Rơi nước mắt trước cô bé tật nguyền sau ngày bị cha phóng hỏa

(PLO) -Chỉ vì một phút nóng giận, người cha đã đẩy bản thân và con gái vào cảnh tàn tật suốt đời. 

Đến nay, hậu quả mà người cha này phải trả giá là sống trong cảnh không vợ không con, lầm lũi cho qua kiếp người. Đau xót hơn, đứa con gái không chỉ chịu nỗi đau về thể xác mà hàng đêm còn bị ám ảnh về tinh thần.

Buổi sáng định mệnh

Ngồi nhắc lại chuyện đau lòng của gia đình, chị Đinh Thị Líu (SN 1989, người dân tộc Ba Na, ở thôn 3, xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định) không khỏi xót xa. Theo lời chị Líu, hôm ấy vào khoảng 6h ngày 30/12/2014, vợ chồng chị cùng hai đứa con ngồi trong ngôi nhà sàn đốt lửa sưởi ấm. 

Lúc này, chị Líu bế đứa con nhỏ mới 2 tuổi, còn anh Đinh Văn Hiệp (SN 1987, chồng chị) bế đứa con gái lớn là cháu Đinh Thị Mai Diệu (SN 2009). Hai vợ chồng ngồi nói chuyện một lát thì xảy ra mâu thuẫn. 

Chị Líu cho biết: “Lúc ấy, vợ chồng tôi đang xây ngôi nhà mới nhưng nhà chưa xong thì đã hết tiền. Trước đó, chúng tôi đã vay của nhà nước 30 triệu đồng nên không biết tính thế nào. Ngồi bàn qua bàn lại. Tôi nói một kiểu, chồng tôi nói một kiểu, ý của tôi và chồng trái ngược nhau nên ảnh bực tức đặt cháu Diệu xuống sàn nhà rồi bỏ đi ra ngoài”.

Cứ tưởng chồng ra ngoài làm gì đó rồi vào lại nên mẹ con chị Líu vẫn ngồi trong nhà sưởi ấm. Nào ngờ đâu, đi khoảng hơn 30 phút, anh Hiệp quay lại và bảo: “Bây giờ tính như thế nào đây, chẳng lẽ bỏ nhà đó không xây nữa, tiền thì cũng đã vay của người ta rồi”. 

Thấy chồng bực tức vô cớ, chị Líu cũng nói lại theo kiểu không hài lòng: “Tôi không biết, anh muốn làm gì thì làm. Anh là trụ cột gia đình, tôi là phận đàn bà thì chỉ nói vậy mà anh gạt lời thì anh tự quyết định đi. Anh làm sao có nhà cho mẹ con tôi tá túc là được rồi. Chỉ cần che mưa che nắng là được, không cần phải to lớn gì đâu”.

Nghe vậy, anh Hiệp tức giận lấy chân đạp xuống nền nhà mấy cái rồi quay mặt bỏ đi. Khoảng 15 phút sau, chị Líu bế đứa con nhỏ đứng dậy đi ra phía trước. Vừa đi được mấy bước, chị giật mình thấy anh Hiệp xách 2 lít xăng đi vào nhà rồi mở nút đổ vào bếp lửa đang dùng để sưởi ấm cả gia đình. 

Sau khi bị cha đốt, cháu Diệu trở thành người tàn phế.
Sau khi bị cha đốt, cháu Diệu trở thành người tàn phế.

Chị Líu kể lại chuyện trong nghẹn ngào: “Thấy chồng mở nút chai xăng, tôi hoảng sợ la lên, bảo chồng không nên tự tử như thế. Tôi mới ú ớ được mấy tiếng thì ảnh đổ xăng vào lửa, cháu Diệu ngồi gần bếp lửa nên chạy không kịp, bị bỏng hết người.

