Uất ức người cha đã hất cả bình axit vào cô gái này khiến cô bị thương tích nặng. Điều gì đã khiến ông ta nhẫn tâm như vậy?
Cha thất học nên dồn sức cho con
Đoàn Nhan Huy (SN 1983, ngụ thị trấn Cần Lưu, khu Thuận Đức, TP.Phật Sơn, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), sinh ra trong một gia đình kinh tế tương đối khá giả.
Cha Huy là Đoàng Kiến Phát chuyên buôn bán kinh doanh. Tuy nhiên, Phát chỉ học hết bậc tiểu học. Hiểu được sự thiệt thòi của người ít học nên Phát rất quan tâm đến việc học hành của con, hi vọng sau này Huy có trình độ văn hóa, tiền đồ sáng lạn hơn và không phải hổ thẹn với người xung quanh. Vì vậy, Phát không tiếc tiền đầu tư, thuê gia sư giỏi và những điều kiện học tập tốt nhất cho con.
Năm 1993, Phát hợp tác với một người bạn mở thêm một khách sạn lớn ở gần trạm xăng Thuận Đức. Khách sạn ở khu trung tâm nên kinh doanh tương đối phát đạt, ít lâu sau Phát thành lập một công ty chuyên vận chuyển và xuất nhập khẩu, công việc ngày càng tiến triển, lợi nhuận rất khả quan.
Tiền kiếm được ngày càng nhiều, Phát bắt đầu nghĩ đến việc đầu tư cho tương lai cho con trai ở nước ngoài. Vậy là, mùa hè năm 1999, sau khi tốt nghiệp cấp II, Huy ghi danh vào trường trung học Phillips tại tại thị trấn Andover nước Mỹ theo diện tự do.
Sau khi đến Mỹ, Huy giống như con chim sổ lồng được tự do bay lượn nên rất vui mừng. Huy nhận thấy, học sinh tại đây tương đối ham vui, cha mẹ họ cũng coi trọng việc “tự do phát triển” của con cái. Do bản tính nhanh nhẹn nên Huy dễ dàng thích ứng với hình thức giáo dục tại ngôi trường mới.
Ngoài những lúc phải lên lớp, đa phần thời gian còn lại, Huy lại dán mắt vào màn hình vi tính với các trò chơi điện tử trực tuyến, đánh bóng rổ hoặc du ngoạn. Tuy ham chơi nhưng khả năng tiếp thu nhanh và chịu khó tìm tòi, năm 2002, Huy thi đỗ vào trường đại học bang Massachusetts, chuyên ngành quản trị kinh doanh.
Biết tin, vợ chồng Phát hết sức vui mừng, nghĩ bao công sức, tiền bạc mình bỏ ra cũng thật xứng đáng. Thế nhưng, mấy năm Huy học tại Mỹ cũng tiêu tốn khá nhiều tiền của cha mẹ, hơn nữa công việc kinh doanh của Phát cũng bắt đầu có dấu hiệu đi xuống.
Để tiếp tục có thể chu cấp cho con trai học đại học và sinh sống một cách thoải mái, Phát liền chuyển nhượng toàn bộ cổ phần khách sạn cho người bạn. Từ đó chỉ chuyên tâm vào công ty xuất khẩu và vận chuyển.
Vậy nhưng, chỉ hơn một năm sau khi vào đại học, vợ chồng Phát nghe tin Huy có bạn gái là một cô gái người Nga. Từ khi có bạn gái, Huy chi tiêu càng như nước đổ, nhưng vợ chồng Phát không biết làm cách nào vì Huy ở quá xa, mỗi lần Huy gọi điện về đòi chuyển tiền là lại thấy phiền não trong lòng.
