Trên cơ sở tổng hợp, Tổng cục THADS đưa ra một số nội dung vướng mắc về vấn đề này. Đối với tài sản không được kê biên, theo điểm c khoản 3 Điều 87 Luật THADS thì trang thiết bị, phương tiện, công cụ phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp không được kê biên. Như vậy, trường hợp các tài sản trên gắn liền và không thể tách rời với quyền sử dụng đất hoặc được thế chấp cùng với tài sản khác thì giải quyết như thế nào.
Bên cạnh đó, hiện nay pháp luật chưa quy định rõ về trình tự thủ tục kê biên tài sản gắn liền với đất thuộc diện vi phạm hành lang giao thông, chỉ giới đê điều; đồng thời, chưa quy định rõ về việc xử lý tài sản của người phải THA (nhà và các công trình xây dựng khác) gắn liền với quyền sử dụng đất của người khác để đảm bảo THA nếu tài sản đó không thể tách rời đất quy định tại khoản 2 Điều 95 Luật THADS. Ngoài ra, việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng của người phải THA trong khối tài sản chung của vợ chồng hoặc tài sản chung của hộ gia đình theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP?
Riêng việc kê biên quyền sử dụng đất, khoản 2 Điều 110 Luật THADS quy định: “Người phải THA chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó”. Quy định này mâu thuẫn với Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 và trên thực tế công chứng viên từ chối công chứng hợp đồng mua bán tài sản trong trường hợp quyền sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Liên quan đến các biện pháp cưỡng chế khác thì về cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất, theo quy định tại khoản 2 Điều 117 Luật THADS về việc cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất thì chưa có quy định cụ thể để giải quyết đối với trường hợp tài sản gắn liền với đất hình thành sau khi có bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật và trước khi có bản án phúc thẩm.
Hay trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên “buộc tháo dỡ, di dời nhà, cây trồng, công trình kiến trúc để giao trả quyền sử dụng đất; buộc tháo dỡ công trình kiến trúc trên đất để dành lối đi nhờ, lối tiêu thoát nước...” thì áp dụng biện pháp cưỡng chế theo Điều 117 Luật THADS hay áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện công việc nhất định theo Điều 118 Luật THADS rồi mới áp dụng biện pháp cưỡng chế theo Điều 117 Luật THADS. Quy định người mua tài sản trên đất thuê trả tiền hàng năm phải thỏa thuận với người sử dụng đất về giá trị đầu tư còn lại trên đất (quy định tại Điều 81 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 01/2017/NĐ-CP) để được thuê đất cũng chưa phù hợp.
Phó Vụ trưởng Vụ 11 (VKSNDTC) Nguyễn Chí Dũng thì chia sẻ một số điểm cần chú ý thông qua tổng hợp kết quả kiểm sát và phát hiện vi phạm qua những vụ việc THA phải cưỡng chế đối với tài sản THA là đất đai, nhà ở. Cụ thể, về áp dụng “Điều 98. Định giá tài sản kê biên” (153/387 vi phạm được phát hiện ở 10 tỉnh) chủ yếu là chậm ký hợp đồng thẩm định giá và “Điều 101. Bán tài sản đã kê biên” (113/387 vi phạm được phát hiện ở 6 tỉnh) đang nổi lên như một điểm nóng, cần được chú ý, tập trung nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân để khắc phục triệt để.
Còn về áp dụng “Điều 74, xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để THA” (nhất là vi phạm khoản 2, 3) dẫn đến khiếu nại kéo dài gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước nhất là khi giải quyết hậu quả để lại. Vi phạm điển hình là: Người có tài sản sở hữu chung không được ưu tiên mua tài sản trước khi bán đấu giá tài sản; Khi bán đấu giá tài sản xong, chấp hành viên không trả tiền cho người có quyền sở hữu chung tài sản đã thanh toán tiền cho người được THA. Tuy nhiên, nhiều đơn vị không phát hiện được sai phạm khi cưỡng chế tài sản của người phải THA là tài sản thuộc sở hữu chung (chỉ có 6/63 tỉnh, thành phố phát hiện 11 vi phạm).
Đối chiếu kết quả trực tiếp kiểm sát của Vụ 11 tại 2 Cục THADS tỉnh và 6 Chi cục THADS cấp huyện, ông Dũng cho biết, hầu hết các hồ sơ THA liên quan đến cưỡng chế đất đai và nhà ở do Cục THADS tỉnh cũng như các Chi cục THADS cấp huyện tổ chức thi hành đều không ban hành văn bản yêu cầu cơ quan đăng ký, quản lý nhà nước cung cấp thông tin về hiện trạng tài sản cũng như hồ sơ quản lý đối với tài sản bị kê biên; và sau khi kê biên cũng không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước biết để đảm bảo đúng quy định.
Trước những vi phạm trên, ông Dũng cho biết, Vụ 11 sẽ tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc nhận thức và áp dụng các quy định pháp luật về THADS của VKSND cũng như cơ quan THADS các cấp để phối hợp với Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan tập hợp đề nghị hướng dẫn để thống nhất thực hiện hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.