“Sống ảo” tàn phá thiên nhiên
Làng chài Rạch Vẹm thuộc xã Gành Dầu (đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) được cộng đồng mạng truyền nhau tên gọi “vương quốc sao biển” bởi nơi đây là “nhà” của hàng ngàn con sao biển đỏ. Đến mùa, chúng kéo hàng đàn lên bãi biển trông rất đẹp mắt. Hình ảnh này được chia sẻ qua nhiều clip giới thiệu, quảng bá trên báo, mạng khiến người người nườm nượp tìm đến thưởng thức cảnh đẹp và “sống ảo” cùng sao biển.
Những ngày qua, các diễn đàn du lịch Phú Quốc truyền nhau hình ảnh sao biển ở Rạch Vẹm chết khô trên bãi cát. Theo thông lệ, ngư dân vùng này mỗi lần thả lưới có thể vớt lên hàng chục con sao biển nhưng họ thường thả trở lại nước, không phơi khô để bán như các nơi khác. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên yêu cầu lực lượng làm nhiệm vụ ven biển, chủ quán và bảo vệ các quán ăn uống gần đó hướng dẫn du khách thả sao biển xuống nước sau khi bắt chúng lên chụp ảnh.
Có ý kiến cho rằng nguyên nhân khiến sao biển chết khô có thể do theo thủy triều lên bãi biển vào buổi sáng. Khi nước rút, sao biển chết đi vì kẹt lại trên bãi cát. Nhưng Bí thư, Chủ tịch UBND xã Gành Dầu Huỳnh Hữu Định đã khẳng định với báo chí, sao biển chết khô trên bãi cát ở Rạch Vẹm là do du khách bắt chúng lên để chụp ảnh nhưng không thả lại biển, không có việc sao biển mắc cạn sau khi triều cường rút.
Đáng nói, không phải lần đầu tiên hành vi nhặt sao biển ra khỏi nước bị lên án. Trước sự việc này ở Phú Quốc, đã có những ý kiến phản ánh tại đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), các du khách khi lặn ngắm san hô đã được hướng dẫn viên nhắc nhở không nhặt bất cứ thứ gì dưới biển. Thế nhưng, khi trở lại bờ, không ít du khách vẫn “bỏ túi” vài con sao biển.
Theo các nghiên cứu khoa học, hành vi bắt một con sao biển ra khỏi nước trực tiếp đe dọa đến mạng sống của nó bởi vì sao biển chỉ có thể thở dưới nước. Hầu hết, các loài sao biển không thể sống hơn 3 - 5 phút ngoài môi trường nước, trong số đó nhiều loài thậm chí không thể chịu quá 30 giây.
Cần xử lý nghiêm
Phần đông cộng đồng mạng đều cho rằng, dù vô tình hay cố ý, việc nhấc sao biển ra khỏi mặt nước là điều không nên làm và cần phải dừng lại. Theo đó, rất nhiều bức ảnh “check-in”, bày sao biển lên cát đã bị “đào lại”, không ít người nổi tiếng cũng bị “réo tên” để lên án như Quỳnh Anh Shyn, An Vy,… Nhiều người thậm chí không ý thức được hành vi của họ có thể giết chết những sinh vật đó chỉ vì một vài cảnh quay, vài bức ảnh đẹp, hoặc vì sở thích cá nhân.
Ngoài ra, dư luận cũng lên án nhiều hành vi khác trực tiếp phá hoại cảnh quan, môi trường tự nhiên như xả rác thẳng ra biển, ngồi hoặc dậm chân lên các rạn san hô, tuỳ tiện cho động vật biển ăn,…
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng các hành vi vô ý thức, tàn phá tự nhiên phải được xử lý nghiêm, để răn đe những người khác. Nghị định 45/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch có quy định, khách du lịch sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu có các hành vi vi phạm như: Không thực hiện nội quy, quy định của khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch; ứng xử không văn minh; không tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương nơi đến du lịch.
Thực tế ghi nhận, những trường hợp xử phạt du khách vô ý thức nói chung, du khách hành xử không đúng với loài sao biển nói riêng, vẫn chưa nhiều. Hầu hết các hành vi mới chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở. “Trách nhiệm” nhắc nhở lại thường thuộc về người dân ven biển, như nhắc khách đem sao biển trở lại nước khi vớt chúng lên cạn. Tuy nhiên, có thể thấy “giải pháp” này chưa đủ sức răn đe với du khách vi phạm.
Giải quyết hiện trạng này đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Không chỉ tuyên truyền, nhắc nhở du khách ý thức tôn trọng văn hóa, bảo vệ thiên nhiên; các cơ quan chức năng còn nên áp dụng các quy định, quy chế xử lý những hành vi vi phạm, nhằm cảnh cáo, răn đe các hành vi tương tự sau này.