Câu hát tìm nhau

Tìm em trong chiều Hội Lim. (Ảnh trong bài: quanhobacninh.vn)
Tìm em trong chiều Hội Lim. (Ảnh trong bài: quanhobacninh.vn)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Người Việt xưa tìm đến lễ hội vừa để cầu nguyện và vui chơi. Nên sau lễ trang trọng là có hội hè đình đám kéo dài nhiều ngày trời. Mùa xuân đơm lộc mới cũng là lúc trai gái tìm bạn tình trong câu hát giao duyên. Rồi khi hội tan họ vẫn nhớ nhau từ mùa hò hẹn đó.

Tự tình câu hát

Một khung cảnh rất thơ mộng ở Bắc Bộ trong mùa hẹn hò hát đối. Trên cánh đồng chưa hết rơm rạ giữa tiết xuân đương rộn rã, từng đôi nam, nữ sẽ hát cho tới khi phân định thắng thua. Các cô thì đầy vẻ thách thức, ẩn giấu sự chủ động dưới vành nón lá, các chàng trai thì ra bộ nhường nhịn nhưng lại giỏi ứng khẩu, linh hoạt chuyển đổi chủ đề làm khó đối phương. Những chàng trai thắng cuộc sẽ mang tiếng thơm về làng, được gia đình người con gái thua cuộc mời sang nhà. Nếu người thua là phụ nữ đã có chồng, thì chồng nàng rất muốn tiếp người thắng cuộc, vì trước mắt mình là một thi sĩ đích thực.

Đó thực sự là một cuộc chơi đẹp, sang trọng, nền nã của tình cảm dân gian. Một sự tự do, phóng khoáng sau những ngày lao động vất vả. Trong bài diễn thuyết “Người nông dân Bắc kỳ qua tiếng nói bình dân” vào năm 1929, nhà nghiên cứu Phạm Quỳnh nhận định: “Trong khi những nhà nho tự giam mình trong tháp ngà và vui thích soạn những câu thơ Trung Hoa giống như những câu thơ tiếng Latin, hoặc để bình những tác phẩm cổ điển, thì Nhân dân làm công việc hình thành ngôn ngữ và sáng tác ra nền văn học bình dân phong phú… Trong khi bằng những câu thơ bác học, các nhà nho ca ngợi những con người và những sự vật Trung Hoa, thì người bình dân lại tìm được những giọng điệu như vậy để biểu hiện hoài niệm tình yêu và nỗi buồn kỷ niệm”.

Tìm về cội nguồn Quan họ.

Tìm về cội nguồn Quan họ.

Còn học giả Trương Tửu trong cuốn “Kinh thi Việt Nam” (1940) cũng có tư tưởng rất mở về lối hát đối đáp, giao duyên: “Cái lý thuyết nam nữ hữu biệt, nam nữ thụ thụ bất thân của nho gia có thực hành chỉ là sự thực hành trong giai cấp quý tộc sĩ phu thôi chứ không thể thực hành ra được trong dân gian. Ở đây, không phải là “thâm nghiêm kín cổng cao tường”; ở đây là đồng ruộng, là ao chuôm, là rừng lúa, là mặt đê, là đêm trăng, là thiên nhiên. Ở đây, sự làm việc đã cho phép trai và gái gặp nhau, trò chuyện với nhau, tư tình với nhau và yêu nhau”.

Hội Lim (diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng) vẫn là lễ hội lớn nhất vùng châu thổ xứ Bắc. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên trong cuốn “Sinh hoạt của người Việt” cho biết: “Hôm đó, Lim trở thành một trung tâm hội hè lớn. Trai gái, đàn ông, đàn bà, ăn vận áo quần đẹp nhất và đeo đồ trang sức quý giá nhất, đứng đông nghịt trên những thửa ruộng rộng rãi bao quanh ngôi làng vốn ngày thường rất đỗi êm ả. Họ tìm cách chen lấn nhau, ngay cả những lúc người bình thường tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc cách ly nam nữ. Con gái đi thành những nhóm năm, sáu cô phe phẩy cái quạt dưới chiếc nón lá cọ. Trước mặt các chàng trai nhút nhát, họ lấy vẻ hung hăng, khiêu khích các chàng bằng cách hát mấy câu thơ và buộc các chàng đáp lại. Nhưng cũng thường thường, những chàng trai tới đó đều là người nhất quyết chiếm trái tim con gái làng Lim”.

