Chiều ngày 21/02/2020, Ban Kinh tế TW phối hợp với Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội nghị cho ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ Sơn La lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Báo cáo tại Hội nghị, Ủy viên Dự khuyết TW, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Đáng, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng.
Kinh tế duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm đạt 6,18%/năm.
Quy mô kinh tế tiếp tục tăng lên; tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành năm 2020 ước đạt 55.590 tỷ đồng, tăng 1,53 lần so với năm 2015, đứng thứ 5/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 43,9 triệu đồng/người/năm, tăng 13 triệu đồng so với năm 2015, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIV đề ra.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng. Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển công nghiệp theo hướng sản xuất, chế biến sâu gắn với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Các hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá…
Bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có những chuyển biến tích cực…
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế TW Nguyễn Văn Bình đã lưu ý, Sơn La là một tỉnh trọng điểm bảo đảm hệ sinh thái cho đồng bằng Bắc bộ nói riêng và phía Bắc nói chung.
“Thủy điện ở đây, nguồn nước ở đây không đảm bảo được môi trường thì Sơn La bị hại ít, cả vùng đồng bằng bị hại nhiều. Tỉnh nói phát phát triển xanh nhưng không chỉ riêng cho Sơn La mà cả nước. Vì vậy mục tiêu của Sơn La là phát triển xanh….”, Trưởng ban Kinh tế TW nhấn mạnh.
Từ đó, ông gợi ý, nhìn về kinh tế, từ phát triển xanh thì kinh tế phải lấy nông nghiệp thân thiện với môi trường.. Phát triển cây ăn trái và một số cây công nghiệp; chăn nuôi đại gia súc (bò sữa…); sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn để phục vụ cho cả nước và xuất khẩu; Ưu tiên tập trung vào công nghiệp chế biến nông sản, không nên đưa vào công nghiệp gây ô nhiễm; phát triển logistics để thúc đẩy được sản xuất và thị trường.
Trưởng ban Kinh tế TW cũng lưu ý Sơn La hạn chế đến mức tối đa thủy điện nhỏ, vùng chiếm đất, chiếm rừng, chiếm đất canh tác của bà con lớn. Sau này sẽ phát triển các dạng năng lượng tái tạo khác.
Đặc biệt, lưu ý nhiệm vụ phát triển rừng mang tính chất sống còn với Sơn Lơn La và cả khu vực, Trưởng ban Kinh tế TW đề nghị tỉnh nghiên cứu xây dựng được báo cáo, đề án để nghị TW phân loại lại các loại rừng của tỉnh, tạo ra các quỹ phát triển. Bên cạnh cây tương đối ngắn ngày phải có kế hoạch trồng cây lâu năm, tăng dần cây dài hạn lên. “Nếu phát triển được rừng đảm bảo nghề quan trọng là chế biến gỗ của Sơn La. Đây là hướng đi cho các tỉnh miền núi như Sơn La!”, Trưởng ban Kinh tế TW khẳng định.
Trưởng ban Kinh tế TW cũng lưu ý Sơn La phải phải xác định du lịch là kinh tế một mũi nhọn, tuy nhiên không nên quá kỳ vọng. “Nếu nói biến Sơn La thành địa điểm du lịch hoành tráng thì khó mà cần từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng, giới thiệu, quảng bá hình ảnh với du khách trong nước và quốc tế…”, ông phát biểu.
Với vị trí là trung tâm của phía Tây của Tây Bắc, Trưởng Ban Kinh tế TW cũng lưu ý Sơn La câu chuyên liên kết vùng và đề nghị, bản thân Sơn La cũng phải nỗ lực đầu tư, phát triển để có đủ sức thuyết phục là trung tâm của vùng Tây Tây Bắc.
Hướng tới các nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng ban Kinh tế TW đề nghị Sơn Lan cần đánh giá hết các tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh so với các địa phương trong vùng và cả nước để thấy rõ vị trí của mình để trên cơ sở đó xây dựng định hướng phát triển của tỉnh.
“Các chỉ tiêu đưa ra phải cụ thể và khả thi. Mục tiêu cuối cùng của các văn kiện là làm sao đảm bảo cho mọi người dân đều được tham gia vào quá trình phát triển và được hưởng thụ xứng đáng với các thành tựu phát triển của địa phương..”, Trưởng ban Kinh tế TW Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.