Cần có cơ chế để người dân lên tiếng

Ông Đỗ Văn Đương (phải) và ông Trần Tấn Ngời.
Ông Đỗ Văn Đương (phải) và ông Trần Tấn Ngời.
(PLO) - Nắm bắt, tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân chính là nguồn “nguyên liệu” từ cuộc sống để làm nên những chủ trương, chính sách pháp luật sát với thực tế. Tuy nhiên, thời gian qua có khá nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân đã không được quan tâm giải quyết thấu đáo, cùng với đó là không ít các văn bản hướng dẫn luật mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung… Nhận diện nguyên nhân của vấn đề  và cách khắc phục ra sao?

Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Đỗ Văn Đương, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM về vấn đề này.

Nặng về phản ánh chung chung

Thưa ông, công tác nắm bắt dư luận và tập hợp ý kiến của nhân dân trong thời gian qua đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng công tác này nhiều khi chưa mang tính đại chúng, thừa thông tin không cần thiết nhưng lại thiếu thông tin phản ánh chân thực. Ông nghĩ sao về điều này?

- Ông Đỗ Văn Đương: Nói chung các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cư tri và nhân dân trong thời gian qua đã bao quát đủ các lĩnh vực; từ xây dựng  bảo vệ Tổ quốc đến tệ nạn tham nhũng, lãng phí, bảo vệ môi trường… nhưng chỉ có điều là ít nói đến các việc cụ thể, mà ở các nước, người ta quan tâm đến sự kiện, vì từ sự kiện họ sẽ xây dựng các chính sách pháp luật. Ví dụ, trước đây tôi chất vấn trước Quốc hội về con gà và 14 loại phí thì vấn đề này được giải quyết ngay tại hội trường và sau đó các thông tư của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bị bãi bỏ, đồng thời phải sửa lại Luật Phí và Lệ phí. Như vậy, từ một sự kiện đã chấm dứt một văn bản hướng dẫn thi hành không đúng pháp luật, chấm dứt tình trạng thu phí bừa bãi, thu phí tùy tiện, gây khó khăn cho người dân trong lưu thông… mà người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả của chính sách không hợp lý.

Ngay trong lĩnh vực môi trường cũng vậy, chẳng hạn liên quan đến sự cố của Fomorsa thì các cơ quan chức năng phải xuống tận nơi xem dân ở đó họ nói gì, chứ đi vào doanh nghiệp rộng 3.000ha thì ngó mỏi mắt cũng không biết họ chôn lấp chất thải chỗ nào. Người dân bị ảnh hưởng không chỉ có ngư dân mà còn diêm dân và những người kinh doanh dịch vụ du lịch; phải nghe họ nói về hậu quả của sự cố và khắc phục ra sao, từ đó Quốc hội mới quyết định được chính sách trong việc xử lý và đầu tư nước ngoài như thế nào. Rồi hàng loạt nhà máy thua lỗ hàng nghìn tỉ “đắp chiếu” để đấy, giờ phải cụ thể danh tính. Nếu trước hội nghị 15 phút không nói hết được thì phải có danh sách kiến nghị những việc cụ thể để  các đại biểu Quốc hội xem và Quốc hội ra nghị quyết giao trách nhiệm cho các bộ, ngành và Chính phủ thời hạn, lộ trình giải quyết việc này đến đâu. Tôi cho rằng như thế mới là quan trọng. Hiện nay mình lại nặng về vấn đề phản ánh chung chung, chỗ nào cũng đúng và chỗ nào cũng không đúng; cần phải có địa chỉ để chỉ đạo thực hiện và quy  trách nhiệm thuộc về ai và phải có người kiểm tra. Phải tạo ra cơ chế để các tổ chức của Mặt trận có thể phản ánh trung thực, đầy đủ và không phụ thuộc vào chính quyền địa phương. Tại sao chính quyền cho phép mới được nói? 

Vậy làm thế nào để  có thể nâng cao chất lượng của công tác  nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, thưa ông?

