[links()] Thương mại điện tử là xu hướng tất yếu nhưng làm thế nào để để thương mại điện tử phát triển lành mạnh?
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Luật vẫn hở
Trong một tọa đàm cách đây không lâu, đại diện Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho hay, số đơn khiếu nại liên quan đến mua bán qua mạng ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa có kinh nghiệm tích lũy thông tin để có thể nhanh chóng giải quyết đơn khiếu nại. Vì thế, có nhiều vụ việc diễn tiến quá lâu khiến cho nạn nhân nản, từ bỏ khiếu nại.
Theo luật sư Nguyễn Mạnh Thắng (Đoàn luật sư Hà Nội), hình thức lừa đảo bán hàng qua mạng không còn mới, các đối tượng này vẫn có thể chịu trách nhiệm hình sự với các tội danh liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, để truy tố các đối tượng này không hề dễ, vì chủ yếu là giao dịch qua mạng nên chứng cứ rất khó chứng minh. Bên cạnh đó, người tiêu dùng có tâm lý “bỏ qua” do luật chưa rõ ràng và cũng không biết phải cậy vào đâu. Vì thế, ngay trong quá trình giao dịch, người tiêu dùng phải biết lưu giữ những chứng cứ chứng minh giao dịch của mình.
Trong khi đó, hiện nay pháp luật về thương mại điện tử vẫn còn nhiều khoảng trống. Ông Nguyễn Thành, chuyên gia kinh tế, phân tích, Thông tư số 46/2010/TT-BCT ngày 31 /12/2010 của Bộ Công Thương về quản lý hoạt động của các website thương mại điện tử bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ đã có các quy định về trách nhiệm của các thương nhân tham gia cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ, trong đó quy định rõ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa thương nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người mua hàng thông qua hợp đồng thỏa thuận, tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp, thông tư này lại không khẳng định chủ website phải chịu trách nhiệm hay không.
Có những biến tướng đáng ngại
Gần đây, đã xuất hiện những hình thức thương mại điện tử mà theo nhận định của các chuyên gia, đây là những hình thức bán hàng đa cấp bất chính trá hình.
Nguyễn Thu H., sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, kể, thông qua một người bạn, H. được giới thiệu đến một công ty đào tạo mua bán trực tuyến để làm thêm. “Em đã đến công ty này ở tại Khương Hạ, Hà Nội và được nghe hướng dẫn cách thức kiếm tiền. Nghe đơn giản đến khó tin, rằng em chỉ việc giới thiệu càng nhiều người vào hệ thống mua gian hàng ảo trên trang muaban… càng tốt. Giới thiệu 1 người thì được nhận 1,5 triệu đồng. Tuy vậy, trước tiên em phải bỏ ra 5,2 triệu đồng để mua một gian hàng ảo”.
Không biết “ma xui quỷ khiến” thế nào mà sinh viên nghèo như H. chạy vạy khắp nơi để có đủ số tiền trên đem nộp. Nhưng khi mở gian hàng ảo, H. sực tỉnh ra vì gian hàng này sẽ bán gì, cho ai. Tư vấn viên ở công ty bảo cô thích bán gì thì bán. Đến đây, H. nhận ra rằng, mục tiêu của công ty không phải là mua bán, mà là lôi kéo được càng nhiều người như cô càng tốt, chỉ để thu tiền bán gian hàng ảo.
“Em thấy đến đây làm thêm chủ yếu là sinh viên. Giờ em không muốn lừa bạn bè, người thân, nên phải quyết định rời bỏ hệ thống, ngậm ngùi mất hơn 5 triệu vì nộp tiền vào chẳng có biên lai, giấy tờ gì” – H. than thở.
Theo đánh giá của ông Đặng Đức Hiệp, chuyên gia công nghệ thông tin, thực chất đây là biến tướng của “bán hàng đa cấp”. “Những website này được lập ra để bán hàng hóa nhưng các lệnh mua bán lại rất ít, thậm chí không có sự đầu tư cho các công cụ hỗ trợ mua bán, thay vào đó lại bán gian hàng ảo cho mọi người muốn tham gia thành cộng tác viên của website. Vì thế, người mua phải ứng xử với hoạt động của các website này như với bán hàng đa cấp” – ông Hiệp nói.
Đức Mạnh