[links()]Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh sau nhiều năm được giao đất, dự án bến phà, đò Điện Biên (tại thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Kim Phát không hề khởi động mà sử dụng đất vào mục đích khác. Sau khi bài báo nêu, Thanh tra tỉnh đã vào cuộc và kiến nghị hoàn tất thủ tục để mở bến phà. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn bỏ hoang, việc sử dụng đất sai mục đích còn ngang nhiên hơn trước.
Bỏ mặc dự án bến phà, đò, chủ dự án sắm thuyền chở khách trái phép. |
Bỏ dự án bến phà đi chở đò “chui”
Sau thời điểm báo phản ánh, tháng 10/2011, Thanh tra tỉnh Ninh Bình đã vào cuộc và kết luận chưa có cơ sở khẳng định bến phà, đò Điện Biên không hoạt động. Thanh tra cũng cho rằng, dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng và do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn nên thời gian hoàn thành dự án chậm hơn so với kế hoạch.
Kết luận như vậy là thiếu khách quan vì tại thời điểm đó, sau một năm rưỡi được thuê đất, dự án chẳng hề triển khai gì, vậy căn cứ vào đâu mà nói “vấp” khó khăn? Dư luận tiếp tục bình tĩnh chờ đợi xem dự án “đang trong quá trình đầu tư” sẽ cho ra ra hình thù như thế nào nhưng đến thời điểm hiện tại, sau gần hai năm có kết luận thanh tra, dự án vẫn im lìm, không triển khai bất cứ hạng mục gì liên quan đến bến phà, đò. Hiện tại, mặt bằng dự án vẫn là các hồ nuôi tôm do chủ đầu tư đào để nuôi như báo phản ánh trước đây.
Ngoài ra, còn là nơi tập kết cát để bán. Diện tích còn lại được chủ đầu tư sử dụng để cấy lúa. Trước khi đất bị thu hồi cho dự án, người dân ở đây cũng sử dụng đất để nuôi tôm và cấy lúa. Vì là đất bãi bồi nằm ven cửa sông Đáy nên rất thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản và cấy lúa, thậm chí là nơi “hốt bạc” khi nước lên tràn vào bãi bồi đưa theo các loại tôm cá, rươi, mực…
Phản ánh tới báo Pháp luật Việt Nam, ông Bùi Duy Hiếu, xã Kim Tân cho biết: “Cho đến nay không có gì gọi là dự án bến phà đò đang được làm. Ông Trần Sơn, chủ doanh nghiệp tư nhân được giao làm dự án đã làm bãi buôn bán cát và đào ao thả tôm, còn lại thì trồng lúa. Bãi cát đổ lung tung cao tới hơn 2 mét đã làm sập hoàn toàn ngôi nhà của tôi và tôi đã có đơn phản ánh tới cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết”.
Để “thâm canh” tại khu vực dự án, chủ dự án còn mua đò tạm để chở khách qua sông ngay tại vị trí được phê duyệt đầu tư dự án trước sự ngỡ ngàng, bức xúc của người dân.
Ông Trần Văn Dũng ( xã Cồn Thoi) bức xúc cho biết: “Trước đây, tôi có con đò chở khách qua sông ở đoạn sông này nhưng đã bị người của doanh nghiệp này đuổi đánh không cho và phá nát lều trông đò của tôi. Họ ngang nghiên giành quyền chở khách của tôi. Tại sao dự án không tập trung mà làm lại đi tranh giành “miếng cơm” với người dân. Đò của họ cũng chạy “chui”, không có giấy phép mà chính quyền vẫn làm ngơ?’.
“Chúng tôi sẽ kiểm tra”
Trao đổi với phóng viên Pháp luật Việt Nam về thực trạng dự án đang gây bức xúc dư luận trên địa bàn, ông Mai Văn Thanh, phó chủ tịch UBND huyện Kim Sơn thừa nhận: “Đò chở tạm là của doanh nghiệp đầu tư dự án nhưng chưa có giấy phép chở khách và chính quyền đã đình chỉ hoạt động hai tháng nay”. Sau khi phóng viên khẳng định hiện tại đò vẫn hoạt động và dự án bị biến thành bãi bán vật liệu, nuôi tôm, ông Thanh nói: “ Sẽ kiểm tra lại sự việc này”.
Thế nhưng, ông Thanh khẳng định, dự án vẫn triển khai tiếp nhưng đang bị vướng do chưa thống nhất được với UBND huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định- địa bàn “dính” 1 đầu của bến phà- về việc mở bến phà. Đây cũng là tồn tại duy nhất, đã được Thanh tra tỉnh Ninh Bình chỉ ra tại kết luận năm 2011 đã nêu trên và kiến nghị UBND huyện Kim Sơn thống nhất với huyện Nghĩa Hưng để hoàn tất thủ tục mở bến phà. Nhưng đã gần hai năm qua kiến nghị này vẫn nằm trên giấy.
Như chúng tôi đã phân tích, dự án không có tính khả thi. Mục đích của dự án là nhằm kết nối giao thông giữa hai huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) và Kim Sơn (Ninh Bình), nhưng điều tra của phóng viên cho thấy, mỗi ngày tại vị trí xây bến phà chỉ lác đác vài người có nhu cầu qua lại sông, những ngày lễ, tết thì vắng tanh. Phải chăng, nhìn thấy được “tiền đồ” đó mà doanh nghiệp không mặn mà đầu tư, cố giữ đất để khai thác kiểu “cò con” như nêu trên và tất cả lý do đổ tại “huyện bạn” chưa thống nhất?.
Dự án này được miễn tiền thuê đất trong hai năm đầu. Nhận định về những bất thường của dự án này, luật sư Ngọc Hà, Văn phòng luật sư Đa Phúc cho rằng: “Cho dù dự án thuê đất nhưng sử dụng sai mục đích, thời hạn đầu tư kéo dài như thế sẽ phải bị thu hồi. Việc chưa thống nhất với chính quyền huyện bên cạnh đã vội vàng “duyệt” dự án này cũng là chuyện khó hiểu, không đúng trình tự”.
Báo Pháp luật Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình nghiêm túc xem xét lại dự án bến phà đò Điện Biên, nếu không khả thi cần thu hồi dự án, không để doanh nghiệp tùy tiện sử dụng đất sai mục đích, trong khi người dân liên tục khiếu kiện đòi trả lại đất sản xuất.
PV