Điều đặc biệt ở hội Lim, câu hát mở đầu bao giờ cũng bằng câu: Người ta kể rằng… “Người ta kể rằng: Ơi! Hỡi các chàng trai đi trên đường cái quan/Xin dừng chân cho em hát vài câu/Anh bao nhiêu tuổi/Anh đã quyết định kết nhân duyên chưa?”. Câu chuyện khi đã bắt đầu, thì vẫn tiếp tục bằng những chủ để đầy biến hoá, đa dạng. Người ta không chán nghe những người ca hát này. Họ đặt cho nhau những câu hỏi, câu đố như: Người ta bán rượu ở đâu, nung vôi ở đâu, thuê quạt ở tỉnh nào, bán vải ở đâu, kiếm vua để thờ ở xứ nào…?

Và người con gái trả lời: “Người ta kể rằng: Chàng hỏi em thì em xin trả lời/Ở chợ Đồng Xuân, người ta bán tấm vải nhỏ/Ở Thổ Hoàng, người ta lấy đất nung vôi/Ở Vạn Vân, người ta cất rượu bán/Ở nước Nam, người ta tìm vua để thờ/Hà Đông thêu cờ quạt/Nam Định chạm đồ thờ/Vậy là em đã trả lời chàng/Xin chàng cưới em đi”.

“Chẳng mấy chốc, các chàng trai đã chọn được bạn gái của mình. Ngay sau đó, cuộc đối đáp tiếp tục thành từng nhóm hai người một. Những kẻ nhút nhát nhất thì vẫn tụ tập năm, sáu người một, giúp nhau trong các câu hát và trong ứng khẩu” (Theo “Hội hát đối đáp” Nguyễn Văn Huyên). Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên cho rằng, những hội hát đối này có ba loại: hội do lý dịch trong làng tổ chức; hoặc hội do một nhà giàu hay một kỳ mục mở, hoặc hội được ứng biến trên một con đường, bên bờ sông, hay trên những con thuyền lớn đầy ắp các gia đình.

“Người đi xa có nhớ”

Theo các nhà nghiên cứu về âm nhạc dân gian thì hát quan họ có từ thời Lý -Trần và có thể có nguồn gốc từ “Hát đúm”, một loại hát đám của toàn miền Bắc. Khi mùa xuân đến, hội chùa mở ra, trai gái rủ nhau dự hội rất đông và hát quan họ diễn ra trước cửa chùa, trong chùa hoặc ở các sườn đồi, đám ruộng, bờ đê…

Nhạc sĩ Phạm Duy trong cuốn “Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam” cho biết: “Hát quan họ khởi đầu có lẽ là sự trao đổi lời ca tiếng hát giữa hai họ nhà quan. Về sau, nó trở nên rất phổ thông trong dân chúng miền Bắc. Người ta thành lập các đoàn quan họ, đi tìm nhau để kết bạn ca hát. Và rất nhiều cuộc tình duyên đã được thành tựu sau những vụ hát quan họ”.

Nhạc sĩ Pham Duy khẳng định rằng: “Hát quan họ đã trở thành một hình thức dân ca phong phú nhất của người Việt”. Ông cho rằng đây là lối hát vượt qua địa vị những bài hát tự nhiên để đạt tới mức nghệ thuật rất cao “Không như những bài hát ru, hò giản dị, vốn phát sinh do nhu cầu của công việc hằng ngày, hát quan họ luôn luôn đi tìm cái mới, cái lạ trong nội dung và hình thức” (Trích “Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam”).