Lúc đó, ảnh cũng chạy vào gần bếp lửa, toàn thân ảnh cũng bị bỏng. Ảnh bảo để cha con ảnh chết cho xong chuyện, nhà với cửa làm gì. Tôi vội để cháu nhỏ xuống sàn nhà rồi chạy vào bế cháu Diệu ra, tôi cũng cố kéo ảnh ra ngoài nên cũng bị bỏng nhẹ ở cổ và phía sau đầu”.

Ngay sau đó, chị Líu tri hô hàng xóm đến dập lửa và đưa chồng, con đi cấp cứu. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, các bác sĩ cho biết, anh Hiệp bị bỏng độ II - IV, diện tích bỏng 80%; còn cháu Diệu bị bỏng độ II - IV, diện tích bỏng 60%. Một thời gian sau, anh Hiệp được các bác sĩ cắt lọc vùng da bị hoại tử, rồi thực hiện ghép da. Đến nay, với cơ thể tàn tật, anh Hiệp sống nương nhờ nhà bố mẹ ruột của mình.

Trong khi đó, sau một tuần nằm điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, cháu Diệu được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) để tiếp tục điều trị. Tại đây, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định tháo khớp đầu gối cả hai chân để bảo vệ mạng sống cho cháu. Đến nay, không chỉ cụt hai chân, mà các ngón tay của cháu Diệu đều bị quíu, khuôn mặt bị biến dang, toàn thân mang dị tật.

Nỗi đau thể xác lẫn tinh thần

Dù đã thoát khỏi “tử thần” nhưng cháu Diệu phải chịu nỗi đau nặng nề về thể xác lẫn tinh thần. “Bây giờ, hàng ngày, tôi vẫn phải bôi thuốc chống nhiễm trùng cho cháu. Nhưng cũng chỉ giảm được một phần nào đau đớn, vì khi trời quá nóng hoặc quá lạnh là những cơn đau lại đến, kéo dài cả ngày đêm. Những lúc cháu đau đớn, tôi không biết làm gì hơn ngoài việc ôm con vào lòng rồi khóc cùng con”, chị Líu nghẹn ngào.

Không dừng lại ở những cơn đau về thể xác, hàng đêm, cháu Diệu còn bị ám ảnh về tinh thần. Chị Líu rưng rưng nước mắt: “Nhiều đêm cháu ngủ rồi giật mình hét toán lên “Cháy! Cháy! Cháy!”. Hồi ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng vậy. Hồi ấy, các bác sĩ bảo cháu bị ám ảnh, khó mà thoát được nỗi ám ảnh này. Hét xong là cháu khóc. Có khi cháu khóc đến sáng rồi ngất lịm đi”.

Nói rồi, chị Líu ân hận vì phận làm vợ mà không lựa lời nói chuyện với chồng, để chồng suy nghĩ đến việc tự tử, một phần cũng giận chồng không làm chủ được hành vi của mình. “Nếu hôm đó tôi không nói tay đôi với ảnh thì chắc ảnh không làm vậy đâu. Tính ảnh hay nóng nên khi cảm thấy không hài lòng chuyện gì là ảnh thường to tiếng, rồi làm những việc dại dột như thế này. Con bé nó có tội gì chứ, ảnh thương con lắm nhưng tôi cũng không hiểu sao ảnh lại đốt luôn cả con mình”, chị Líu nghẹn ngào.

Ngồi trò chuyện, chị Líu kể về hoàn cảnh khốn khó của gia đình mình. Theo đó, chị sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, chị là con thứ 2, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học hết lớp 5, chị nghỉ học rồi theo bố mẹ làm nương rẫy.

Đến năm 18 tuổi, chị gặp và thương anh Hiệp, sau đó một năm, anh chị tổ chức đám cưới và nhờ anh em họ hàng góp công dựng ngôi nhà sàn đã bị anh Hiệp đốt. Sau bi kịch của gia đình, 3 mẹ con chị Líu dắt díu nhau về ở nhờ nhà bố mẹ ruột của chị cho đến nay.

Chị Líu kể lại bi kịch của gia đình.
 Chị Líu kể lại bi kịch của gia đình.