Trong khi đó, giữa Phát và vợ cũng nảy sinh mâu thuẫn trong vấn đề tình cảm. Đầu năm 2004, vợ Phát là Đàm Chu Quân vô tình phát hiện chồng có tình nhân bên ngoài nên hai người thường xuyên to tiếng cãi cọ nhau. Vì muốn con yên tâm học tập nên Quân nín nhịn không muốn cho Huy biết.
Oái ăm khi chọn “người xấu nhất”
Tết 2005, Quân ở nhà một mình đâm ra buồn chán, tủi phận, không thể nhịn thêm được nữa, nên gọi điện cho Huy nói chuyện Phát ngoại tình.
Quân hi vọng rằng Huy nghe xong sẽ tìm cách khuyên giải cha, thế nhưng nào ngờ Huy lại tỏ ra rất bình thản nói: “Mẹ! Chuyện đã như vậy rồi con biết khuyên thế nào? Bây giờ hoặc là mẹ li dị ông ấy, hoặc là trước hết mẹ phải chuẩn bị tâm lí, tha lỗi cho cha, nhẹ nhàng nói chuyện lí lẽ thiệt hơn với cha. Về phần mình thì tiếp tục làm một người vợ tốt, chăm sóc chu đáo chồng con để kéo chồng về gần mình hơn. Con thấy người Mỹ thường giải quyết việc đối phương ngoại tình như vậy, mẹ thử suy nghĩ xem sao”.
Quân nghe xong vừa cảm thấy kinh ngạc vừa bị tổn thương vì nghĩ Huy không đứng về phía mình, cảm thông cho mình. Vừa nói Quân vừa khóc: “Con ơi là con, sao lại có thể nói như vậy? Con có còn là con mẹ nữa hay không, sao lại thay đổi nhanh đến như vậy, giờ coi mẹ như người không quen biết nữa rồi”, nói xong nức nở một hồi rồi tắt máy, Huy không biết nói gì thêm.
Sau khi học ở Mỹ 7 năm, cuối cùng, hè năm 2006, Huy cũng tốt nghiệp đại học. Vốn dĩ Huy vẫn muốn học tiếp lên thạc sĩ, nhưng vì năm đó công ty của Phát làm ăn thua lỗ rồi dẫn đến phá sản nên ước mơ của Huy không được thực hiện. Thêm vào đó, Huy cũng chia tay với cô bạn gái người Nga nên đành phải chọn cách về nước.
Qua tết năm 2008, Phát thông qua mối quan hệ bạn bè, sắp xếp cho Huy vào làm giám đốc bộ phận trong một khách sạn tại thu Thuận Đức, lương tháng 4 ngàn nhân dân tệ.
Do trước đây ở Mỹ, Huy đã từng làm thêm về công việc này, hơn nữa lại học qua về kinh doanh, kinh nghiệm ở nước ngoài nên công việc có thành tích rất xuất sắc. Điều này dĩ nhiên khiến nhiều cô gái trẻ đẹp làm việc trong khách sạn ngưỡng mộ.
Trớ trêu là không hiểu ông tơ bà nguyệt se duyên, chắp nối thế nào, Huy lại chọn cô phục vụ có “tiếng xấu” nhất trong khách sạn là Dương Diệu Quyên làm bạn gái.
Biết tin này, Đoàn Kiến Phát tức điên như muốn nổ phổi. Vốn trước đây Quyên đã từng có quan hệ tình cảm, làm nhân tình của một người đã có có vợ con tên là Dư ở Chiều Sơn. Quan hệ bất chính với Dư được 3 năm thì bị Dư bỏ rơi.
Đáng nói, Dư lại là bạn của Phát quen nhau qua quá trình làm ăn. Vì vậy, những bí mật của Quyên, Phát hoàn toàn biết rõ. Phát nói chuyện này với Huy, rồi đề nghị Huy lập tức chia tay Quyên. Nào ngờ, với suy nghĩ thoáng, Huy nói tất cả những điều đó đều là quá khứ, lúc này Quyên đang rất yêu mình, mình cũng rất yêu Quyên nên thực sự không thể chia tay Quyên được.