- Ông Trần Tấn Ngời: Trước hết, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân phải phong phú và đa dạng về đối tượng. Nếu chúng ta chỉ thiên về một đối tượng thì ý kiến và kiến nghị đó sẽ không đầy đủ và toàn diện. Trong thời gian vừa qua, tôi thấy có “khoảng hở” của việc nắm bắt dư luận xã hội. Luật pháp của chúng ta chưa phản ánh hết tâm tư, nguyện vọng của người dân, bằng  chứng là nhiều văn bản luật mới ra đã phải sửa lại. Điều đó thể hiện việc tập hợp ý kiến của người dân trước đó để thông tin chưa đầy đủ, nên khi ban hành ra người dân có ý kiến này, ý kiến nọ. 

Từ kinh nghiệm thực tế ở TP HCM, theo tôi, có những cái chung rút ra để chúng ta làm tốt hơn nữa công tác này, đó là hệ thống Mặt trận các cấp cần tạo điều kiện thuận lợi và phải có cơ chế gì đó để người dân có thể mở miệng. Khi người dân chịu mở miệng thì họ sẽ nói thực lòng, nói hết những tâm tư nguyện vọng, để qua đó giúp Đảng và Nhà nước xem xét, điều chỉnh về chủ trương, chính sách; cụ thể hơn là về  công tác quản lý nhà nước, về những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, liên quan đến cuộc sống người dân. Dù họ có nói rát lòng như thế nào thì cũng phải có cơ chế để lắng nghe, tiếp thu, giải quyết. Vì tôi thấy trong thời gian qua, bên cạnh những ý kiến tích cực cũng có nhiều người ngại nói, vì nói nhiều quá mà chưa được giải quyết, chưa được tiếp thu thì họ sẽ không nói nữa. 

Theo tôi, nếu chăm chút đến dư luận xã hội, chúng ta sẽ có những điều chỉnh kịp thời, giúp những quy định của Nhà nước, chính quyền đối với nhân dân tích cực hơn. 

Phải xem lại trách nhiệm 

Thông thường, sau khi tiếp nhận thông tin từ dư luận xã hội thì cơ quan chức năng phải làm động tác tiếp theo là thông tin trở lại cho dân biết những kiến nghị đó đã được giải quyết đến đâu. Nhưng theo đánh giá của cơ quan chuyên môn thì đây là khâu yếu nhất trong công tác tập hợp, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Thậm chí trong các cuộc tiếp xúc cử tri, rất nhiều ý kiến của người dân phản ánh đến các đại biểu dân cử, nhưng đến kỳ tiếp xúc sau, những kiến nghị của họ vẫn chưa được giải quyết. 

- Ông Đỗ Văn Đương: Chính vì không được giải quyết nên nhiều tâm tư, nguyện vọng và những băn khoăn, lo lắng của nhân dân vẫn còn đó, cho nên năm này kiến nghị, năm sau lại kiến nghị và báo cáo của Trung ương MTTQ Việt Nam vẫn lặp lại nhiều vấn đề có từ trước đó. Chẳng hạn như vấn đề thực phẩm bẩn, tình trạng các dự án thua lỗ “đắp chiếu”…đã diễn ra trong nhiều kỳ tiếp xúc cử tri.

Theo tôi, công việc này yếu ở hai chỗ. Một là, việc tập hợp những phản ánh, kiến nghị của nhân dân chưa đầy đủ, cho nên cần phải có mạng lưới cảm ứng xã hội để thu thập đầy đủ, khách quan, vô tư và trung thực. Thứ hai là, cần tăng cường theo dõi giám sát, đôn đốc việc giải quyết. Thứ ba là, phải xác định rõ trách nhiệm của cá nhân và cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết, mà nếu không giải quyết thì người đó sẽ bị xử lý thế nào? Theo tôi phải có chế tài, việc đó anh không làm thì cho anh từ chức. Tại sao vào mùa hạn hán, khi Trung ương về kiểm tra tại thủy điện An Khê thì dòng sông Ba Hạ dạt dào nước chảy, thế nhưng khi Trung ương đi thì lại khô không khốc. Vậy thử hỏi vai trò của cấp ủy và chính quyền nơi đó ra sao? Ngay cả việc xả lũ cũng thế, cứ bảo là đúng quy trình, nhưng quy trình là do “anh” đặt ra, vấn đề là phải linh hoạt với thực tế để cứu vớt nhân dân vùng hạ lưu - đó mới là điều quan trọng. Không chỉ là ruộng vườn, hoa màu mà còn cả tính mạng của con người. Vì lợi ích cục bộ, anh sợ hết nước nên giữ lại, đến khi mưa xuống ngập lụt to thì lại xả nước ra.

