Nhà Lớn (hay còn gọi là Đền Ông Trần, tại xã Long Sơn TP Vũng Tàu) được công nhận Di tích Lịch sử- Văn hóa cấp nhà nước năm 1991 hiện đang rơi vào cảnh tranh chấp gay gắt về quyền điều hành…
Mâu thuẫn
Thành phần Ban Điều hành Nhà Lớn gồm 10 người, trong đó có bà Lê Thị Kiềm (đại diện Tông chi thứ nhất) và bà Lê Thị Đến (đại diện Tông chi thứ hai) cùng 8 vị Hương chức hoạt động và duy trì hàng trăm năm theo truyền thống cha truyền con nối, được bá tánh đồng thuận và Nhà nước thừa nhận.
Tuy nhiên, thời gian gần đây nội bộ Nhà Lớn phát sinh mâu thuẫn trầm trọng bởi một nhóm ủng hộ bà Kiềm, một nhóm ủng hộ bà Đến. Đỉnh điểm là khi bà Đến được Ban Điều hành phân công soạn thảo Quy chế hoạt động thì bà Kiềm phẩn ứng không đồng ý để bà Đến làm việc này.
Bà Kiềm đã tổ chức cuộc họp gia tộc và bá tánh cùng đại diệc cơ quan, chính quyền xã đưa ra quan điểm là không cần thiết duy trì Ban điều hành, đồng thời quy định từ ngày 9/4/2006, bà Đến không được vào Nhà Lớn điều hành và không được xưng danh Ban Điều hành Nhà Lớn như trước đây.
Mới đây, trong buổi giao ban báo chí do Tỉnh ủy BRVT tổ chức, ông Võ Ngọc Minh- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nêu quan điểm: “Chính quyền chỉ nên quản lý về mặt Nhà nước đối với các Di sản văn hóa nói chung. Đối với Nhà Lớn Long Sơn giải quyết việc cơ cấu Ban điều hành theo truyền thống gia tộc, cha truyền con nối như đã tồn tại từ xưa đến nay là hợp lý, hợp tình…” |
Kể từ đây, giữa nhóm ủng hộ bà Đến và nhóm ủng hộ bà Kiềm liên tục xảy ra mâu thuẫn; nhóm ủng hộ bà Kiềm có ý loại bỏ bà Đến ra khỏi sự quản lý của Nhà Lớn; còn phía bà Đến phản ứng việc làm lạm quyền, trái truyền thống của Đạo Ông Trần do phía bà Kiềm gây ra.
Vì vậy, ngày 16/4/2006, một số Kỳ Lão (Hương chức Nhà Lớn) đã có đơn gửi cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Ngày 18/4/2006, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có công văn với quan điểm vẫn duy trì Ban điều hành Nhà Lớn. Thế nhưng, bà Kiềm không đồng ý và tổ chức cuộc họp (lần 2) vào ngày 26/4/2006, vẫn bảo lưu quan điểm của mình như đã nêu tại cuộc họp lần thứ nhất.
Từ những quan điểm “lệch pha” nên mâu thuẫn giữa các chi, phái đời xảy ra ngày càng gay gắt. Phía bà Kiềm kiên quyết đòi xóa bỏ Ban Điều hành Nhà Lớn và cho rằng bà được quyền thừa kế Nhà Lớn, mọi hoạt động ở đây phải do bà định đoạt. Bức xúc về cách ứng xử của bà Kiềm, nhiều người trong Nhà Lớn tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo bà Kiềm có hành vi cực đoan, thâu tóm quyền điều hành Nhà Lớn để đặc lợi…
Giải quyết theo hướng nào?
Bảo tàng Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản đề nghị UBND TP. Vũng Tàu công nhận Ban Điều hành Nhà Lớn trước đây là tổ chức hợp pháp của Nhà Lớn, thành phần gồm tông chi ông Phuông (1 người), tông chi ông Thiềng (1 người) và 08 vị Hương chức…. Ngày 9/12/2009, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 328 “ giữ nguyên ban điều hành của Nhà Lớn như đã duy trì từ trước đến nay, Ban Điều hành có trách nhiệm đứng ra gỉải quyết các vấn đề tại di tích Nhà Lớn…”
Trong khi UBND TP Vũng Tàu triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh thì bà Kiềm tiếp tục có đơn khiếu nại và đề nghị UBND TP Vũng Tàu tổ chức cuộc họp gồm bá tánh và đại diện chính quyền và cơ quan chức năng để thống nhất cử các thành viên tham gia quản lý di tích Nhà Lớn…
Việc đề nghị của bà Kiềm là trái với chỉ đạo của UBND tỉnh; Lẽ ra, UBND TP Vũng Tàu phải giải thích cho bà Kiềm biết để thực hiện, hoặc bác đơn khiếu nại thì cơ quan này lại chấp nhận và đề xuất cấp tỉnh giải quyết theo kiến nghị của bà Kiềm. Ngày 7/6/2011, UBND tỉnh lại “chiều” theo ý kiến thành phố và ký văn bản số 2892 có nội dung chỉ đạo UBND TP Vũng Tàu thực hiện những vấn đề trái ngược với quan điểm ban đầu của UBND tỉnh và của Bảo tàng tỉnh cũng như Luật Di sản văn hóa.
Chính từ cách giải quyết thiếu đồng bộ, “tiền hậu bất nhất” dẫn tới tình trạng khiếu kiện kéo dài. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng tỉnh Bà rịa – Vũng Tàu và TP Vũng Tàu cần có sự thống nhất, chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc tranh chấp quyền điều hành tại di tích Nhà Lớn, tránh khiếu kiện kéo dài.
Tuấn Sơn