Quan họ có chất trữ tình, vui vẻ, sôi động, trìu mến, thương nhau, nó không bi quan, bị lụy như câu hò Huế, hát ru. Hát quan họ có bốn giọng chính: giọng sổng (hay là hừ là, là rằng, đường trong, đây là giọng để bắt đầu cuộc hát); giọng vặt (hay là từ đường ngoài tới, đây là giọng hát tiếp, dễ hát, dễ hiểu, vui tại. Các bài hát giọng vặt ta hay nghe như: Qua cầu gió bay, Trèo lên quán dốc hay Xe chỉ luồn kim...); giọng hãm (hay còn gọi là giọng ngâm, đây là giọng hát khó, đòi hỏi kỹ thuật để thử tài nhau); và cuối là giọng bỉ (giọng hát mượn hơi điệu của chèo và chầu văn, ả đào).

Và khi hội hè đã đến ngày giã bạn, làn điệu quan họ lại thật buồn với một chất giọng buồn, khi hội đã tan, ai về nhà đó, sự níu kéo nhau “người ở đừng về” thêm quấn quýt. Bài giã bạn thật buồn: “Người về bỏ bạn sao đành/Người về bỏ vắng phòng không/Người về em vẫn nay trông mai chờ/Người về em ra ngẩn vào ngơ/Năm canh em vẫn đợi chờ sầu âu/Người về cởi áo cho nhau/Phòng khi em nhớ gối đầu lấy hơi…”.

Dân ca Quan họ.

Dân ca Quan họ.

Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng âm nhạc quan họ vừa rất dân gian lại rất bác học: “Quan họ là âm nhạc dân gian Kinh Bắc, nhưng các nhà nhạc học Trần Văn Khê, Thanh Bảo mách tôi rằng, giới nhạc học Nga và Tây Âu nói với hai vị rằng: Quan họ có nhiều chất bác học về điệu thức và giai điệu”. (Trích “Xứ Bắc - Kinh Bắc: Một cái nhìn địa - văn hoá”)

Người Việt xưa coi “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nên cũng là tháng nông nhàn. Người ta bày ra đủ trò mua vui để tìm kiếm nhau, mang đến khúc tự tình. Hội hát đối nằm trong không gian sinh hoạt đó, nơi mà con người không còn e dè nữa. Tất cả tự do hơn, sống động hơn, nhất là những người phụ nữ quanh năm bị bao phủ bởi công việc và tư tưởng thấp kém. Họ tình tứ hơn, chọc ghẹo, thách đố đàn ông. Sự bạo dạn đó khiến cho cuộc vui hát múa diễn ra “thâu đêm suốt sáng”. Đó là sự hứng khởi của tuổi trẻ khi mùa xuân đến, khi tình yêu nồng nàn, hứa hẹn, trao duyên.

“Hội ca hát là một lễ hội của sự quan hệ giữa nam và nữ, lễ của dạm hỏi đính hôn và đôi khi còn sự giao hoà giới tính giữa các nhóm người hoặc giữa cá nhân với nhau ở một nơi nào đó. Hình thức gặp gỡ đó đảm bảo cho làng xã, cho cộng đồng sự thịnh vượng và an khang… Người chiến thắng trong cuộc lễ ấy sẽ là anh hùng của làng mình. Người bạn gái đua tài với anh ta lần cuối được giải nhì. Nếu cả hai là thanh niên còn độc thân, tất nhiên mọi chuyện phải kết thúc bằng việc thành vợ, thành chồng” - một nhận định thật viên mãn của vị Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Văn Huyên.

Đọc thêm

Di sản nghe nhìn - Lăng kính quan trọng của lịch sử phát triển đất nước

Thước phim “Ngày Độc lập 2/9/1945” là tư liệu quý giá giúp tái hiện lại khoảnh khắc lịch sử trọng đại của dân tộc. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
(PLVN) - Di sản nghe nhìn đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh quá trình phát triển của đất nước, từ những ngày đầu lập quốc đến cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc. Những tư liệu quý báu như bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, cho đến những thước phim, bản ghi âm lịch sử, là nguồn tư liệu quan trọng không chỉ trong nghiên cứu lịch sử mà còn giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về sự hy sinh, cống hiến của cha ông.

