Sau khi Báo PLVN online đăng bài: “Hà Nội ngập nặng sau mưa: Nước đọng lại, tiền “ chảy” đi đâu”, nhiều bạn đọc bày tỏ lo lắng về tai nạn điện trong mùa mưa có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng cơ quan chức năng chưa có biện pháp bảo vệ hữu hiệu…
Cần qui trách nhiệm nếu không báo cắt điện
Theo tìm hiểu của phóng viên, khi mưa to, gió lớn và bất ngờ, điện lực không thể kiểm soát ngay được những vùng nào ngập, nên việc cắt điện hoàn toàn phụ thuộc vào tin báo của cơ quan thoát nước, người dân, phường hoặc tự mình dự đoán những vùng có thể ngập theo kinh nghiệm.
Điện hở ngoài đường, Điện lực mới chịu trách nhiệm? |
Trận mưa ngày 13/7 vừa qua, hơn 1 tiếng sau khi mưa, điện lực Hà Nội đã cắt khẩn cấp 16 lộ đường dây trung thế, nhằm đảm bảo an toàn điện cho người dân khi mưa lớn gây ngập úng nhiều khu vực trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Nhưng hai địa bàn có người bị điện giật chết là Ngọc Hà và Trương Định, dù bị ngập nặng, nước vào nhà, điện vẫn không cắt, chứng tỏ điện lực không có tin báo.
Nhiều người dân ở đây cho biết, sau khi tai nạn xảy ra, nhận được tin báo, điện lực mới cắt điện những khu vực này. Một cán bộ điện lực Hà Nội cho rằng, thông thường các năm bị ngập nặng là những khu vực như Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Từ Liêm….còn Ba Đình ngập trong trận mưa vừa qua quả là bất ngờ. “Năm 2008, mưa cả tuần, lượng mưa 500mm, Ba Đình không ngập, còn trận mưa vừa qua chỉ 130mm trong 2 tiếng mà Ba Đình ngập nặng ở trước lăng Bác, Đào Tấn là rất bất thường, đối với khả năng thoát nước của thành phố”, vị cán bộ này nói.
Được biết, hiện điện lực chỉ chịu trách nhiệm trên hệ thống của mình quản lý, tức là phía trước công tơ, còn phía sau công tơ trách nhiệm an toàn thuộc về người sử dụng điện. Nếu cắt của một hộ dân sẽ ảnh hưởng lớn đến cả khu vực. Mặt khác, nếu có sự cố như mưa bão, cán bộ điện không thể nắm hết được các điểm ngập. Đó là những lý do điện lực giải thích cho việc một số điểm dù bị ngập nhưng điện chưa cắt được ngay.
Chính vì sự bị động trong cắt điện này, một người dân chua chát nói: “nắng thì chủ động cắt cái rụp, không cần hỏi ai. Còn mưa lại bị động chờ báo mới cắt, hỏi sao dân không luôn thiệt. Hệ thống thoát nước thì năm trước ngập nặng hơn năm sau, dân biết bảo vệ mình như thế nào?”
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cần có một cơ chế phối hợp nào đó thật chặt chẽ để bảo vệ tối đa cho người dân. “Tôi nghĩ, nếu dân không báo thì chính quyền phường sở tại, đặc biệt là cơ quan thoát nước phải báo ngay cho điện lực cắt khi nước ngập, điện có thể gây nguy hiểm. Và phải qui trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị”, bà Nguyễn Thị Bính, giáo viên nghỉ hưu ở Giảng Võ nói.
Tự bảo vệ mình trước khi chờ người khác
Trước sự rồi rắm về trách nhiệm như vậy, người dân phải làm gì để bảo vệ mình mỗi khi mưa to, gió lớn.
Theo ông Bùi Văn Chiểu, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thì việc một số nhà xây tầng hầm bị ngập rất nguy hiểm, có trường hợp không cắt được điện do bố trí cầu dao ở tầng hầm này. Vì vậy khi thiết kế phải đảm bảo an toàn cho vận hành điện của tòa nhà, nếu đã “lỡ” thì cần điều chỉnh ngay. Còn theo TS Vật lý Nguyễn Văn Khải thì rất nhiều gia đình hiện nay chưa chú ý đến an toàn điện trong gia đình trước những sự cố ngập nhà, cháy nổ...
Trước khi quy trách nhiệm, người dân nên tự bảo vệ mình |
“Cần đảm bảo các ổ cắm điện đều ở trên cao, tránh bị ngập khi mưa lớn. Sử dụng những ổ cắm nối dài, cần chú ý dây điện nằm sát mặt đất, dễ bị ẩm ướt, rò điện. Khi có mưa lớn, nền nhà bị ngập nước thì nên ngắt hệ thống điện để bảo đảm an toàn. Nếu lỡ xảy ra sự cố có người bị điện giật khi nhà ngập nước, cần nhanh chóng đẩy nạn nhân ra khỏi vật dẫn điện.” Ông Khải khuyến cáo.
Ngay sau sự cố 3 người chết vì điện, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội khuyến cáo các cơ quan, xí nghiệp, địa phương và nhân dân tiến hành kiểm tra hệ thống cung cấp điện thường xuyên. Nếu thấy không đảm bảo an toàn cần sửa chữa, thay thế ngay. Những khu vực có đường dây đi qua cần kiểm tra, không để điện truyền ra nhà cửa, cây cối, hàng rào hay xuống nước. Khi mưa to, gió lớn, nếu phát hiện thấy các hiện tượng bất thường như: Dây tải điện rơi xuống, cây cối đổ vào đường dây điện, trạm điện, cột điện đổ, sứ vỡ, phóng điện, trạm điện bị ngập nước cần báo ngay cho EVN HANOI theo số điện thoại 22222000 hoặc chính quyền, Công an địa phương gần nhất.
Hà Linh