Sáng 3/11, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 7/4/2017 của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Nông nghiệp TP phát triển theo định hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, hình thành 6 vùng sản xuất tập trung sản phẩm chủ lực của TP, phát triển theo chuỗi sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ như: Chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao với cánh đồng lớn; Phát triển vùng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày; Phát triển vùng cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái…
Mô hình trồng rau trong nhà lưới và hệ hống tưới tiêu tự động của hộ ông Phạm Văn Lắm, phương Hưng Thạnh, quận Cái Răng. |
Trong thời gian qua các cấp, ngành đã chủ động phối hợp tham gia vào công tác sản xuất, kinh doanh. Theo báo cáo Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, dịch vụ cơ giới hóa trong nghề trồng lúa được phát triển đồng bộ trong suốt quy trình sản xuất từ làm đất đến cuỗn rơm. Thực hiện trình diễn 50 ha ứng dụng Jot và cảm biến tự động để quản lý nước, phân bón, dịch hại… Áp dụng hệ thống tưới phun tự động ngoài đồng và tiết kiệm trong nhà lưới tại nhiều vườn cây ăn trái và rau màu, góp phần giảm chi phí nhân công và gia tăng giá thành sản phẩm tăng thêm thu nhập cho người dân từ 20 – 25%.
Hiện nay ngành xuất khẩu thủy sản đang chiếm thế mạnh trong cơ cấu ngoại tệ xuất khẩu của toàn TP. Diện tích nuôi trồng thủy sản được mở rộng đạt 9.000 ha, sản lượng đạt trên 200.000 tấn vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, riêng cá tra đạt trên 80% sản lượng. Thành tựu trên là kết quả của quá trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Cá tra ban đầu được nuôi tự nhiên, đến năm 2000 bắt đầu ứng dụng công nghệ sinh sản nhân tạo. Hiện nay đã hình thành 4 cơ sở sản xuất, hàng năm cho ra hơn 500 triệu cá giống phục vụ nghề cá tra thương phẩm.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thanh Dũng chỉ đạo các đề án quan trọng của TP trong thời gian sắp tới. |
Giống cá tra ngày càng được cải thiện, chỉ số tăng trưởng cao hơn 20 – 25% so với giống cá trước đây, góp phần nâng cao sản lượng cá giống, đáp ứng nhu cầu nuôi trồng cho người dân. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cũng được cải thiện từ thức ăn tự nhiên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được thay thế bằng thức ăn công nghiệp. Thị trường xuất khẩu được mở rộng sang hơn 100 nước. Công nghiệp chế biến cũng được cải thiện đáng kể, ngoài sản phẩm chủ lực là cá phi lê, các nhà máy tận dụng đầu, da để chiết xuất colagen, dầu cá, cá tra ăn liền…
Để hoàn thiện các chương trình công nghệ cao ứng dụng vào nông nghiệp, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo: “Trong thời gian sắp tới, vấn đề xây dựng đề án mô hình nguồn gốc điện tử cho từng loại sản phẩm, chất lượng con giống và tận dụng nguồn thức ăn chăn nuôi cần được quan tâm hơn nữa. Điều này góp phần làm gia tăng tính cạnh tranh, nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm và ngày càng phù hợp với thị trường xuất khẩu khó tính.”