TAND TP Đà Lạt vừa thụ lý vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại về tài sản mà bị đơn là Trường CĐSP Đà Lạt do ông Bùi Lương làm Hiệu trưởng...
Nỗi đau của một gia đình nhà giáo
Năm 1977, thầy Phạm Huy Dương được điều động từ Trường ĐHSP Hà Nội vào xây dựng Trường CĐSP Đà Lạt (Trường CĐ) với chức vụ Phó Hiệu trưởng và sau đó là Hiệu trưởng. Trong những năm tháng khó khăn ấy, thầy Dương và gia đình được bố trí ở tại biệt thự số 1 nằm trong khuôn viên nhà trường và trồng trọt trên phần đất của biệt thự nhằm cải thiện đời sống. Năm 2005 thầy Dương qua đời, để lại vợ là bà Trần Thị Thìn và các con sống tại đây.
Cây cối của nhà bà Thìn bị nhổ bật gốc |
Ngày 24/9/2009, Trường CĐ “yêu cầu các hộ trả đất cho nhà trường” trong đó có hộ bà Thìn. Bà Thìn khiếu nại, song Trường CĐ không trả lời.
Ngày 26/5/2010, lãnh đạo Trường CĐ cho người xông vào khuôn viên biệt thự số 1 phá dỡ hàng rào cây xanh, bứng và chặt các cây trồng từ 3 đến hơn 30 năm tuổi do gia đình bà Thìn trồng …với lý do mở rộng bãi giữ xe cho trường. Bà Thìn khiếu nại, ngày 24/6/2010 Tỉnh ủy Lâm Đồng có văn bản yêu cầu UBND TP Đà Lạt xử lý và trả lời.
Ngày 28/6/2010, Thanh tra TP Đà Lạt có văn bản gửi UBND phường 10 yêu cầu giải quyết. Chờ mãi không thấy giải quyết, gia đình bà Thìn đã khởi kiện vụ việc ra TAND TP Đà Lạt. Ngày 14/10/2010, UBND phường 10 có văn bản báo cáo: “đã kiểm tra và có công văn yêu cầu nhà trường cung cấp các văn bản, giấy tờ liên quan đến việc xây dựng bãi giữ xe. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa nhận được các hồ sơ liên quan …”.
Đối phó với pháp luật?
Sau khi nhận được thông báo của TAND TP Đà Lạt, ngày 16/9/2010 bà Đào Thị Kim Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ ký văn bản trả lời rằng, việc bà Thìn khởi kiện yêu cầu Trường CĐ bồi thường thiệt hại tài sản 100.000.000 đồng là không có cơ, trong đó có lý do: “Nơi bà Thìn đang ở là tài sản của Trường, không phải tài sản của cá nhân bà Thìn hay của cá nhân ông Bùi Lương. Hiện nhà trường vẫn để cho bà Thìn ở tạm một số phòng tại biệt thự số 1...”
Tuy nhiên, tại “Biên bản họp giải phóng mặt bằng” do cán bộ Trường CĐ lập hồi 14h ngày 25/5/2010 (đóng dấu và ký xác nhận của bà Nhung) thì ghi: “Nhà trường đề xuất thu hồi phần đất trống cạnh villa số 1 của trường do bà Thìn đang trồng các loại cây hoa…Nhà trường tiến hành ghi nhận các loại cây trồng ghi trên khu đất trên và có hướng hỗ trợ công trồng trọt”. Biên bản này cũng xác nhận hiện trạng cây trồng của gia đình bà Thìn gồm rất nhiều cây với nhiều chúng loại khác nhau.
Thế nhưng, trong lúc chưa đền bù cho gia đình bà Thìn, thì ngày 26/5/2010 lãnh đạo Trường CĐ lại cho “giải phóng mặt bằng” bằng cách đào bứng cây cảnh, chặt phá cây trồng của bà Thìn để lấy đất làm bãi giữ xe!.
Chưa hết, TANDTP Đà Lạt đã nhiều lần triệu tập ông Bùi Lương - Hiệu trưởng Trường CĐ đến giải quyết, nhưng ông Lương không đến mà làm giấy ủy quyền không hợp lệ cho cán bộ cấp dưới làm việc với Tòa.
Tại biên bản do TANDTP Đà Lạt lập ngày 22/11/2010, ông Nguyễn Minh Sơn cán bộ nhà trường trình bày: “Theo giải thích của tòa thì Giấy ủy quyền số 322/CĐSP ngày 22/11/2010 là không hợp lệ, nên tôi không đủ tư cách tham gia tố tụng do đó tôi không trình bày ý kiến”. Người viết đã hai lần điện thoại xin gặp ông Lương nhưng ông này trả lời lúc thì “bận họp”, lúc thì “bận đi công tác”.
Dư luận bất bình cho rằng lãnh đạo Trường CĐSP Đà Lạt không những xem thường pháp luật, mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà giáo luôn dạy học sinh phải biết hướng thiện và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Một luật sư khi được hỏi đã cho biết: “Việc Trường CĐSP Đà Lạt lấy đất làm bãi giữ xe, cho chặt phá cây trồng là tài sản riêng của bà Thìn mà không thỏa thuận đền bù là vi phạm Điều 165 Bộ luật Dân sự về nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu. Hành vi đó được phải xử lý theo Điều 619 Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra.
Việc Hiệu trưởng Trường CĐSP Đà Lạt không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa, ủy quyền không hợp lệ cho người khác là vi phạm Điểm q, Điều 58 Bộ luật Tố tụng Dân sự về quyền và nghĩa vụ của đương sự. Nếu Tòa triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà Hiệu trưởng nhà trường vẫn vắng mặt thì tòa án sẽ giải quyết vắng mặt bị đơn theo Khoản 2, Điều 60 Bộ luật Tố tụng dân sự”.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và đảm bảo quyền lợi của người dân.
Phúc Ân