Căng thẳng Ấn - Trung có thể lan thành chiến tranh?

Lính Trung Quốc và Ấn Độ ở một chốt biên phòng thuộc bang Sikkim của Ấn Độ năm 2008
Lính Trung Quốc và Ấn Độ ở một chốt biên phòng thuộc bang Sikkim của Ấn Độ năm 2008
(PLO) - Các nhà phân tích cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đạt được thỏa thuận để giải quyết căng thẳng biên giới kéo dài suốt hơn 1 tháng qua. Song, họ cũng không loại trừ khả năng tranh cãi có thể gia tăng thành một cuộc chiến tranh…

Con đường – nguồn cơn của căng thẳng

Tâm điểm tranh cãi giữa Ấn Độ và Trung Quốc hiện nay là một con đường nằm ở điểm giao nhau giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan ở dãy Himalaya. Tranh cãi bùng lên hồi tháng trước, khi Bhutan – nước đồng minh thân cận của Ấn Độ - phát hiện các công nhân Trung Quốc đang mở rộng con đường. Ấn Độ phản ứng bằng cách điều binh lính và thiết bị tới để dừng việc xây dựng. Trung Quốc cũng lên án động thái của Ấn Độ và yêu cầu New Delhi lập tức rút quân.

Hiện, binh lính của cả 2 bên vẫn đang thủ thế tại vị trí đóng quân chỉ cách nhau vài trăm mét và căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ông Jeff M. Smith, một học giả tại Hội đồng chính sách đối ngoại Mỹ, chuyên nghiên cứu về quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc, cho rằng nhiều khả năng các nước sẽ đạt được thỏa thuận. Nhưng ông cũng không loại trừ khả năng tranh cãi hiện tại có thể gia tăng thành một cuộc chiến tranh. Bởi, ông cho rằng, cho đến nay, 2 nước đều đưa ra lập trường rất cứng rắn, khiến họ khó có thể rút lui. Ngoài ra, ông cũng cho rằng những thông điệp mà 2 bên đưa ra hiện nay với những tuyên bố khi 2 nước xảy ra chiến traNh năm 1962 cũng vì tranh chấp biên giới “giống nhau một cách kỳ lạ”.

Theo New York Times, nguồn gốc của tranh cãi hiện nay nằm ở việc các cách diễn giải khác nhau đối với thỏa thuận biên giới năm 1890 giữa 2 đế chế hiện đều đã không còn tồn tại là Anh và triều đình nhà Thanh đã đưa đến cách xác định đường biên giới khác nhau giữa Trung Quốc và Bhutan. Trong đó, Bhutan cho rằng thỏa thuận khẳng định khu vực mà 2 nước đang tranh chấp thuộc quyền kiểm soát của Bhutan còn Trung Quốc thì lại một mực khẳng định quyền này là của Trung Quốc. Ấn Độ ủng hộ quan điểm của Bhutan. “Chính điều này đã dẫn đến việc cả Trung Quốc và Bhutan đều có lập trường hợp lý trong tranh chấp”, ông Ankit Panda, một nhà báo chuyên về các vấn đề châu Á ở tờ The Diplomat, cho hay.

Bhutan cho đến nay không duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc và luôn có quan hệ gần gũi với Ấn Độ. Trong những năm gần đây, Ấn Độ thường xuyên duy trì viện trợ kinh tế và thương mại với tổng giá trị gần 1 tỉ USD cho Bhutan. Trung Quốc hiện cũng đang tìm cách “ve vãn” Bhutan với việc đưa ra nhiều đề nghị viện trợ, đầu tư và trao đổi đất đai hấp dẫn nhằm hướng tới dàn xếp tranh chấp biên giới giữa 2 nước.

Nguyên nhân sâu xa

Bhutan và Ấn Độ hiện cho rằng, Trung Quốc với việc mở rộng đường đang tìm cách để mở rộng quyền kiểm soát khu vực Cao nguyên Dolam, một phần của khu vực tranh chấp lớn hơn. Chỏm cực nam của cao nguyên này chạm tới một thung lũng được các nhà địa lý gọi là Hành lang Siliguri nhưng các chiến lược gia Ấn Độ gọi đây là Cổ gà. Đây là một dải đất hẹp trong lãnh thổ Ấn Độ, có những điểm chỉ rộng khoảng hơn 30km nhưng lại là điểm kết nối hàng loạt những trung tâm của nước này với các bang phía đông bắc. Ấn Độ từ lâu lo ngại rằng, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Trung Quốc có thể chia cắt hành lang này, đồng nghĩa với việc tách 45 triệu người Ấn Độ với một phần đất nước có diện tích bằng nước Anh. 

Theo các nhà phân tích ở cả Trung Quốc và Ấn Độ, có ít nước trong khu vực tỏ ra sẵn sàng đối phó với tham vọng của Trung Quốc bằng sức mạnh quân sự. Vì thế nên phản ứng của Ấn Độ với hoạt động xây dựng của Trung Quốc trở nên nổi bật và đầy nguy hiểm. Đặc biệt, động thái này diễn ra khi Trung Quốc và Ấn Độ thời gian qua có những hành động thể hiện sự không bằng lòng với nhau. 

Trong những tháng gần đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tỏ ý rằng ông sẵn sàng phản bác ý muốn của Trung Quốc và phớt lờ những đe dọa từ Bắc Kinh. Tháng 5 vừa qua, Ấn Độ cũng đã tẩy chay sự kiện khởi động dự án “Vành đai và con đường” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng với lý do dự án này đã bỏ qua những lo ngại chủ yếu của Ấn Độ về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tranh cãi biên giới giữa 2 nước gia tăng khi ông Modi đang ở thăm Mỹ. Tại Hội nghị thượng đỉnh của nhóm G20 diễn ra ở Đức hôm đầu tháng, cả ông Modi và ông Tập đều tham dự đã không tiến hành cuộc họp bên lề - vốn được nhiều người xem là cơ hội để 2 bên hạ nhiệt những căng thẳng. 

Giới chức Trung Quốc nói rằng việc xây dựng con đường là vấn đề nội bộ vì theo phía Trung Quốc, nó diễn ra trong phạm vi biên giới Trung Quốc. Phát biểu ngày 25/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhắc lại cảnh báo với Ấn Độ rằng nước này phải rút binh lính để làm tiền đề cho các cuộc thảo luận về biên giới giữa 2 nước về sau. 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.