Hơn 80% dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc
Mới đây, tại hội nghị tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu do Bộ Y tế tổ chức, Cục Quản lý y dược cổ truyền (YDCT) cho biết, hàng năm Việt Nam sử dụng khoảng 60 ngàn tấn dược liệu các loại. Trong đó khoảng 80 - 85% có nguồn gốc nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Nguồn cung chủ động trong nước chỉ chiếm 20%. Nói về chất lượng dược liệu trên thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Lâm - Viện Phó Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương cho biết, trong năm 2015 Viện này đã phối hợp với Cục YDCT kiểm tra, khảo sát các dược liệu nghi ngờ tại các bệnh viện y học cổ truyền và các công ty xuất nhập khẩu dược liệu trên toàn quốc. Qua kiểm tra 109 mẫu (trong đó có nhiều mẫu ở các khu vực cửa khẩu giáp Trung Quốc), kết quả 56 mẫu không đạt chuẩn, trong đó có 26 mẫu là dược liệu nhầm lẫn, giả mạo. Thậm chí có dược liệu không xác định được định tính.
Đáng lo ngại hơn, hiện nay tại các chợ dân sinh vẫn có những người bày bán thuốc đông dược ngay trên những mảnh nilon trải vội bên lề đường. Đặc biệt, họ không có chỗ ngồi bán hàng cố định nên mọi thắc mắc của khách hàng thường khó tìm được địa chỉ để giải đáp. Người dân với tâm lý ham rẻ mua về các loại thuốc không rõ nguồn gốc để rồi “tiền mất, tật mang”.
Khảo sát tại Ninh Hiệp, “vựa” sản xuất thuốc bắc lớn nhất miền Bắc mới đầu giờ chiều nhưng tấp nập xe ra vào, người mua, kẻ bán nhộn nhịp. Nếu như ngoài đường là những cửa hàng vải chật cứng thì ở trong làng la liệt các loại thuốc, được phơi khắp các con ngõ. Mùi thuốc bắc, mùi diêm sinh xộc lên mũi nồng nặc. Qua quan sát ban đầu tại một số kiện hàng của các cửa hàng kinh doanh thuốc chúng tôi nhận thấy, phần lớn những nguyên liệu thuốc ở đây đều không có nhãn mác. Chủ cửa hàng kinh doanh dược liệu y học dân tộc DC (xóm 8, Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Thuốc bắc đa phần nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, bởi họ có nguồn dược liệu phong phú, giá rẻ, dễ bán, mẫu mã thường đẹp mắt hơn”.
Cầm trên tay túi linh chi, chủ cơ sở giới thiệu cho khách mua linh chi, thấy khách có vẻ ngần ngại khi nghe đến sản phẩm của Trung Quốc, chủ cơ sở nhanh chóng lấy thêm túi linh chi và nói đó là hàng xuất xứ của Việt Nam nhưng tuyệt nhiên tất cả số linh chi này đều được để trong một túi ni lông to không có bất cứ một dòng nhãn mác hay hướng dẫn sử dụng nào. “Hàng Trung Quốc rẻ hơn, dùng cũng tốt, chứ mua hàng Việt Nam giá cao các chị ít nhập hàng này. Nếu ai hiểu thì mới lấy những loại đắt này vì chất lượng cao hơn chứ linh chi Trung Quốc mẫu mã to đẹp nhưng toàn dùng thuốc tăng trọng. Còn táo thì toàn bộ hàng Trung Quốc hết, trong xóm này nhà nào cũng bán một loại táo này hết” - chủ cơ sở giải thích.
Chỉ độc khi lưu huỳnh bị lạm dụng quá mức?
Để bảo quản thuốc bắc, các vị thuốc được chế biến sẵn đều cần đến chất bảo quản, có thể là chất chống nấm mốc, giữ độ mềm của thuốc hoặc đơn giản hơn là giữ màu. Tuy nhiên, trên thị trường Việt Nam hiện nay, hầu hết các hoá chất này đều không có nguồn gốc hay tên gọi, được bày bán tràn lan với giá rẻ và số lượng không hạn chế. Theo quan sát của phóng viên, hầu hết mỗi gia đình sản xuất, kinh doanh dược liệu ở Ninh Hiệp đều có những chiếc cót phủ tấm ni lông bên ngoài được đặt ở sâu trong nhà (phần khuất) hoặc có khi được đặt ngay góc trước hiên nhà, không bảo đảm vệ sinh.
Ông Lâm Văn Đ. - lương y có 40 năm hành nghề bốc thuốc tại xóm 8 cho biết, trong sơ chế thuốc đông dược không tránh khỏi phải sử dụng lưu huỳnh, song chỉ những người trực tiếp làm công việc sơ chế mới có nguy cơ bị ảnh hưởng. Khi thuốc đã đến tay người tiêu dùng thì do lưu huỳnh không bám trong thuốc lâu, trước khi sao tẩm lại được rửa nên hầu như lưu huỳnh không còn nữa và không gây hại cho sức khỏe người sử dụng.
Trong y học cổ truyền, lưu huỳnh là một vị thuốc có vị chua, tính ấm, có độc, thường được dùng bôi ngoài để chữa các bệnh ngoài da như ghẻ, nấm, chàm, ung nhọt,... Điều đáng nói ở đây là vì lợi nhuận, nhiều người đã lạm dụng lưu huỳnh khiến cho không ít loại dược liệu có dư lượng chất này vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Nói về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, ở nước ta lưu huỳnh được dùng phổ biến trong sấy các dược liệu nhất là loại có hàm lượng tinh bột cao, sấy hoa quả khô, măng khô. Lưu huỳnh sử dụng để chống ẩm mốc với hàm lượng ít thì không độc, nhưng nếu sử dụng quá nhiều hoặc rắc trực tiếp thì bản thân người sơ chế cũng có thể nhiễm độc đường hô hấp. “Để tránh độc hại cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng, quá trình bào chế, bảo quản thuốc đông y nhất thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo hộ lao động và hàm lượng lưu huỳnh sử dụng khi sấy thuốc, đặt các lò sấy xa khu dân cư” - Tiến sĩ Thịnh lý giải.
Ngộ độc thuốc đông y hiện nay chưa có thuốc đặc trị
Theo các chuyên gia về sức khoẻ, ngộ độc thuốc đông y hiện nay chưa có thuốc đặc trị, đa số trường hợp nhập viện đều trong tình trạng rất nặng do chất độc ngấm vào cơ thể đã lâu. Do vậy, chế biến, bảo quản và sử dụng thuốc đông y sao cho đúng cách là vấn đề rất cần được quan tâm đối với cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng, nên mua thuốc có nguồn gốc rõ ràng, không nên mua các sản phẩm thuốc đã mất mùi, hay có mùi chua bởi có thể thuốc đã bị nhiễm quá nhiều lưu huỳnh hay nấm mốc. Giống như thuốc tây y, bất cứ loại thuốc đông y nào cũng có chống chỉ định và tương tác, việc tự ý uống nhiều loại thuốc cùng thời điểm cũng làm tăng nguy cơ ngộ độc và dị ứng thuốc. Tốt nhất bệnh nhân nên khám, mua thuốc tại các cơ sở tin cậy, có giấy phép hành nghề và được kiểm nghiệm thường xuyên, tuyệt đối không nên mua dược liệu đã bào chế trôi nổi trên thị trường, khi dùng thuốc cần tuân thủ theo chỉ định của lương y. Đơn thuốc phải ghi thành phần thuốc, hàm lượng thuốc cũng như liều lượng sử dụng.