Bị hại yêu cầu bồi thường hơn 546 triệu đồng trong khi những vụ án gây thương tích chỉ được bồi thường tiền viện phí và tổn tinh thần không quá 30 tháng lương cơ bản.
Nhà 109 phố Huế, Hà Nội. |
Lật tẩy những bất thường
Báo Pháp luật Việt Nam số ra ngày 11/4/2012 có bài “Vụ án nhỏ, nhiều sai phạm lớn” phản ánh những nghi ngờ của dư luận về vụ án cố ý gây thương tích xảy ra tại số nhà 109 phố Huế, Hà Nội. Đây là vụ án có dấu hiệu oan sai do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã không làm rõ những mâu thuẫn trong hồ sơ y tế, giám định thương tích đối với bị hại.
Trở lại nội dung vụ việc, sau khi xảy ra việc xung đột giữa anh Lưu Minh Khôi, Lưu Minh Tùng với ông Phạm Tiến Dũng, ông Dũng đã được Công an phường Ngô Thì Nhậm giới thiệu đi khám thương tích tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Trong Giấy chứng nhận thương tích ngày 22/8/2010 của Bệnh viện Thanh Nhàn nêu rõ tình trạng thương tích lúc vào viện của ông Dũng là “chạm thương đầu mũi, chảy máu mũi đã cầm máu”, “chạm thương, phù nền 1/3 mặt ngoài cẳng tay phải, XQ cẳng tay phải không thấy hình ảnh tổn thương”. Sau khám thương, ông Dũng không điều trị tại bệnh viện.
Tuy nhiên, sau khi xuất viện, ông Dũng lại “nhập viện” tại Bệnh viện Hữu Nghị trong tình trạng “cẳng tay phải phù căng”. Trong Giấy chứng thương cho ông Dũng, Bệnh viện Hữu Nghị chẩn đoán ông Dũng bị gãy rạn 1/3 cẳng tay phải.
Ngày 15/11/2010, Trung tâm Pháp y Hà Nội đã giám định thương tích đối với ông Dũng. Trong hồ sơ giám định, Trung tâm Pháp y Hà Nội đã sử dụng Giấy chứng thương của Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Hữu Nghị. Trung tâm Giám định pháp y Hà Nội đã kết luận ông Phạm Tiến Dũng bị thương tật tạm thời 16%. Căn cứ vào kết quả này, VKSND quận Hai Bà Trưng đã truy tố anh Lưu Tùng Lâm, Lưu Minh Khôi về tội cố ý gây thương tích với hai tình tiết là “dùng hung khí nguy hiểm” và “gây thương tích đối với người già”.
Tuy nhiên, vụ án đã không thể được đưa ra xét xử vì Tòa án phát hiện nhiều nội dung “có vấn đề” liên quan đến thương tích của bị hại. Tòa trả hồ sơ và yêu cầu làm rõ mâu thuẫn trong các giấy chứng thương, đặc biệt là yêu cầu cung cấp phim X- quang để xem xét có “gãy xương” hay không.
Các Luật sư cũng có hàng loạt nghi vấn đặt ra khi nhìn vào hồ sơ vụ án này. Tại sao ông Dũng vào khám và điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị mà không tiếp tục điều trị tại bệnh viện Thanh Nhàn, vốn được Công an phường Ngô Thì Nhậm giới thiệu đến?
Trong kết luận điều tra, CQĐT thể hiện ông Dũng được “chuyển lên” Bệnh viện Hữu Nghị nhưng thực chất không có việc chuyển viện mà do ông Dũng tự “chọn” Bệnh viện Hữu Nghị. Hồ sơ cũng thể hiện ông Dũng phải “nằm viện” gần một tháng, trong khi hiếm có ai nằm viện chỉ vì tay bị bó bột. Khi đã có kết quả khám thương tích của Bệnh viện Thanh Nhàn nhưng lại xuất hiện thương tích gãy rạn xương của Bệnh viện Hữu Nghị. Các lý do trên đủ để nhiều người nghi ngờ sự thật của thương tích này.
Kết luận giám định “vẽ” thương tật?
Trong kết luận giám định thương tích của Trung tâm Pháp y Hà Nội, ông Dũng bị tổn thương phần mềm 3%, gãy 1/3 xương quay tay phải tổn thương 8% và suy nhược thần kinh sau chấn thương 6%. Nhưng, tất cả những “tổn thương” trên đều bị đặt dấu hỏi lớn về căn cứ.
Đối với thương tích 3%, Trung tâm Pháp y Hà Nội cộng “các vết thương, chấn thương phần mềm” để ra được tỷ lệ này. Nhưng, trong Bản quy định tiêu chuẩn thương tật ban hành theo Thông tư liên bộ 12 TT/LB ngày 26/7/1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế thì việc tính tỷ lệ thương tật phần mềm phải căn cứ vào kích thước, diện tích sẹo. Hơn nữa, để tính được tỷ lệ thương tật của “các vết thương” thì phải tính được tỷ lệ của “từng vết thương”. Trung tâm Pháp y Hà Nội đã tính gộp “các vết thương phần mềm” không có sẹo của ông Dũng là 3% là căn cứ vào quy định nào?
Đối với tổn hại 6% do suy nhược thần kinh cũng rất… mơ hồ. Sự suy nhược thần kinh này có thực sự do nguyên nhân từ thương tích hay không là vấn đề chỉ bị hại mới biết. Nhưng, với kết luận giám định của Trung tâm Pháp y Hà Nội, các bị can đã phải chịu trách nhiệm đối với “tổn thương” này.
Tại Chương 4 Bản quy định tỷ lệ thương tật cũng quy định, suy nhược thần kinh là “hội chứng” chỉ gắn liền với các thương tích, tổn thương do chấn thương sọ não, không có hội chứng suy nhược do bị thương ở… tay. Với các thương tích mơ hồ trong kết luận giám định, liệu có sự “vẽ” thương tật cho bị hại để tăng tội cho bị can?
Với thương tật mơ hồ này, bị hại lại yêu cầu bồi thường một con số rất cụ thể là 546 triệu 600 nghìn đồng - một con số kỷ lục mà trong các vụ án “giết người” cũng không bao giờ có. Đây là lần thứ 2 gia đình bị hại và gia đình các bị can phải nói chuyện “bồi thường” với nhau vì theo nguồn tin của PLVN, trước đó, ông Lưu Minh Tuyên - bố của các bị can - đã phải bồi thường cho gia đình ông Dũng hơn 1 tỷ đồng do trong quá trình xây dựng nhà ông Tuyên đã gây lún nứt công trình của gia đình ông Dũng.
Theo Luật sư Lê Văn Kiên, một vụ cố ý gây thương tích với các thương tật như trên thì bị can phải bồi thương tiền viện phí, chi phí thuốc men và không quá 30 tháng lương cơ bản.
Luật sư Nguyễn Chí Đại: Làm rõ sự thật không khó Trong vụ án này, bắt buộc phải thực hiện việc giám định lại thương tật đối với bị hại vì có nhiều bằng chứng cho thấy kết quả giám định không khách quan. Khi giám định lại, cơ quan giám định sẽ xem xét hồ sơ y tế, bao gồm tất cả các phim X- quang đã chụp và thực hiện việc chụp X- quang lại “thương tích” sẽ làm rõ thương tích thực tế. |
Bình Minh