Bị lừa bán làm vợ một người đàn ông nghèo “rớt mồng tơi”, 16 năm chị Văn Thị Nguyệt (SN 1980, ngụ xóm 8, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vẫn nuôi hi vọng một ngày được trở về quê hương.
Bị lừa bán
Những ngày qua, gia đình ông Văn Đình Thuận (62 tuổi, bố chị Nguyệt) nhộn nhịp người ra vào. Họ đến chúc mừng vì sự đoàn tụ của gia đình ông vì cô con gái trở về sau 16 năm mất tích.
Chị Nguyệt là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em. Vì hoàn cảnh khó khăn nên chị không được học hành, sớm phải đi làm thuê kiếm sống. Năm 21 tuổi, khi đang làm giúp việc cho một nhà hàng ở thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) chị tình cờ gặp một vị khách. Chị thật thà chia sẻ hoàn cảnh gia đình. Người này ngỏ ý muốn giúp đỡ chị.
“Làm ở đây vất vả lắm, lương lại không đáng bao nhiêu. Em muốn ra Hà Nội làm công nhân không anh đưa đi. Ra ngoài đó, anh sẽ xin cho em vào làm tại công ty chú ruột, công việc nhàn hạ lại nhiều tiền. Nếu đồng ý thì tối nay đi cùng anh. Tiền tàu xe em không phải lo. Đến nơi anh sẽ dẫn tới nơi làm việc luôn”, chị Nguyệt thuật lại lời kẻ lừa bán người.
Bổng nhiên gặp được “người tốt”, chị vội vàng đồng ý mà không chút nghi ngờ. Sợ “cơ hội tuột mất”, nên ngay trong đêm, chị xin nghỉ việc tại nhà hàng để được ra Hà Nội. Vì làm chưa hết tháng, hủy hợp đồng, bà chủ không trả cho đồng tiền công nào.
Chiếc xe khách chuyển bánh được một lúc thì dừng lại ăn cơm. Ăn xong, chị được người đàn ông đưa cho một ly nước uống. Khi lên xe, chị Nguyệt ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Khi được người ta gọi dậy, biết mình bị lừa bán qua Trung Quốc thì đã quá muộn.
Chị bị nhốt trong một căn phòng nhỏ, phía trong có 7 người phụ nữ Việt Nam cũng bị lừa bán như chị. Họ lần lượt bị những người đàn ông Trung Quốc đến mua về làm vợ. Thấy chị Nguyệt tỏ ra cứng đầu, “chủ chứa” lớn tiếng dọa: “Nếu không muốn làm vợ người ta thì sẽ bị bán vào nhà thổ làm gái mại dâm.”
Hai ngày sau, chị Nguyệt trở thành vợ “bất đắc dĩ” của người đàn ông hơn mình 2 tuổi. Nhà chồng chị ở một vùng hẻo lánh, bốn bên đồi núi. Những ngày đầu, vì sợ chị chạy trốn nên họ giam lỏng chị trong nhà, đi đâu cũng có người giám sát. Tối đến đi ngủ có người khóa cửa từ trong đến ngoài.
“Tiền mình mua mình”
“Nhà chồng nghèo “rớt mồng tơi”. Nhà tôi nghèo ngày còn có cơm hai bữa mà ăn, còn đằng này, nhà chồng nghèo đến nỗi phải ăn cháo kê thay cơm. Cơm là một món xa xỉ, chỉ những người sinh đẻ, lễ tết mới được ăn. Suốt năm ăn cháo kê với muối, rau. Chỉ năm hết tết đến mới dám mua một cân thịt. Ở vùng hẻo lánh ấy không có cá. Mà có cũng không dám mua vì không có tiền”, chị kể.
Một mình nơi đất khách, không người thân, bất đồng ngôn ngữ, cuộc sống lại khó khăn nên nhiều lần chị nghĩ quẩn, muốn tự vẫn. Thế nhưng bên cạnh lúc nào cũng có người theo sát muốn chết, cũng khó.
Thu nhập chính cả gia đình nhà chồng phụ thuộc hoàn toàn vào ba sào đất đồi dùng trồng kê và số tiền công hàng ngày anh Liều Hài Miền (SN 1978, chồng chị Nguyệt) nhận được hàng ngày. Anh Miền không có việc làm ổn định, hàng ngày ai thuê bốc vác, cuốc đất, phụ hồ thì nhận làm. Những lúc trời mưa gió lại ở nhà thì “treo niêu”.
Chị Nguyệt cùng người chồng Trung Quốc và 2 con |
Để có số tiền 8 vạn nhân dân tệ mua chị về làm vợ, nhà chồng đã thế chấp nhà cửa đi vay ngân hàng. Giờ nhiệm vụ kiếm tiền trả nợ, cha mẹ chồng giao lại hoàn toàn cho vợ chồng chị. Cũng từ đó, chị vừa nuôi con, vừa cùng chồng bươn chải làm việc, tằn tiện góp từng đồng xu trả nợ. Chị rơi vào hoàn cảnh “tiền mình mua mình”.