Tại sao điện ảnh Việt chưa thể bứt phá?

Các diễn giả tại Tọa đàm. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Dù những năm gần đây, các tác phẩm điện ảnh Việt Nam có sự tăng trưởng về số lượng nhưng chất lượng vẫn chưa cải thiện nhiều. Theo đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang, phim Việt đang ở trong tình trạng người sản xuất không biết phim mình hay dở ở đâu?

'Tấm vé' về với Hà Nội xưa

'Tấm vé' về với Hà Nội xưa
(PLVN) - Thủ đô nghìn năm văn hiến Hà Nội được ví như bảo tàng sống với hàng ngàn di tích lịch sử, văn hóa nổi bật. Vì thế, Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng bất tận, là đề tài rung động tâm hồn các nghệ sỹ trong nỗ lực gìn giữ văn hóa đất Kinh kỳ.

Trải nghiệm bay trên bầu trời qua lễ hội khinh khí cầu

Ngắm di sản thiên nhiên thế giới từ trên cao. (Ảnh: HLTV)
(PLVN) - Khinh khí cầu ngoài là thú chơi trên không, còn tạo hiệu ứng hình ảnh đẹp, bắt mắt và nếu có thông điệp truyền thông tốt sẽ tạo được sức thu hút du khách. Với tạo hình đẹp, màu sắc rực rỡ và có thể bay trải nghiệm cùng phi công, bộ môn khinh khí cầu sẽ mang lại nhiều trải nghiệm cho du khách.

Xuyên bão

Tranh minh họa của Văn Học
(PLVN) - Trận bão về sớm hơn thường lệ. Gió ầm ào gào rít như muốn tàn phá tất cả. Ngoài kia, cây cối bị vặn ngả nghiêng, rõa rượi, lá bị bứt xáo xác, bay chíu chít.

Đồng dao - Đi tìm di sản tuổi thơ xưa trong thời hiện đại

Đồng dao - Đi tìm di sản tuổi thơ xưa trong thời hiện đại
(PLVN) - Trong ký ức của nhiều thế hệ, đồng dao gắn liền với tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ vang vọng khắp sân làng, những trò chơi tuổi thơ đơn sơ mà thú vị. Những bài đồng dao ấy không chỉ là những lời ca vui vẻ, mà còn chứa đựng trong mình cả nền văn hóa, lịch sử và giá trị truyền thống của dân tộc.

Vẻ đẹp từ những thước phim

Vẻ đẹp từ những thước phim
(PLVN) - Thời gian đã phủ lớp bụi lên những thước phim cổ, tấm ảnh cũ, tuy nhiên giá trị của chúng không mất đi. Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại hối hả, sôi động với nhiều âm thanh, màu sắc đa dạng trên truyền hình, nhưng nhiều người trẻ vẫn dành tình cảm cho các bức ảnh cũ, thước phim xưa.

5 món ăn nổi tiếng nhất Ấn Độ

5 món ăn nổi tiếng nhất Ấn Độ
(PLVN) - Cà ri Ấn Độ, bánh naan, gà tikka masala, bánh pani puri và cơm rang biryani không chỉ là những món ăn nổi tiếng mà còn là biểu tượng của văn hóa ẩm thực Ấn Độ.

Tôn vinh cây trà tổ 400 tuổi ở Suối Giàng

Tôn vinh cây trà tổ 400 tuổi ở Suối Giàng
(PLVN) -  Lễ hội tôn vinh cây trà tổ Shan tuyết hơn 400 tuổi được tổ chức trang trọng với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc nhằm gửi gắm ước mơ và cảm tạ trời đất đã ban phước lành cho dân bản. 

Khai mạc du lịch Thu - Đông tại Bình Liêu

Lãnh đạo huyện Bình Liêu bấm nút khởi động mùa du lịch huyện Bình Liêu năm 2024.
(PLVN) - Chương trình Du lịch mùa Thu - Đông với chủ đề “Bình Liêu - Hội mùa về” khai mạc tối 25/10, tại Quảng trường 25/12 thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh).