Cuối tuần qua, tại Cần Thơ, Ban Kinh tế TW phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đây là một sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt đối với TP Cần Thơ, với mục đích tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo địa phương và DN cùng trao đổi, thảo luận về các quan điểm, cơ chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội thảo cung cấp thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổng kết Nghị quyết 45-NQ/TW, ngày 17/02/2005 của Bộ Chính trị về "xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và đề ra các phương hướng phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Trần Quốc Trung, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW, kinh tế thành phố tăng trưởng khá, giai đoạn 2006 - 2019 đạt mức bình quân 7,23%/năm, cao hơn mức tăng trung bình cả nước; năm 2019, quy mô nền kinh tế tăng 7 lần so với năm 2005; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 88,3 triệu đồng, tăng 7 lần so với năm 2005; ngân sách cân đối và có điều tiết về Trung ương; quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng.
Văn hóa - xã hội đạt nhiều tiến bộ, từng bước khẳng định vai trò trung tâm vùng ĐBSCL ở một số lĩnh vực như: giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học - công nghệ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn 0,66% vào cuối năm 2019, đạt mức thấp nhất vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW còn một số mặt chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Cần Thơ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng thấp, đang là điểm nghẽn trong liên kết, phát triển vùng; nguồn lực đầu tư hạn chế; sản xuất nông nghiệp chưa theo hướng hiện đại…Cần Thơ chưa thật sự là hạt nhân, là trung tâm, là động lực phát triển, có sức lan tỏa mạnh mẽ của vùng ĐBSCL.
Để đảm bảo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Trực thuộc TW thời gian tới, thực hiện chương trình làm việc của Bộ Chính trị năm 2019, Ban Bí thư ra Quyết định 206-QĐ/TW, ngày 20/9/2019 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, giao Ban Kinh tế TW là cơ quan Thường trực giúp Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xứng đáng là Thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, thực hiện sứ mệnh dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác trong Vùng.
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Kinh tế TW cũng nhấn mạnh, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, Cần Thơ đã đạt được các kết quả to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực từ phát triển kinh tế- xã hội tới đảm bảo quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh nhưng điểm đã đạt được, Cần Thơ chưa hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp và trung tâm của vùng ĐBSCL như Nghị quyết đã đề ra.
Về định hướng phát triển Cần Thơ thời gian tới, Trưởng ban Kinh tế TW Nguyễn Văn Bình đề nghị phát triển Cần Thơ không thể tách rời và cần gắn chặt với vùng ĐBSCL; Phát triển Cần Thơ phải vì vùng ĐBSCL và vùng ĐBSCL vì Cần Thơ, từ đó xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị trung tâm vùng.
Trưởng ban Kinh tế TW đề nghị phát triển cần phải thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nhằm tăng cường kết nối với các địa phương; Phát triển công nghiệp cần lựa chọn lĩnh vực phù hợp với đặc thù của thành phố, vừa phù hợp với tư cách là một trung tâm của vùng; Phát triển Cần Thơ trở thành trung tâm cung cấp các dịch vụ và giải pháp khoa học công nghệ có giá trị gia tăng cao cho vùng trên mọi lĩnh vực đặc biệt về nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo; Tận dụng nguồn lực nội tại về đất đai và con người đang nằm trong nông nghiệp hiện nay để khai thác tối ưu nguồn tài nguyên này phục vụ phát triển công nghiệp và dịch vụ nhằm phát triển Cần Thơ tới 2030 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại theo xu hướng phát triển chung của cả nước.
Trưởng ban Kinh tế TW cũng lưu ý, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với đào tạo nguồn nhân lực, vốn được coi là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của Cần Thơ và vùng ĐBSCL; Thu hút DN để gắn việc đào tạo với sản xuất và thu hút nguồn lao động tại địa phương, tránh việc di chuyển lao động sang khu vực khác gây ra nhiều vấn đề về xã hội như hiện nay…