Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ án hình sự kinh tế, tham nhũng có giá trị phải thi hành rất lớn nhưng khó khăn trong xác minh tài sản, điều kiện của người phải thi hành án do giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án. Thậm chí, có nhiều vụ việc đương sự đang phải chấp hành án phạt tù, không có tài sản để thi hành án; đương sự chết nhưng không để lại di sản thừa kế…
Ngoài ra, việc xác minh tài sản và xử lý tài sản là cổ phiếu đã phong tỏa từ giai đoạn tố tụng cũng đang gặp khó khăn vì chưa xác định rõ được là tài sản chung hay tài sản riêng; đồng thời pháp luật cũng chưa quy định rõ về trình tự, thủ tục xử lý, bán tài sản là cổ phiếu để thi hành án.
Trong các vụ việc mà bản án tuyên xử lý đối với nhiều tài sản nhà, đất, bất động sản tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác bị kê biên trong giai đoạn tố tụng, cơ quan THADS cũng gặp rất nhiều khó khăn do tài sản phân tán, tình trạng pháp lý của tài sản không rõ ràng.
Quá trình tổ chức thi hành án, tòa án và cơ quan tố tụng liên quan đã không kịp thời bàn giao Lệnh kê biên, hồ sơ, tài liệu liên quan đến kê biên tài sản nên cơ quan thi hành án sau khi thụ lý, chưa có đủ cơ sở để tiến hành xử lý tài sản đã kê biên dẫn đến chậm tổ chức thi hành án.
Khi rà soát hồ sơ, kiểm tra sơ bộ hiện trạng tài sản tại Hà Nội cho thấy bản án tuyên còn nhiều nội dung thiếu sót, chưa rõ và cơ quan thi hành án đã có công văn đề nghị Tòa án giải thích, đính chính bản án nhưng kết quả phối hợp, trả lời còn chậm, việc thi hành án bị kéo dài.
Mặt khác, pháp luật hiện hành quy định chỉ được ủy thác sau khi đã xử lý xong tài sản, theo đó, trong vụ việc này, nếu phải thực hiện thủ tục xử lý xong các bất động sản tại Hà Nội mới ủy thác tới các tỉnh, thành phố khác để tiếp tục thi hành án sẽ là một sự bất cập, gây chậm trễ, kéo dài thời gian tổ chức thi hành án và có thể ảnh hưởng tới tài sản bị xử lý.
Để góp phần tháo gỡ những vướng mắc trên, Lãnh đạo các Cục, Chi cục cần tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, cụ thể, quyết liệt, rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan THADS, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thi hành án, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, để có thể nâng cao hiệu quả công tác thi hành án đối với các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự kinh tế, tham nhũng lớn, các cơ quan THADS thành phố Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, Lãnh đạo các cấp, các ngành cần tiếp tục duy trì và tăng cường hơn nữa sự quan tâm, sát sao chỉ đạo, thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Các cơ quan THADS cần tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và chính quyền địa phương, kịp thời có những giải pháp, biện pháp phù hợp, hiệu quả nhằm tháo gỡ các vướng mắc, những tồn tại, hạn chế, từ đó có cơ sở, phương hướng và giải pháp hiệu quả trong tổ chức thi hành án.
Các cơ quan THADS Hà Nội cần chủ động nắm bắt thông tin về các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng đang được xét xử để có kế hoạch tổ chức thi hành chặt chẽ, khoa học, hợp lý. Trong quá trình tổ chức thi hành, Lãnh đạo Cục tiếp tục tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, yêu cầu Chấp hành viên xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể đối với từng hồ sơ vụ việc này, báo cáo Lãnh đạo đơn vị phê duyệt kế hoạch; hàng tuần, hàng tháng thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, kết quả tổ chức thi hành của từng vụ việc để Lãnh đạo Cục nắm bắt, kịp thời cho ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, có phương án tổ chức thi hành hiệu quả.