Đã ở ổn định 45 năm
Năm 1976, Xí nghiệp Hóa chất Lâm Đồng (sau này chuyển thành Công ty CP Bình Điền - Lâm Đồng) được Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tỉnh Lâm Đồng giao đất để xây dựng nhà máy (lô 1) tại khu vực cột cây số 276, QL20 (thôn Phi Nôm, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) và khu tập thể - KTT (lô 2) ở bên kia đường QL20 (đối diện nhà máy) để tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho cán bộ, công nhân viên (CBCNV).
Trên khu đất được giao, Công ty đã xây dựng nhà ở tập thể bố trí cho CBCNV độc thân, nhà tập thể gia đình, bếp ăn tập thể và khu nhà trẻ. Một số CBCNV không được ở trong KTT thì được bố trí đất dựng nhà và tạo điều kiện cho họ khai hoang, trồng thêm hoa màu, chăn nuôi trên khu đất được Nhà nước giao để yên tâm sinh sống, làm việc.
Vào năm 1999, thực hiện Luật Đất đai 1993, Công ty Bình Điền - Lâm Đồng đã ký kết hợp đồng thuê đất và UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định 2791/QĐ-UB ngày 8/9/1999 về việc cho Công ty thuê đất theo hiện trạng với diện tích lô 1 là 17.480m2 và lô 2 là 28.468m2; thời hạn 30 năm kể từ ngày 1/1/1996.
Đến ngày 8/10/2013, Công ty đã thực hiện thủ tục trả lại một phần đất lô 2, diện tích 5.024m2 để phân lô, giao cho CBCNV đang sinh sống tại KTT và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN). Ngày 11/6/2014, UBND huyện Đức Trọng đã có Quyết định 1364/QĐ-UBND, phê duyệt Khu quy hoạch phân lô với diện tích này. Phòng TN&MT huyện Đức Trọng đã làm việc với Công ty để lập danh sách các hộ dân đề nghị được giao đất với kết quả là có 28 lô được phân cho CBCNV đang ở KTT là công nhân hoặc vợ con của công nhân Công ty đã nghỉ hưu đang sinh sống trong KTT (Công ty đề nghị là 32 lô).
UBND huyện Đức Trọng yêu cầu mua lại đất theo giá thị trường (khoảng 400 triệu/nền). Chỉ có 4 hộ có khả năng tài chính để mua, được nhận lại đất khi đã nộp đủ tiền. Nhưng cũng chỉ mới có 2 hộ nộp đủ tiền và đã nhận sổ đỏ.
Đến năm 2018, Công ty Bình Điền - Lâm Đồng tiếp tục xin trả thêm phần đất thuê còn lại ở KTT cho Nhà nước có diện tích 23.444m2 với mục đích để cơ quan chức năng huyện xem xét cấp lại đất tái định cư cho các hộ dân đang sinh sống trên đất. Yêu cầu này được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận. Trong quá trình làm thủ tục trả lại đất thuê, Công ty đã có báo cáo tình hình sử dụng đất của các hộ dân đang ở KTT và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét có chế độ hỗ trợ tốt nhất cho các hộ dân sinh sống lâu năm trên đất trước khi Nhà nước tiến hành thu hồi.
Trong Thông báo thu hồi đất số 44/TB-UBND ngày 5/4/2021 để thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư và chợ Phi Nôm của UBND huyện Đức Trọng, đã ghi rõ tại mục 4: “Các hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.
Nhà do cán bộ, công nhân viên xây dựng trên đất được Nhà nước giao. |
Người dân có nguy cơ bị đẩy vào cảnh khốn cùng?
Tuy nhiên, người dân hết sức bất ngờ khi vào tháng 7/2021 Trung tâm Phát triển quỹ đất lập bảng kê số tiền bồi thường thì người dân chỉ được bồi thường về cây trồng và vật kiến trúc chứ tất cả đều không có tiền bồi thường về đất và không được bố trí tái định cư tại chỗ dù họ đã ở ổn định trên đất hàng chục năm qua. Trong đó, nhiều gia đình đã sinh sống 3 đời trên đất, người lâu nhất đã ở liên tục 45 năm và có cả một số người là thương binh như trường hợp hộ ông Nguyễn Văn Hà.
Trong số các hộ dân ở KTT Công ty Bình Điền - Lâm Đồng có đất ở và tài sản bị thu hồi thì có đến 8 hộ chỉ nhận được mức bồi thường, hỗ trợ tổng cộng từ 35 - 52 triệu, “bèo bọt” nhất là hộ ông Nguyễn Quốc Việt, đang sử dụng 817,5m2 đất nhưng chỉ được bồi thường có 9,81 triệu đồng. Với số tiền này thì ông không thể đủ trả tiền thuê nhà trong một năm.
Còn người được bồi thường nhiều nhất là ông Võ Ngọc Minh với 400 triệu đồng (làm tròn) cho gần 5.000m2 đất đang sử dụng cùng công trình nhà ở, nhà kho, giàn lưới, chuồng bò… Thứ nhì là hộ ông Chu Hồng Yến được 408 triệu đồng với 1.020m2 đất bị thu hồi cùng nhà ở, cây cối.
Với số tiền các hộ nhận được phổ biến ở mức 50 - 60 triệu đồng thì không ai có thể mua nổi một nền đất 100m2 (hiện có giá thị trường là 1,5 - 2 tỷ đồng) chứ chưa dám nói đến xây dựng nhà. Nếu chấp nhận phương án đền bù này thì nhiều người sẽ trắng tay; với diễn biến mới này thì nhiều người cảm thấy đây là phương án vừa thiếu lý, vừa thiếu tình.
Trong khi đó, thời gian gần đây, người dân cho rằng một số người nhiều lần đưa máy ủi xuống múc đất và liên tục có lời lẽ hù dọa người dân phải nhận tiền đền bù rẻ mạt, phải di dời để san lấp mặt bằng.
Ông Nguyễn Quang Hiệp (đại diện các hộ dân, nguyên GĐ Công ty Bình Điền - Lâm Đồng), chua chát nói: “Với mấy chục triệu đồng được bồi thường, họ yêu cầu chúng tôi phải giao lại nhà cửa, hoa màu, đất đai nhưng chúng tôi biết đi về đâu, ở đâu?”.
Vào ngày 16/8/2021, Công ty Bình Điền đã có kiến nghị và mới đây, ngày 15/10/2021, ông Nguyễn Quang Hiệp (được ủy quyền của các hộ dân) cũng đã gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng với mong muốn được bố trí tái định cư, bồi thường về đất và tài sản, hoa màu trên đất theo đúng quy định pháp luật.
Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM cho rằng, dù đây là đất có nguồn gốc Nhà nước giao nhưng đối chiếu với chính sách về đất đai các thời kỳ và các quy định pháp luật về đất đai thì những hộ dân ở KTT Công ty Bình Điền - Lâm Đồng có đất ở hợp pháp lại phù hợp với quy hoạch khu dân cư nên phải tính toán bồi thường hợp lý, xem xét bố trí tái định cư nếu Nhà nước muốn “xóa sổ” khu dân cư này.