Cha mẹ quyết tâm ngăn cản
Sau khi Phát bị phá sản, không muốn làm ăn gì nữa, chỉ nhàn hạ sống qua ngày ở nhà, lại thấy con trai không nên người, suốt ngày qua lại với “gái bao” nên tâm lý không được vui.
Để ép Huy phải bỏ Quyên, cả ngày Phát lải nhải trước mặt con không ngớt. Cuối tháng 5/2008, Huy không thể chịu đựng được nên quyết định ra ngoài thuê nhà cùng Quyên chung sống như vợ chồng.
Hôm đó, Huy về nhà lấy hành lý, Phát tức giận đem đồ đạc của Huy vứt ra ngoài, rồi mắng chửi thậm tệ: “Cút! Mày là thằng nghịch tử làm mất mặt tao. Từ nay về sau mày không còn là con tao nữa”.
Sự thô bạo của cha khiến Huy tủi phận, lặng lẽ nhặt đồ đạc của mình rồi đi, chỉ có một mình Đàm Chu Quân tiễn Huy. Trên đường, Quân vừa khóc vừa nhẹ nhàng khuyên con trai: “Con vừa mới đi du học về, nên lấy sự nghiệp làm trọng, lẽ ra không nên sớm có bạn gái như vậy. Nếu đã tìm thì cũng phải là người đứng đắn đàng hoàng, có học hành”.
Huy đang trong tâm trạng bất bình nên tỏ ra bị làm phiền, nói: “Mẹ, tư tưởng của cha mẹ quá cổ hủ rồi! Con và Quyên thực lòng yêu nhau, hơn nữa, cô ấy cũng không phải xấu như mọi người từng nghĩ”, nói xong Huy giật hành lý trên tay mẹ, quay lưng đi thẳng.
Việc Huy và Quyên sống chung với nhau nhanh chóng được truyền ra ngoài, những người biết chuyện bàn tán xôn xao. Vợ chồng Phát nghe hàng xóm thỉnh thoảng lại nói vài câu hỏi han chế nhạo chỉ biết cúi mặt đi thẳng, nhưng cũng không biết làm thế nào để giải quyết vấn đề.
Cuối tháng 7/2008, Huy bỗng nhiên về nhà tìm cha mẹ nói mình muốn cưới Quyên và tổ chức một chuyến du lịch hôn nhân lãng mạn tại châu Âu. Vợ chồng Phát kinh ngạc nói Huy và Quyên mới quen nhau 4 tháng, hôn nhân lại là chuyện đại sự cả đời nên không thể tùy tiện được.
Huy vẫn kiên định với quyết định của mình: “Con đã nói rất nhiều lần rồi, cuộc sống của con và cô ấy không thể tách rời nhau, chúng con thực lòng yêu nhau, như vậy là được rồi. Còn việc trong tương lai sau này thì sao có thể biết rõ được? Trước đây, khi cha mẹ cưới nhau, liệu có ai nghĩ rằng tình cảm của hai người bây giờ lại có vấn đề như thế này hay không?”.
Nghe xong, Phát tức sôi máu, bao nhiêu khí huyết dồn cả lên đầu, không biết nói gì, chỉ mặt Huy lắp bắp: “Mày…mày là thằng nghịch tử…”, rồi tát Huy một cái đau điếng.
Ngày 19/8/2008, vợ chồng Phát gọi nhiều người thân đến luân phiên khuyên nhủ Huy nhưng Huy vẫn nhất quyết không thay đổi ý kiến. Phát phẫn uất: “Nó có gì mà khiến mày yêu điên cuồng như vậy? Nhà thì ở rừng rú nông thôn, lại chỉ có trình độ văn hóa trung cấp, lại làm gái bao 3 năm, những điều này có xứng với mày không?”.
