Ủy thác THADS có vai trò rất quan trọng trong hoạt động THADS góp phần bảo đảm thi hành kịp thời, đầy đủ nội dung phần quyết định của bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục THADS, bảo đảm thực thi quyền, nghĩa vụ của các đương sự trong THADS.
Mặt khác, ủy thác THADS còn giúp cho cơ quan THADS giải quyết việc THADS, giảm thiểu việc thi hành án tồn đọng. Nhưng bên cạnh những tích cực thì việc ủy thác THADS vẫn còn gặp không ít vướng mắc. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực hiện ủy thác THADS chưa đúng là do nhận thức chưa đầy đủ, chưa chính xác quy định về ủy thác THADS.
Chẳng hạn, theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật THADS thì trước khi ủy thác, cơ quan THADS phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác. Có điều, thực tế cơ quan thi hành án đang gặp khó khăn trong việc thi hành các vụ án lớn mà bản án tuyên kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án ở nhiều tỉnh thành.
Trong những trường hợp này, nếu thực hiện thi hành án tuần tự theo quy định là phải xử lý xong tài sản kê biên tại địa bàn sau đó mới được ủy thác thì sẽ chậm trễ thu hồi tài sản và có nguy cơ tài sản bị thay đổi hiện trạng hoặc bị chiếm dụng trái phép.
Vướng mắc nhiều hơn cả lại liên quan đến thanh toán tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế trong trường hợp phải ủy thác. Hiện nay, do pháp luật thi hành án không phân biệt người được thi hành án ở địa phương này hay địa phương khác.
Cùng 01 người phải thi hành án, cùng phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án ở nhiều bản án khác nhau, ở nhiều tỉnh khác nhau là có thể xảy ra trong thời điểm hiện nay. Do đó, khi cơ quan thi hành án tỉnh A ban hành quyết định cưỡng chế thì người được thi hành án trong hồ sơ thi hành án ở tỉnh B (có cùng 01 người phải thi hành án ở tỉnh A) theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật THADS thì người được thi hành án ở tỉnh B vẫn có quyền được thanh toán tiền khi được ủy thác đến tỉnh A.
Như vậy sẽ xảy ra trường hợp ra quyết định cưỡng chế thi hành án cho 02 người được thi hành án, nhưng có người được thi hành án thứ 03 ở tỉnh khác đang ủy thác về. Khi cơ quan thi hành án nhận được hồ sơ ủy thác thì khi thanh toán tiền cho người được thi hành án theo Điều 47 Luật THADS có thanh toán cho người thứ 03 hay không đang khiến địa phương lúng túng.
Để giải quyết quyền lợi của người được thi hành án, đối với trường hợp thanh toán tiền cho người được thi hành (người thứ 03) do nhận ủy thác thì nhiều ý kiến cho rằng cần có văn bản hướng dẫn chia ra các trường hợp. Cụ thể, trường hợp nhận được quyết định ủy thác nhưng cơ quan thi hành án chưa chi tiền thi hành án thì căn cứ vào quyết định thi hành án ban đầu, nếu quyết định thi hành án ban đầu có trước khi ra quyết định cưỡng chế thì cơ quan THADS thanh toán tiền cho tất cả những người được thi hành án.
Trường hợp nhận được quyết định ủy thác nhưng cơ quan thi hành án đã chi tiền thi hành án, nếu còn tiền thi hành án thì cơ quan thi hành án căn cứ vào quyết định thi hành án ban đầu: Nếu quyết định thi hành án ban đầu có trước khi ra quyết định cưỡng chế thì cơ quan THADS thanh toán tiền cho người được thi hành án (người thứ 3).
Số tiền còn lại mới thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán. Nếu quyết định thi hành án ban đầu có sau quyết định cưỡng chế thì người được thi hành án (người thứ 3) được thanh toán theo quy định “thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán”.
Liên quan đến các phản ánh về bất cập trong việc ủy thác thi hành án, Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) cho biết đang nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết những vấn đề này. Theo đó, đối với các nghĩa vụ THADS không liên quan đến tài sản tại địa phương nơi cơ quan THADS đang xử lý thì có thể ủy thác THADS đến nơi có tài sản của người phải thi hành án. “Trong khi chờ các cơ quan trung ương thống nhất hoặc chờ sửa quy định pháp luật thì về nguyên tắc cơ quan THADS vẫn phải tuân thủ các quy định trên” – Tổng cục THADS nêu quan điểm.