Sáng nay (5/12), tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018-2023 của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 323 đại biểu đại diện cho trên 400.000 hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong toàn quốc.
Ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn gửi tới đại hội cùng 3 triệu nạn nhân chất độc da cam và hơn 400.000 Hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong cả nước lời thăm hỏi ân cần, thân thiết, lời chúc sức khỏe và lời chào nồng nhiệt nhất.
Khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là phát triển kinh tế - xã hội luôn gắn liền với sự tiến bộ và công bằng xã hội, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng chính sách, không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Thanh Mẫn còn trăn trở khi còn nhiều gia đình có hoàn cảnh hết sức thương tâm, đang rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ của mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Đại hội. |
Để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của nhiệm kỳ 2018-2023 đã đề ra, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Hội tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động quốc gia của Chính phủ về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đồng thời, bám sát nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao để xác định trọng tâm, trọng điểm và giải pháp thực hiện cụ thể, theo tinh thần “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi” như sinh thời Bác Hồ kính yêu đã dạy.
Cùng với đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam, về công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học gây ra và những tấm gương tiêu biểu, điển hình đã hết lòng giúp đỡ, đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Người đứng đầu Mặt trận cũng lưu ý các cấp Hội cần tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, gắn bó với nạn nhân chất độc da cam.
“Cần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác vận động các nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp hội, là một trong những cơ sở đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội. Kịp thời tri ân, động viên, cổ vũ, lan tỏa những tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam”, ông Trần Thanh Mẫn nói.
Quang cảnh Đại hội. |
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề nghị các cấp Hội cần kiên trì vận động, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam thông qua hình thức, biện pháp phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Ông cho rằng cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam không chỉ là giải quyết hậu quả chiến tranh mà còn góp phần ngăn ngừa chiến tranh, ngăn ngừa sử dụng vũ khí giết người hàng loạt..
Tại Đại hội, đại biểu tham dự đã bầu ra Ban chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam gồm 96 đại biểu, trong đó có 17 thường vụ, 5 Phó Chủ tịch Hội và Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh tái đắc cử vị trí Chủ tịch Hội.
Đại hội tiếp tục suy tôn Bà Nguyễn Thị Bình nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam-Người có công sáng lập ra Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là Chủ tịch danh dự của Hội.
63/63 tỉnh, thành phố thành lập Hội
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, trong nhiệm kỳ 2013-2018, các cấp hội đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Đại hội lần thứ III đề ra. Đến nay Hội đã trưởng thành rõ rệt, tổ chức hội đã được thành lập ở 63/63 tỉnh, thành phố, 615 huyện, quận, 6.551 xã, phường với tổng số hội viên là trên 400.000 người; trình độ, năng lực của người làm công tác hội được nâng cao; hoạt động của các cấp hội ngày càng nền nếp, hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu của nạn nhân, hội viên.
Hội đã chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành của Trung ương tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; kịp thời phát hiện những bất cập trong thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam, tích cực đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi chế độ, chính sách phù hợp với thực tế và điều kiện cho phép.
Hội cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh đòi Chính phủ và các công ty hóa chất của Mỹ thực hiện công lý đối với nạn nhân. Vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ chưa giành được thắng lợi cuối cùng, nhưng đã có tác động mạnh mẽ đến phía Mỹ quan tâm thực hiện nghĩa vụ giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học do họ gây ra cho nhân dân Việt Nam. Hoạt động vận động nhân dân thế giới ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cũng phát triển mạnh.