Nghe vậy, Huy cũng cứng giọng đáp lại: “Con yêu con người cô ấy chứ không phải thân phận và quá khứ. Cô ấy giống như bạn gái người Nga trước đây của con, nhiệt tình, thoải mái, không câu nệ, con thích mẫu con gái như vậy”. Câu nói này của Huy khiến tất cả mọi người có mặt đều kinh ngạc.
Mọi người không thể chấp nhận nhiều quan niệm “đi trước thời đại” và hành vi khác thường này của Huy. Một ngày tháng 9/2008, Phát hẹn riêng Quyên đến gặp, vào đầu là một tràng những câu nhục mạ không tiếc lời.
Từ đó về sau, Phát thường tìm cách tiếp cận riêng với Quyên, cương nhu khuyên nhủ Quyên buông tha cho con trai mình. Trước quá nhiều áp lực như vậy, đến tháng 10, Quyên xin nghỉ việc, chuẩn bị đi khỏi Thuận Đức.
Quyết cưới cô bạn gái bị cha tạt axit
Huy biết chuyện kiên quyết không cho Quyên đi. Quyên rơi nước mắt nói rằng tất cả mọi người đều không coi mình ra gì, lại sao Huy lại phải yêu mình như vậy? Huy đã nhiều năm ở nước ngoài, tư tưởng thông thoáng, nhưng liệu có phải chỉ vì một phút rung động hay không?
Trước sự nghi ngờ của Quyên, Huy không những không tức giận mà ngược lại, anh ôm chặt Quyên vào lòng an ủi: “Người Trung Quốc thường quá coi trọng việc môn đăng hậu đối và xuất thân của đối phương. Còn ở phương tây, người ta coi trọng tình yêu mới là trên hết, chỉ cần cả hai đều cảm thấy vui vẻ và yêu nhau thì nhất định sẽ được hưởng hạnh phúc và họ gạt bỏ tất cả những điều liên quan đến quá khứ, thân phận, địa vị, sang hèn của người kia.
Anh cũng sùng bái tình yêu theo quan điểm như vậy, cho nên quá khứ của em anh không quan tâm, đó là những điều thực lòng”.
Quyên nghe xong Huy thổ lộ, tự cảm thấy mình là người may mắn nhất trên đời, nhưng cũng hứa rằng, sau này bất cứ gặp phải khó khăn cản trở nào cũng quyết không rời xa Huy. Không lâu sau, Quyên xin vào làm nhân viên ở một khách sạn khác.
Trong lúc này, vì bạn gái, Huy gần như tuyệt giao với cha mẹ. Cuối tháng 11, Quyên và và Huy cùng lúc xin nghỉ ở nơi làm việc, họ bàn tính sẽ dùng tiền tiết kiệm của mình để cưới nhau rồi sau đó đến Thượng Hải phát triển sự nghiệp. Như vậy có thể rời bỏ chốn thị phi này, tuy nhiên vợ chồng Phát biết tin, kịch liệt phản đối.
Ngày 20/12, Đàm Chu Quân dậy sớm ra ngoài giải quyết công việc, chỉ có một mình Phát ở nhà.
Khoảng 3h chiều hôm đó, Huy dẫn theo Quyên bỗng xuất hiện trước cửa nói muốn mượn sổ hộ khẩu gia đình để chuẩn bị đăng ký kết hôn. Phát tức giận nhất quyết không chịu, thấy vậy, Huy giật chìa khóa từ trên tay Phát, vào phòng mở ngăn kéo tủ để lấy sổ.
Ra đến ngoài, Phát ôm chặt lấy Huy gần như nấc nghẹn nói Huy không được kết hôn với Quyên, bởi nếu như vậy thì sau này Phát không biết giấu mặt đi đâu. Nghe xong, Huy bình tĩnh trả lời, nếu cha cảm thấy sĩ diện của mình lớn hơn cả hạnh phúc của con thì đó là việc của cha. Còn con yêu cô ấy, nhất định con phải lấy.