Trong khi đó, anh Hiệp sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em, anh là con thứ 5. Cũng như chị Líu, anh nghỉ học từ sớm và quanh năm chỉ biết đến nương rẫy, săn bắn thú rừng. Anh hiền lành, lo làm lụng phụ giúp bố mẹ nhưng tính tình nhiều lúc nóng giận, không kìm chế được mình. Đến khi gặp chị Liếu, cả hai cảm thông cho nhau và quyết định về sống dưới một mái nhà. Nhưng giờ đây, với hậu quả mình gây ra, anh đang sống nhờ nhà bố mẹ với thân phận tàn phế, lầm lũi cho qua kiếp người.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù bị tật nguyền nhưng với nghị lực của mình, cháu Diệu đã hoàn thành xong chương trình lớp 1 và chuẩn bị bước vào lớp 2 của Trường tiểu học An Toàn. Nhưng hiện tại, kinh tế gia đình đang lâm vào cảnh khánh kiệt.

“Lúc trước, gia đình kinh tế khó khăn nhưng dù sao cũng vui vẻ, có cha có mẹ, có chị có em. Rồi ảnh dại dột đốt hai cha con, tôi phải vay mượn lo chi phí cho cả hai, cũng may là có bảo hiểm dành cho người đồng bào dân tộc nên đợt ấy tôi nợ gần 80 triệu đồng, chứ không là nợ nữa.

Sau khi hai cha con được bình an, 3 mẹ con tôi dọn về nhà ngoại ở, rồi tôi phải lo thuốc thang cho cháu nên cũng vay mượn tiền bạc nên nay thì không xoay xở được nữa”, chị Líu bộc bạch.

Trước khi chúng tôi chia tay ra về, cháu Diệu bảo: “Cháu giờ tàn tật rồi nên suốt đời cháu phải sống cảnh vậy thôi. Giờ cháu chỉ mong muốn là trong người cháu không còn những cơn đau, không phải bôi thuốc, ban đêm đừng la hét nữa. Như vậy thì cháu mới có sức khỏe để học được. Cháu thích được đi học. Đi học sẽ biết chữ rồi cháu sẽ dạy lại cho em”.

Bạn đọc và tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ cháu Diệu xin liên hệ chị Đinh Thị Líu (ở thôn 3, xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định). Điện thoại: 0169.8447.133.

Đọc thêm

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP kiểm tra tại một cơ sở. (Ảnh: Bích Hằng)
(PLVN) - Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

Dịch sốt xuất huyết lan rộng

Dịch sốt xuất huyết lan rộng
(PLVN) - Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, tuy nhiên hiện nay, dịch lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.

Nhập viện cấp cứu, điều trị tâm thần do hút thuốc

Bệnh nhân nhập viện do bị tràn khí màng phổi. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - Ông N.B.T (sinh năm 1969, ở Đông Anh, Hà Nội) mới được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng khó thở, đau chói vùng ngực phải, khi hít vào càng đau quặn hơn không chịu được.

Mối nguy 'bánh mì bẩn'

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Sự việc hơn 300 người nghi ngộ độc thực phẩm, 1 người không qua khỏi sau khi ăn bánh mì mua từ một tiệm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến chúng ta buộc phải nhìn thẳng vào một sự thật. Đó là món ăn đường phố nói chung và bánh mì thịt nói riêng, nét “ẩm thực độc đáo” của Việt Nam; nếu không được chế biến, bảo quản kỹ lưỡng, không được quản lý chặt chẽ đầu vào, người bán không có tâm; thì đã, đang và sẽ là một mối nguy cho xã hội.

Rối loạn tâm thần do lạm dụng thuốc lá điện tử

Ảnh minh họa: BV Bạch Mai
(PLVN) -  Bệnh nhân cho biết, một đêm chỉ ngủ được 3-4 tiếng, ngủ không sâu giấc, ăn kém ngon miệng. Để giải tỏa những cảm xúc trên, bệnh nhân đã pha cần sa với tinh dầu thuốc lá điện tử để hút cả đêm, rồi ngủ gục trên giường, bỏ cả làm.