Chất thải gồm những gì?
Trước đó, trả lời PLVN, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc ANĐ2 từng khẳng định, với quy mô hai nhà máy có công suất 2.400MW, thì tàu cấp than cho Trung tâm Điện lực Quảng Trạch trong tương lai phải là loại có tải trọng 7 - 10 vạn tấn.
“Vì thế, phải điều chỉnh vị trí cảng nhận than từ khu vực Hòn La sang Mũi Độc nhằm phù hợp với quy mô dự án. Tiến độ xây dựng cảng than cũng sẽ được thực hiện đồng bộ với tiến độ của nhà máy”, ông Thành nói.
Để chuẩn bị cho công tác thi công hạng mục nói trên, ngày 7/4/2017, ANĐ2 đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình giới thiệu địa điểm bãi thải trên biển để phục vụ việc nhấn chìm khối lượng thi công, nạo vét cảng than khoảng 2,5 triệu m3; đồng thời chủ đầu tư cũng xin giới thiệu địa điểm trên bờ với sức chứa khoảng 1 triệu m3 phục vụ việc san lấp mặt bằng.
“Xin nói rõ rằng, ở đây không phải chất thải từ nhà máy mà là cát và đất trong quá trình thi công. Cụ thể, đối với hạng mục nạo vét cảng ở khu vực Mũi Độc là cát dưới biển lấy lên rồi đem đi nơi khác. Còn ở hạng mục san lấp mặt bằng là phần đất bóc hữu cơ và phần đào đất hố móng trên thực địa muốn chuyển đi”, Phó Giám đốc ANĐ2 Lê Anh Đức giải thích.
Cũng theo người đại diện của chủ đầu tư, về mặt thủ tục, EVN phải có văn bản báo cáo, đề nghị địa phương giới thiệu địa điểm, sau đó sẽ tổ chức lặn biển thăm dò, lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường và thuyết trình nó trước các cơ quan chức năng, rồi mới chính thức thực hiện.
“Dự kiến, khối lượng xin đem ra biển là như vậy, nhưng trong quá trình san lấp mặt bằng nếu thấy cần thiết và phù hợp, chúng tôi sẽ sử dụng một phần cát nạo vét được ở dưới biển tại khu vực cảng than đưa lên bờ để đắp nền”, ông Đức nói thêm.
Có thời điểm, hai Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cùng chỉ đạo triển khai Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch |
Dự kiến cách bờ biển 5 hải lý
Được biết, sau khi EVN có văn bản đề nghị giới thiệu địa điểm, mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang đã giao Sở Công thương tỉnh này làm đầu mối, phối hợp với ANĐ2, đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan xem xét đề xuất nêu trên của đại diện chủ đầu tư.
“Việc thải ở đây thực chất là mang cát biển từ vị trí này sang vị trị khác trong lòng biển để tại khu vực cảng than ở Mũi Độc và luồng lạch thuận tiện hơn khi tàu biển ra vào cấp than cho nhà máy. Dự kiến, bãi thải này sẽ nằm cách bờ khoảng 5 hải lý”, ông Phan Văn Thường - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Bình xác nhận với PLVN.
Liên quan đến việc phối hợp điều chỉnh Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I, ông Thường nói các cơ quan chức năng của tỉnh đã kiểm tra và bước đầu khẳng định đảm bảo đủ nước ngọt, và đã có phương án đảm bảo điện phục vụ việc bơm cấp nước cho dự án.
Vẫn vấn đề này, Giám đốc Thường cho biết thêm, hôm đầu tuần, ông đã họp bàn và “chốt” phương án tiêu thụ khoảng 660 ngàn tấn tro xỉ/năm khi 2 nhà máy ở đây đi vào hoạt động, với 2 công ty xi măng lớn nhất ở Quảng Bình - để làm nguyên liệu đầu vào sản xuất vật liệu xây dựng.
“Chúng tôi ký thoả thuận với Xi măng Sông Gianh và Xi măng Văn Hoá. Cụ thể, Sông Gianh cần 500 ngàn tấn tro xỉ/năm còn “anh” Văn Hoá có khả năng tiêu thụ gần 460 ngàn tấn/năm. Như vậy, lượng tro xỉ Nhiệt điện Quảng Trạch thải ra ít hơn so với nhu cầu thực tế của 2 cơ sở xi măng này”, lời ông Thường.
Theo cam kết trước đó giữa EVN và Quảng Bình, tháng 12/2017, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I sẽ chính thức được khởi công, năm 2021 sẽ hoàn thành và phát điện thương mại tổ máy đầu tiên; 3 năm sau, sẽ hoàn thành toàn bộ Dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch.
Về phía địa phương, lãnh đạo Quảng Bình từng nhiều lần nhấn mạnh sẽ tạo mọi điều kiện cho chủ đầu tư, bởi tỉnh này xác định đó là dự án động lực, giúp tăng thu ngân sách cho địa phương trong vài năm tới.