Nói xong, Huy đẩy Phát rồi dắt bạn gái ra khỏi cửa. Lúc này, sự tức giận lên đến đỉnh điểm khiến Phát mất hết lý trí, lập tức vào phòng lấy bình axit dùng để tẩy rỉ xét sắt rồi nhanh chân chạy ra ngoài. Khi đuổi kịp Huy và Quyên, Phát mở nắp bình rồi hất toàn bộ số axit đó lên người Quyên. Quyên hoàn toàn không phòng bị nên bị lãnh trọn, toàn thân bị bỏng nặng. Huy lập tức gọi xe cứu thương và báo cảnh sát, những người dân xung quanh thấy vậy cũng lập tức lao đến ứng cứu.
Qua kết quả giám định thương tật cho thấy, Quyên bị bỏng hóa chất nghiêm trọng trên phạm vi 70% cơ thể, được đánh giá là trọng thương. Trong lúc đó Đoàn Kiến Phát cũng bị tạm giữ hình sự để điều tra.
Thời gian Quyên nằm viện, Huy ngày ngày túc trực bên cạnh cô ân cần chăm sóc. Huy quỳ xuống hứa Quyên cứ yên tâm, cho dù Quyên có thành người như thế nào thì mình cũng nhất định sẽ lấy cô, sẽ kiếm tiền để Quyên điều trị và phẫu thuật thẩm mỹ.
Khi nhiều người thân đến thuyết phục, hi vọng Huy và Quyên xin giảm án cho Phát, Huy khóc lóc nói: “Có khi nào ông ấy nghĩ cho tôi hay không? Tôi tìm bạn gái, ông ấy không đồng ý. Tôi muốn kết hôn, ông ấy không cho, còn dùng axit hòng hủy hoại nhan sắc của cô ấy, cũng là hủy hoại hạnh phúc của con trai. Đó là điều một người cha nên làm hay sao?”.
Ngày 27/4/2009, tòa án mở phiên tòa xét xử Đoàn Kiến Phát về tội “Cố ý gây thương tích”, đồng thời tuyên phạt Phát 5 năm tù giam, đền bù cho nạn nhân 140 ngàn nhân tệ.
Trong câu chuyện trên, chỉ vì tình yêu thương không đúng cách của cha mẹ mà khiến cả hai thế hệ phải chịu cảnh nghiệt ngã. Chúng ta có thể hiểu được tâm lý của vợ chồng Đoàn Kiến Phát, họ yêu thương con cái mình, muốn con trở thành người tài năng, nhưng 10 năm cố gắng gần như tiêu tan trong môt giờ vì yêu một cô gái “hư”. Thêm vào đó là cho ra một đứa con “không nghe lời”, làm trái ngược với mong muốn của họ, điều này khiến họ bị tổn thương, tuyệt vọng.
Thế nhưng, làm cha mẹ lẽ ra họ cần phải hiểu rằng, không thể lấy những thứ mà mình đã bỏ ra để làm con bài yêu cầu con cái báo đáp và nhất định phải làm theo suy nghĩ, mô thức cuộc sống mà mình đặt ra. Và cần hiểu rằng, niềm vui, niềm hạnh phúc của con cái mới là niềm an ủi lớn nhất với cha mẹ. Chỉ cần con đường mà con cái chọn không vi phạm pháp luật, lương tri đã là lựa chọn đúng đắn.
Đôi khi sự ngăn trở một cách thô bạo của cha mẹ đối với con cái sẽ đem đến kết cục bi thương như câu chuyện trên. Về phía con cái, Đoàn Nhan Huy lẽ ra nên trao đổi nhiều hơn nữa với cha mẹ, chứ không nên cố chấp một cách đơn giản như trên. Hi vọng rằng, đây cũng là lời nhắc nhở đối với các bậc cha mẹ trong cách hành xử trước những quyết định hệ trọng của con cái.