Bé gái bị bỏng nước sôi nhưng do gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên không được phẫu thuật sớm dẫn đến di chứng sẹo co rút nặng ngón 2, 3, dính các ngón 2, 3, 4. Trước hoàn cảnh gia đình khó khăn của bệnh nhi, bác sĩ Anh đã hỗ trợ gia đình đóng một phần viện phí. Sau ca mổ kéo dài khoảng 1 giờ, bác sĩ Anh đã sửa hết sẹo co rút hai ngón và tái tạo lại vạt da kẽ ngón. Bàn tay của bé gái đã xinh xắn trở lại.
Tâm sự về những ca bệnh này, bác sĩ Anh cho hay: “Có những ca phẫu thuật mà đôi khi mới tôi cũng không biết phải bắt đầu từ đâu, nhất là mổ cho những thiên thần với đôi bàn tay nhỏ xíu, không cho phép phạm sai lầm, lưỡi dao sai một li là đi một dặm. Phải đến khi ca mổ diễn ra thành công, tôi mới thở phào nhẹ nhõm và cũng cảm thấy hạnh phúc không kém gì bệnh nhân”.
Tuyệt đối không dùng nước mắm, kem đánh răng chữa bỏng
Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết: “Bỏng nước nóng là tai nạn dễ gặp phải của trẻ nhỏ. Trẻ có thể bị bỏng nước nóng như nước pha sữa, nước canh nóng, nước trong vòi nóng lạnh… Khi đó, bé thường chụp tay vào và bị bỏng độ 2 dẫn đến phồng rộp da và nổi bóng nước. Nếu điều trị không đúng cách ngay từ những giây phút đầu tiên có thể dẫn đến vết thương nhiễm trùng, lâu lành và các di chứng về sau rất dễ gặp là sẹo xấu co rút các ngón tay thành thương tật vĩnh viễn cho các bé”.
Để hạn chế những di chứng sẹo phỏng co rút nặng nề về sau gây tàn phế cho bé, bác sĩ Anh khuyến cáo quý phụ huynh cần biết các phương pháp sơ cứu và trị phỏng do nước nóng ở trẻ em ngay từ những phút đầu tiên bé bị tai nạn. Ngay sau khi bé bị tai nạn bỏng bàn tay, người lớn cần bình tĩnh nhanh chóng đưa bé đến ngay vòi nước sạch trong nhà xối rửa nhiều nước, không xối nước đá hoặc nước lạnh, mục đích để làm cho da bớt nóng, bớt bị mất nước và sẽ bớt đau, sẽ giảm diện tích da bị thương và giảm độ nặng của tổn thương bỏng, trong khoảng 15 phút.
Sau đó, bôi dày kem Biafine hoặc Silvirin lên các ngón tay bị bỏng, dùng gạc vô trùng tách giữa các kẽ ngón tay và đắp gạc lên toàn bộ vết thương bỏng rồi băng lại. Sau đó tùy tình trạng nặng hay nhẹ, diện tích bỏng lớn hay nhỏ, nhà ở gần bệnh viện hay ở xa bệnh viện để đưa các bé đến khám cho bác sĩ đánh giá tình trạng bỏng và có hướng xử trí thích hợp.
Nếu săn sóc vết thương ở nhà trong trường hợp nhẹ hoặc nhà quá xa bệnh viện, mỗi ngày thay băng với nước muối NaCl và bôi kem Biafine dày lên vết bỏng, đắp gạc vô trùng lại để giữ độ ẩm cho da. Cứ cách ngày thay băng một lần. Sau 2 tuần đa số vết bỏng độ 2 sẽ lành đẹp và ít để lại sẹo.
Cũng theo bác sĩ Anh, mỗi gia đình, nhất là gia đình có trẻ nhỏ và người cao tuổi nên mua sẵn nước muối sinh lý NaCl 0.9% loại 500ml và một lọ kem Biafine hoặc Silvirin, bông gòn, gạc vô trùng, băng keo cuộn vải Urgo hoặc băng thun để dùng đến trong các trường hợp khẩn cấp.
Tuyệt đối không được dùng nước mắm, kem đánh răng để bôi lên vết bỏng. Điều quan trọng là cần phòng tránh nguy cơ gây bỏng cho trẻ. Trẻ vốn hiếu động, tò mò nên cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, sắp xếp đồ đạc mọi thứ hợp lý. Để phích nước sôi, thức ăn mới nấu ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới được. Không để trẻ nhỏ tự ăn, tự tắm với vòi nước nóng lạnh, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ. Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu cần tránh xa trẻ để không va đụng. Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống…