Cảnh giác với tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ dịp Tết

Các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Ảnh: BVCC
Các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Ảnh: BVCC
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vào những ngày Tết, trẻ nhỏ được nghỉ học dài, nhiều trẻ về quê đón Tết hoặc đi du lịch cùng gia đình, tham gia liên lục hoạt động liên hoan, ăn uống, vui chơi với môi trường mới lạ, trong khi người lớn bận bịu ít giám sát. Vì vậy, trẻ nhỏ dễ đối diện nguy cơ bỏng, pháo nổ, hóc dị vật, ngộ độc thực /hóa chất, té ngã, điện giật, tai nạn giao thông, đuối nước…

Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận liên tiếp 3 bệnh nhi bị tai nạn, ngộ độc trong những ngày giáp Tết.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi N.G.H. (3 tuổi). Đang ở nhà ông bà, H chui vào gầm bàn gấp chơi, trong lúc vui đùa, ngực của H bị kẹp giữa hai chân bàn khiến không thở được. Khi người thân phát hiện thì H đã tím tái. Bệnh nhi được đưa đến trung tâm y tế huyện để sơ cứu rồi chuyển đến bệnh viện tuyến tỉnh.

H vào bệnh viện tỉnh trong tình trạng suy hô hấp, tím tái, mạch bắt yếu, huyết áp thấp, hôn mê. Bệnh nhi được sơ cứu ban đầu, đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy hô hấp phải hỗ trợ thở bằng bóp bóng qua Nội khí quản, hôn mê, huyết áp thấp.

Tại khoa Cấp cứu và Chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp, sử dụng thuốc trợ tim đảm bảo huyết áp, ổn định tình trạng nguy hiểm ban đầu, sau đó được đưa vào Khoa Điều trị tích cực Nội khoa để thở máy và chăm sóc đặc biệt.

Trường hợp thứ 2 là bé trai cũng 3 tuổi, tiền sử khỏe mạnh. Mẹ bé kể, 17h ngày 18/1 bé chạy theo con trâu nhà hàng xóm và bị trâu quay lại húc, sừng trâu húc vào vùng đỉnh chẩm trên đầu của bé.

Bé bị chảy máu nhiều, gia đình đưa tới bệnh viện tỉnh sơ cứu. Bệnh viện ghi nhận bé bị lõm xương sọ và một phần tổ chức não bị lộ ra ngoài. Bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong đêm ngày 18/1. Bé được các bác sĩ Bệnh viên Nhi Trung ương làm các xét nghiệm cấp và chuyển phẫu thuật tại Khoa Ngoại thần kinh – Trung tâm Thần kinh, sau 3 giờ vào viện.

Trường hợp thứ 3 là bé L.A (10 tuổi, Nghệ An). L.A sống cùng với ông nội, bố mẹ đi làm xa. Trưa 18/1, L.A cùng hai bé khác cùng độ tuổi đang chơi trong vườn, thấy ống nước màu đỏ, 3 trẻ cùng bẻ ra uống. Khoảng 30 phút sau, L.A xuất hiện triệu chứng nôn, lơ mơ, co giật. Trẻ được đưa vào bệnh viện huyện, đặt ống nội khí quản rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Chống độc xử trí các bước ban đầu, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, xác định bệnh nhi ngộ độc thuốc diệt chuột. Bệnh nhi được chuyển điều trị tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa.,

Do không có biện pháp điều trị đặc hiệu ngộ độc thuốc diệt chuột, trẻ tử vong sau gần 1 ngày vào viện dù đã được hỗ trợ tích cực chức năng các cơ quan.

BS CKII Nguyễn Tân Hùng – Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mỗi ngày Khoa Cấp cứu và Chống độc tiếp nhận khoảng 4-5 ca tai nạn thương tích ở trẻ với rất nhiều hình thái: vết thương ngoài da, chảy máu, bong gân, gãy xương, chấn thương các tạng, bỏng, đuối nước, ngộ độc, hóc dị vật...

"Trong các dịp Tết Nguyên đán hàng năm thì số trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích tăng cao hơn. Trẻ nhỏ thường hiếu động, chưa có nhận thức, phản xạ bảo vệ bản thân, trẻ vị thành niên đang ở giai đoạn thích thể hiện cái tôi cá nhân. Những trẻ sống ở các đô thị lớn, về đón Tết cùng gia đình ở các vùng nông thôn, môi trường mới nhiều điều lạ với trẻ. Nhưng vùng nông thôn cũng nhiều ao, hồ, cây cối… trong khi đó người lớn nhiều khi vì bận rộn mà lơ là, không giám sát chặt chẽ, khiến trẻ gặp phải nhiều tình huống đáng tiếc gây nguy hại sức khỏe, tính mạng”, BS CKII Nguyễn Tân Hùng cảnh báo.

Để phòng tránh tai nạn thương tâm xảy ra dịp Tết Nguyên đán đối với trẻ, các bác sĩ khuyến cáo:

Không cho trẻ chơi gần các ổ cắm điện, bóng điện. Các ổ cắm điện phải dùng dụng cụ che chắn kỹ lưỡng.

Sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chế biến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ, không nên đựng hóa chất, xăng, dầu, thuốc trong vỏ chai đựng nước uống nhằm tránh nhầm lẫn.

Thuốc diệt chuột có hình dáng bên ngoài khá giống với một số loại thạch và nước uống cho trẻ em, do vậy nếu gia đình có dự trữ thuốc diệt gián chuột cần nên được cất giữ cẩn thận.

Các thuốc điều trị bệnh mạn tính của người trong gia đình như thuốc chống trầm cảm, thuốc tim mạch cần cất giữ cẩn thận, như để trong hộp riêng, có khóa

Khi trẻ ăn uống, cha mẹ cần quan sát con. Hướng dẫn con ăn chậm, nhai kỹ…Giám sát chặt chẽ khi con ăn các loại hạt lạc, hạt dưa, hạt bí... ngày Tết; không nên bắt ép trẻ ăn khi đang khóc hoặc để trẻ cười đùa trong khi ăn uống.

Cần có người lớn giám sát chặt chẽ khi trẻ chơi ở các khu vực gần ao, hồ, sông, suối, không cho trẻ chơi dưới lòng đường… và các bề mặt trơn trượt.

Tránh để các đồ vật như thủy tinh, sắc nhọn,.. gần tầm tay của trẻ.

Cần giáo dục cho trẻ biết các mối nguy hiểm từ các động vật xung quanh để biết cách phòng tránh, không trêu đùa với động vật lạ.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.