Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, hiện nay, thanh niên Việt Nam chiếm 24,6% dân số, là lực lượng xã hội to lớn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của thanh niên, là rường cột của Nhà nước, là chủ nhân tương lai của đất nước. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tin tưởng thanh niên Việt Nam có thể đóng góp đáng kể trong việc ra quyết định và cung cấp các giải pháp cụ thể, độc đáo và hiện đại phù hợp với họ ở cấp tỉnh và cộng đồng.
Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi nhân khẩu học, có lực lượng dân số trẻ lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử Việt Nam và đây là cơ hội hiếm có để tận dụng thời kỳ dân số vàng. Vì vậy, cần có đầu tư chiến lược ngay từ bây giờ cho thanh niên để tối đa hóa tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.
Đóng góp ý kiến vào việc triển khai thực hiện Luật Thanh niên năm 2020, các đại biểu cho rằng, nếu được trao quyền và tạo điều kiện tốt, thanh niên hoàn toàn có thể tham gia đề xuất các sáng kiến, dự án và các đề án mới để cùng các đối tác nhà nước ở các tỉnh, thành phố thực hiện các chính sách được đề ra trong Luật Thanh niên mới.
Nếu thanh niên tham gia vào các đánh giá và phản hồi về chính sách sẽ đem lại kết quả vô cùng hữu ích, bởi khi càng nhiều nhóm đưa ra đánh giá, báo cáo thì những người làm chính sách sẽ có góc nhìn đa dạng hơn, có nhiều thông tin, dữ liệu để thực hiện các sửa đổi.