Bất chấp các quy định về dạy thêm-học thêm, tại Hà Nội có nhiều trung tâm luyện thi được mở ồ ạt, ra sức “nhồi”, “nhét” sĩ tử cho đến khi chật cứng mới thôi. Không chỉ luyện thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH, luyện thi vào lớp 10, lớp 6 và luyện thi vào lớp... 1. Có muôn hình vạn trạng lý do để phụ huynh tức tốc nhồi nhét con trong các lớp học thêm.
Cuộc đua học thêm bắt đầu từ tiền lớp 1 kéo dài 12 năm học. Ảnh minh họa. |
Sôi sục luyện thi
Những ngày này, cùng với nhiệt độ ngoài trời nóng kỉ lục trên 40 độ C là không khí “nóng” sục sôi tại các lò luyện thi. Học thêm ở trường, học thêm các môn thi đại học chưa đủ, nay các học sinh cuối cấp đang đổ xô đến những lớp ôn thi tốt nghiệp. Không còn phân chia rạch ròi “môn chính”, “môn phụ” nữa, thời gian ôn tập cho các môn vốn bị xem nhẹ nay còn gắt gao hơn.
Các trung tâm dạy thêm có tiếng tại Hà Nội liên tục khai giảng các lớp “Địa, Sử” với các trình độ khác nhau: “Mất căn bản”, “Củng cố”, “Nâng cao”. Số lượng học viên của các lớp này cũng ngang ngửa với các lớp Anh, Toán, Lý, Hóa hay các lớp luyện thi đại học.
Thay cho những giáo sư, tiến sĩ đại học vốn được các “lò” tín nhiệm là những thầy cô dạy ở các trường THPT chuyên như Amsterdam, Chu Văn An, Kim Liên...
Các khu Đại học Bách Khoa, Sư phạm, Y, Dược, khu vực đường Lê Thanh Nghị, Chùa Bộc, thời điểm này bắt đầu nhộn nhịp hơn. Những tấm biển quảng cáo, băng rôn la liệt với đủ thể loại: “Luyện thi đại học cấp tốc”, “Bổ trợ kiến thức cấp tốc”...
Trung tâm ở phố Chùa Bộc (Hà Nội) đang “đắt khách” bởi "quy tụ" các thầy cô có “tên tuổi” . Trung tâm có tất thảy 3 phòng học trên khoảnh đất vừa vặn như được “đo ni đóng giày”, với mỗi phòng 200 m2 nhưng sĩ số lớp được đánh tới…600. Nhưng buổi nào có thầy cô nổi tiếng thì có thể lên tới… 700 "sĩ tử".
Luyện từ… “tiền lớp 1”
Những gia đình có con năm nay vào lớp 1 và lớp 6 thì mọi chương trình du lịch hè, thậm chí việc cơ quan của cha mẹ cũng bị… xem nhẹ. Không chỉ đứa lớn mà đứa nhỏ học mẫu giáo lớn cũng đang kín lịch với lớp học chữ “tiền tiểu học”.
Có muôn ngàn câu chuyện được các bà mẹ chia sẻ trên diễn đàn nhưng đều có điểm chung, đó là trên lớp với những bé chưa được làm quen với chữ, với tính toán sẽ vô cùng thiệt thòi vì ở vào thế yếu, vào thiểu số. Thế nên, ngay từ mẫu giáo lớn, các bé thậm chí đã nghỉ cả mẫu giáo để tới cô… luyện làm toán.
Một cô giáo cho hay: “Chương trình lớp 1 hiện nay khác xa so với trước. Các bậc phụ huynh phần lớn ngày trước đi học không cần bố mẹ kèm, không phải đi học 2 buổi. Nhưng bây giờ với chương trình mới, các con học 2 buổi trên lớp, tối vẫn phải về ôn lại bài. Nếu không có bố mẹ kèm cặp, các cháu khó có thể đạt được yêu cầu của chương trình, đọc thông, viết thạo ngay từ học kỳ II”.
Quần quật học thêm
Với những hình thức ép học sinh đi học theo kiểu: viết đơn xin học; không đi học thêm thì không tính điểm tổng kết môn; không đi học vẫn phải đóng học phí; chuyển lớp nếu không đi học thêm… là thực trạng diễn ra rất phổ biến ở các khối trường học
Cách xưa cũ nhất để hợp thức hóa việc dạy thêm của giáo viên (GV) hoặc các trường là yêu cầu phụ huynh ký vào đơn tự nguyện đã được soạn sẵn. Một phụ huynh cho hay, ngay từ khi chân ướt chân ráo vào lớp 10, phụ huynh đã được phát đơn tự nguyện.
Đơn tự nguyện có đoạn: “Để củng cố nâng cao kiến thức nhằm phục vụ tốt hơn cho quá trình học tập của các cháu học sinh. Tôi viết đơn này mong nhà trường tổ chức lớp học để dạy các cháu các môn học Toán, Lý, Hóa, Anh… để các cháu có điều kiện nâng cao kiến thức của mình trong năm học 2012 - 2013 cũng như để phục vụ cho các kỳ thi tốt nghiệp THPT, ĐH trong những năm sau này”.
Không chỉ ở thành phố mới có nạn ép học thêm, mà ngay các vùng thôn quê, cấp hai lại được phản ánh là học thêm nhiều nhất bởi trước mắt là cuộc đua vào lớp 10.
Muôn nỗi... khó của phụ huynh
Một phụ huynh có con học lớp 1 Trường tiểu học Láng Thượng (Q. Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Mới vào lớp 1 được ít tuần mà học sinh đã liên tục nhận được điểm 1, 2 của cô giáo. Khi thì vì viết quá xấu, khi thì vì tẩy xóa…”. Liền sau đó là nhận được thông báo cô tổ chức dạy thêm tại nhà.
Có phụ huynh bức xúc cho biết, thay vì hướng dẫn học trò làm những bài tập khó trên lớp, cô lại giao về nhà. Cha mẹ bận rộn hoặc không hiểu biết làm sao hướng dẫn cho con nên đành phải cho đi học thêm.
Không thể phủ nhận hiệu quả từ việc học thêm để nâng cao kiến thức, tuy nhiên, dù học thêm dù dưới hình thức nào: tự nguyện hay không thì cuộc đua từ khi chuẩn bị vào lớp 1 và kéo dài 12 năm học để đến đích cuối cùng là ĐH đều phải nhờ cậy đến các lớp học thêm dày đặc.
Câu hỏi đặt ra là phụ huynh có quá nhiều tham vọng hay vì nguyên nhân khách quan khác từ sự không cân đối giữa chương trình môn học, phương pháp giảng dạy với yêu cầu của các kỳ thi?.
Nguyễn Mỹ