“16 năm ròng làm vợ tôi không dám mua cho mình một bộ quần áo mới, không dám ăn một bữa cơm no. Năm hết tết đến mới dám mua ít thịt lợn. Sẵn học được món dưa muối từ ngày còn sống cùng mẹ ở quê, tôi ra chợ nhặt những lá rau già, héo mà người ta vứt bỏ, mang về thái nhỏ đem muối thành dưa, dùng làm thức ăn thay cá, thịt.
Những hôm nhặt được nhiều, tôi lại mang ra chợ bán kiếm tiền. Sau khi trả xong số tiền nhà chồng vay ngân hàng để mua mình, tôi mới cố gắng tiết kiệm để nuôi hi vọng trở về quê hương”, thiếu phụ nhớ lại.
Suốt hàng chục năm ròng, chị nhận ra những người đàn ông Trung Quốc muốn cưới vợ bản địa phải mất 40 vạn nhân dân tệ trong khi mua vợ Việt Nam chỉ mất từ 5 v- 20 vạn nhân dân tệ. Vì không có tiền nên họ đi mua phụ nữ Việt Nam làm vợ. Khu vực chị ở có nhiều phụ nữ Việt Nam đều bị lừa bán, đều rơi vào hoàn cảnh như chị.
Niềm an ủi lớn nhất của đời chị là hai cậu con trai (đứa lớn 14 tuổi, đứa nhỏ lên 4). Thế nhưng, cũng vì sinh hai “quý tử” nên gia đình chồng tỏ thái độ không hài lòng. Gia đình chồng không thích con trai vì nhà quá nghèo, sau này lấy tiền đâu mà cưới vợ.
Lợi dụng điều này, nhiều lần chị Nguyệt đã ngỏ ý muốn trở về tìm lại gia đình với lý do kiếm vợ Việt Nam “dần” cho hai con trai. Mãi tới giữa tháng 8/2016, tâm nguyện ấy mới được chấp nhận.
Cố quên quá khứ
Thắp nén nhang lên bàn thờ như để cảm tạ tổ tiên, ông bà phù hộ, ông Thuận nước mắt rưng rưng vì hạnh phúc khi được gặp lại cô con gái 16 năm bặt vô âm tín.
Ông kể, đó là một buổi tối năm 2001, khi ông đang chuẩn bị đi ngủ thì người hàng xóm tới báo cô con gái đã nghỉ việc ở nhà hàng để đi theo một người đàn ông lạ. Ngay lập tức, ông đạp xe đạp hàng chục cây số đến nơi con gái làm để tìm hiểu.
Rồi suốt 5 tháng ròng, ông rong đuổi khắp các hang cùng ngõ hẻm Nghệ An, Thanh Hóa để tìm con. Vì không có tiền, ông phải bán con bò chưa kịp lớn, chiếc đồng hồ đeo tay là kỷ vật trong chiến trường để làm lộ phí tìm con nhưng vô vọng.
“Suốt 5 tháng ròng ăn bụi nằm sương nhưng vẫn không có tin tức gì của con nên đành trở về. Dù không còn tìm kiếm nhưng tôi vẫn hi vọng một ngày nào đó con gái mình sẽ trở về. Vậy mà không ngờ mơ ước của tôi lại thành hiện thực. Giờ có nằm xuống tôi cũng yên lòng”, ông Thuận chia sẻ.
Suốt hàng chục năm xa quê hương, khi trở về mọi thứ đều thay đổi. Ngày gặp lại thật quá bất ngờ, người trong gia đình chỉ biết ôm nhau khóc.
Chị Nguyệt vẫn tự cho mình là người may mắn vì dù bị bán cho một gia đình nghèo khó nhưng chị lại có được người chồng hiền lành, thương yêu vợ con: “Trước khi trở về Việt Nam, tôi xin phép đưa hai đứa con cùng về và hứa sẽ trở lại. Vì sợ vợ con không quay trở lại nên chồng tôi đã đi cùng. Anh ấy nói vợ con ở đâu thì anh ở đó.”
Nhắc đến việc tố cáo người đàn ông đã lừa bán mình, chị Nguyệt cười buồn: “Có trách thì trước hết phải tự trách bản thân tôi nhẹ dạ, cả tin nên mới bị người khác lợi dụng, lừa bán. Tôi chỉ gặp người đàn ông ấy một lần, cũng chẳng biết anh ta làm gì, ở đâu. Giờ có các con, được trở về như thế này, đó là may mắn của cuộc đời tôi”.
Nhắc đến việc tố cáo người đàn ông đã lừa bán mình, chị Nguyệt cười buồn: “Có trách thì trước hết phải tự trách bản thân tôi nhẹ dạ, cả tin nên mới bị người khác lợi dụng, lừa bán. Tôi chỉ gặp người đàn ông ấy một lần, cũng chẳng biết anh ta làm gì, ở đâu. Giờ có các con, được trở về như thế này, đó là may mắn của cuộc đời tôi”.