Ngày 03/7, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trương Quang Hoài Nam cùng lãnh đạo các sở - ban - ngành TP Cần Thơ đã có buổi làm việc với Đoàn Hội hữu nghị Nagasaki Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ Môi trường Nhật Bản và Trường Đại học Nagasaki về nhiều vấn đề, trong đó vấn đề môi trường, xử lý rác thải được các bên đặc biệt quan tâm.
Dạy cách quản lý, bảo vệ môi trường ở các trường học
Ông Tsutomu Tomioka - Chủ tịch Hội hữu nghị Nagasaki Việt Nam, cho biết vấn đề môi trường sông Mê Kông ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản cũng rất quan tâm và có nhiều chương trình cải thiện môi trường sông Mê Kông. Bởi theo ông Tsutomu Tomioka vấn đề môi trường có tác động rất lớn, liên quan chặt chẽ và ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề phát triển kinh tế của địa phương và đất nước. Vì vậy cải thiện môi trường được xem là vấn đề cần thiết.
Chia sẻ về thời điểm khó khăn do rác thải và môi trường của Nhật Bản trước đây, ông Tsutomu Tomioka nói: “40 năm trước, Nhật Bản cũng gặp tình trạng như thế, rác thải rất nhiều, vứt rác bừa bãi làm ảnh hưởng lớn đến môi trường. Nhưng với nhiều cố gắng về giáo dục, phân loại, tái chế rác thải… hiện tại môi trường, công viên Nhật Bản đã trở nên xanh sạch đẹp”.
Ông Tsutomu Tomioka chia sẻ thêm rằng, mấu chốt của vấn đề môi trường là ở lĩnh vực giáo dục. Để giải quyết vấn đề rác thải, ô nhiễm môi trường cần tập trung dạy cách quản lý, bảo vệ môi trường ở các trường tiểu học và trung học. Nhật Bản đã mất khoảng 30 năm để giáo dục về bảo vệ môi trường, phân loại rác để hình thành được tính cách của người dân.
“Nếu Việt Nam quan tâm sẽ mời Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản tham gia chương trình này. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản việc áp dụng sẽ bắt đầu từ 1 thị trấn nhỏ, khoảng 10.000 dân và sẽ tạo thành hình mẫu cho nhiều nơi khác noi theo”, ông Tsutomu Tomioka khẳng định.
Rác cũng là tài nguyên…
Ngoài vấn đề giáo dục ý thức cho người dân về việc bảo vệ môi trường, phân loại rác thải, Nhật Bản còn khai thác được nguồn lợi lớn từ rác thải. Theo ông Tsutomu Tomioka, rác cũng là tài nguyên và có thể kiếm tiền từ rác tái chế.
Dự án nhà máy xử lý rác thải phát điện do Nhật đầu tư với nguồn kinh phí khoảng 8 tỷ yên (khoảng 1.600 tỷ đồng) chỉ trong 40 năm là có thể thu hồi vốn. Đồng thời, tái chế rác cũng thu lại nguồn lợi nhuận khá lớn.
Nói về nhà máy xử lý rác thải phát điện, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Thành phố vừa khởi công xây dựng nhà máy xử lý rác thải, phát điện ở Thới Lai. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng (khoảng 47 triệu USD), có khả năng xử lí 400 tấn rác thải sinh hoạt và có thể phát khoảng 150.000Kwh điện mỗi ngày.
Khi nhà máy đi vào hoạt động, không những giải quyết được vấn đề rác thải sinh hoạt mà còn tạo ra nguồn điện cung ứng cho nhu cầu của thành phố.
Ngoài ra ông Nam cũng cho biết, TP Cần Thơ rất quan tâm đến vấn đề môi trường, vấn đề xử lý rác thải, nước thải công nghiệp và luôn luôn bảo vệ môi trường dòng sông Mê Kông. Tuy nhiên, Cần Thơ là một thành phố trẻ, phát triển nhanh chóng. Theo nghiên cứu của các chuyên gia Nhật Bản về biến đổi khí hậu thì dân cư sẽ tập trung ở Cần Thơ rất nhiều và vấn đề xử lý rác thải cũng là vấn đề lo ngại ở tương lai.
Vì vậy TP Cần Thơ mong muốn sẽ có bước tiến mới để chính quyền Cần Thơ và Nagasaki sẽ có chính sách hợp tác hữu nghị toàn diện trong tương lai.
Nói về tiềm lực của TP Cần Thơ, ông Atsushi Ishimatsu, Đại học Nagasaki đánh giá, Cần Thơ có tiềm năng phát triển về nhiều mặt, thủy sản, môi trường và nông nghiệp…. Đồng thời có nhiều điểm hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.