Tối 25/11, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, vừa qua trên địa bàn ấp Trà Cổ, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom vừa xảy ra sự việc bé trai tử vong nghi do học theo trò chơi "Thử thách Momo".
Theo thông tin công an điều tra được, khoảng 20h30 ngày 21/11, cháu L ngồi xem tivi tại phòng khách cùng mẹ, anh trai và em trai của mình, sau đó bé vào nhà vệ sinh để đi tắm. Đến khoảng 21h cùng ngày không thấy bé ra khỏi nhà vệ sinh nên mẹ L. nói anh trai gọi nhưng không thấy L. trả lời.
Dự tính có điều chẳng lành, mẹ bé nhờ người phá cửa nhà vệ sinh thi thấy cháu L. treo lơ lửng ở sát tường, cổ quấn áo thun màu xanh dương đang mặc trên người còn cổ áo móc trên móc treo quần áo trong nhà vệ sinh. Gia đình lập tức đưa bé đi cấp cứu nhưng bé đã tắt thở và tử vong trước đó.
Theo cơ quan chức năng nghi vấn ban đầu cháu L. tử vong với tình trạng như trên có thể do học theo "Thử thách Momo" trên mạng xã hội.
Trước đó, vào năm 2019, trào lưu "Thử thách Momo" sau 1 thời gian vắng lặng đã quay lại, xuất hiện cả trên Youtube kids và những trò chơi dành cho trẻ em trên mạng xã hội. Trên thế giới đã ghi nhận hàng loạt trẻ nhỏ bị cuốn vào thử thách ghê rợn này. Nhân vật kinh dị thường ra lệnh cho những đứa trẻ tự làm hại bản thân và người khác, thậm chí là cả tự tử.
Ngoài Momo, thử thách Cá voi xanh (Blue Whale Challenge) một thời gian cũng làm phụ huynh bất an khi khá nhiều người trẻ đã làm theo thách thức và cuối cùng là tự kết liễu bản thân.
Theo đó, trào lưu Cá voi xanh được che đậy dưới dạng ứng dụng game trên mạng nên ít người để ý đến. Bên cạnh đó, các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube… cũng tràn ngập clip mời gọi tham gia trào lưu chết người này.
Ngoài ra, mạng xã hội Việt không ít lần xôn xao về những clip có nội dung phản cảm nhắm đến đối tượng trẻ em. Trong đó, diễn viên sẽ hóa trang thành các nhân vật hoạt hình quen thuộc như người nhện (Spiderman), nữ hoàng băng giá (Elsa)... nhưng lại thực hiện những hành động mang tính chất bạo lực, máu me thậm chí còn có nhiều phân cảnh gợi dục, hôn hít… Xem những đoạn clip này, đến cả người trưởng thành cũng cảm thấy đỏ mặt, đối với trẻ em lại càng nguy hiểm bởi chúng có thể bắt chước làm theo.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Khoa giáo dục tiểu học, Đại học sư phạm Hà Nội) từng chia sẻ, việc sử dụng mạng xã hội giống như việc vui chơi giải trí hay tìm kiếm thông tin giữa một "bãi rác khổng lồ". Những clip nhạy cảm, trò chơi nguy hiểm hoặc những lời xúi giục kích động, thậm chí là những lời rủ rê tham gia khủng bố, bạo lực như lực lượng IS luôn luôn tồn tại trên mạng xã hội mà trước nay các phụ huynh không biết. Rất có thể, do họ các phụ huynh còn thiếu thông tin hoặc chủ quan trước những cảnh báo của các chuyên gia giáo dục.
Nhiều phụ huynh lầm tưởng rằng cho con sử dụng các thiết bị điện tử, tham gia vào các mạng xã hội là trẻ sẽ dễ nghe lời. Khi trẻ còn nhỏ chưa đủ hiểu biết để phân loại và chọn lọc những thứ hữu ích cho mình giữa vô vàn các thể loại thông tin, phần mềm, clip,... thì việc để con một mình với thế giới trên internet là hành động nguy hiểm giống như cho con "dạo chơi" trên đường quốc lộ mà không có bất kể biện pháp an toàn nào.
Tiến sĩ Hương cũng cho rằng những người cha mẹ thực sự yêu con sẽ dành thời gian để chơi và dạy dỗ con thay vì "tống" cho con cái điện thoại hay ipad để rảnh rang làm việc của mình. Khi đã là cha mẹ, bạn cần hoàn thành trách nhiệm, nuôi dạy, chăm sóc con của mình thay vì oán trách một xã hội không an toàn.