Ông Nicolas Sarkozy – người vừa bị đối thủ từ đảng Xã hội Francois Hollande đánh bại trong vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống hôm 6/5 – đã trở thành thành viên mới nhất trong “câu lạc bộ” những nhà lãnh đạo châu Âu buộc phải rời nhiệm sở vì làn sóng giận dữ của người dân trước các biện pháp cắt giảm chi tiêu của chính phủ và cuộc khủng hoảng kinh tế.
Thành viên “Câu lạc bộ các nhà lãnh đạo bị thất sủng”. Ảnh: AP |
Dưới đây là danh sách những thành viên trong “Câu lạc bộ những nhà lãnh đạo bị thất sủng” do Hãng tin AP thống kê:
1. Cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi: Nhà lãnh đạo lâu năm đầy tai tiếng này cuối cùng đã phải chịu bước ra khỏi vũ đài chính trị Italia vì các nhà đầu tư đã mất hết niềm tin vào khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiềm chế nợ nần của vị Thủ tướng đào hoa.
2. Cựu Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou: Ông Papandreou lên nắm quyền hồi tháng 10/2009 với cam kết thực hiện các chính sách để cải thiện nền kinh tế đang ngày một xấu đi. Tuy nhiên, 2 năm sau, khi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất của Hy Lạp kể từ Thế chiến 2 lên đến đỉnh điểm, chính những người phụ tá cho ông này đã buộc ông phải ra đi vì cho rằng ông cản trở một gói cứu trợ của châu Âu dành cho việc cải thiện kinh tế.
3. Cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero: Với việc áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế và sau đó là các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc khổ không hiệu quả, đẩy tỉ lệ thất nghiệp ngày càng tăng cao, Thủ tướng của đảng Xã hội Jose Luis Rodriguez Zapatero đã buộc phải từ bỏ chức vụ hồi tháng 11/2011, nhường chỗ cho ứng viên bảo thủ Mariano Rajoy.
4. Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown: Lãnh đạo đảng Lao động Anh đã bị lãnh đạo đối lập David Cameron đánh bại trong cuộc bầu cử tháng 5/2010 để thành lập một chính phủ liên minh. Là một nhà lãnh đạo tài chính đầy kinh nghiệm nhưng bản thân ông Brown lại hầu như không làm được gì nhiều cho nền kinh tế nước Anh ở cương vị Thủ tướng.
5. Cựu Thủ tướng Ireland Brian Cowen: Ông Cowen đã buộc phải từ chức lãnh đạo đảng Fianna Fail vài tuần trước cuộc bầu cử hồi tháng 2/2011 sau nhiều tháng cố gắng lèo lái đất nước kém hiệu quả.
6. Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates: Chính phủ của ông Socrates đã phải giải tán chỉ một tháng sau khi cầu cứu một gói viện trợ 78 triệu euro. Nguyên nhân được cho là so sự thất bại trong việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tăng sức cạnh tranh và lún sâu vào nợ nần.
Ngoài ra, trong danh sách này còn có cựu Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Ramussen.
Bảo An (Theo AP)