Chính vì vậy, trong công tác tập hợp ý kiến, nguyện vọng của người dân, nhiều trường hợp chỉ nói qua loa cho xong, họ ngại nói thẳng nói thật vì không tin  những ý kiến, phản ánh mà họ đề xuất sẽ được giải quyết? 

- Ông Đỗ Văn Đương: Đúng là có nhiều trường hợp người dân chỉ nói cho xong chuyện, vì nói mà không giải quyết được thì còn trầm trọng hơn không nói. Cho nên mình phải xem lại trách nhiệm và người giải quyết phải có tấm lòng. Có lá đơn đẫm nước mắt về trường hợp 4 người hy sinh cùng ngày trong cùng một hầm nhưng chỉ có 3 người được công nhận liệt sỹ còn 1 người thì không, lý do là do quy định mới của thông tư. Đến khi đại biểu yêu cầu là nếu “anh” không  giải quyết thì tôi sẽ chất vấn thì lập tức 10 ngày sau giải quyết ngay.

Mở rộng hình thức thu thập ý kiến của nhân dân

Thưa ông, các quốc gia phát triển luôn coi kết quả nghiên cứu dư luận xã hội là một trong những căn cứ quan trọng để ban hành và bổ sung, điều chỉnh các chủ trương, chính sách pháp luật. Tuy nhiên, ở Việt Nam, công tác này dường như vẫn chưa được coi trọng, nhất là trong việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn luật?

- Ông Đỗ Văn Đương: Trên thực tế, cách thức tổ chức ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập. Chúng ta mới chủ yếu lấy ý kiến nhân dân vào những đạo luật lớn, như Hiến pháp, Bộ  luật Hình sự… nhưng người dân lại thường quan tâm đến các thông tư, nghị định, bởi đó mới là cái cụ thể. Vì thế, theo tôi phải phải tăng cường vai trò thẩm định, giám sát của các ủy ban của Quốc hội. Có những vấn đề chính ủy ban này phải lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân - đối tượng thụ hưởng chính sách đó - chứ không hẳn cái gì cũng lấy ý kiến của nhân dân, vì có những thông tư, nghị định chỉ điều chỉnh lĩnh vực đó thôi. Ví dụ, liên quan đến kinh doanh đa cấp, nhập khẩu ô tô chẳng hạn, toàn dân thì biết gì đến cái đó nhưng nó lại tác động đến toàn xã hội, tức là thông qua việc giám sát một lĩnh vực cụ thể, cho một nhóm đối tượng cụ thể để ổn định tình hình chung. Mỗi một lĩnh vực góp phần ổn định chung cho trật tự xã hội, để đưa chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.

Qua công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Đảng và Nhà nước, MTTQ Việt Nam TP HCM đã rút được những kinh nghiệm gì, thưa ông?

- Ông Trần Tấn Ngời: Hiện TP HCM có khoảng 12 triệu dân, trong đó có 9 triệu dân thường trú và 3 triệu dân đến từ các tỉnh, thành khác. Nếu nói về thành phần dân tộc thì TP có gần như đầy đủ các dân tộc đến làm ăn sinh sống, vì thế việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các giới, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn là tương đối khó đối với công tác Mặt trận. Tuy nhiên, chúng tôi sử dụng rất nhiều kênh, từ mạng lưới thông tin dư luận xã hội của Mặt trận các cấp đến việc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức thành viên, đặc biệt là người dân trong các giới qua các đợt tiếp xúc hoặc các chuyến công tác…

Có thể nói, để thực hiện tốt nhiệm vụ  đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn thành phố, chúng tôi rất chăm lo đến ý kiến cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân và tổng hợp các ý kiến đó phản ánh với Đảng và Nhà nước để có những chủ trương, chính sách phù hợp. Hàng tháng, Mặt trận Trung ương đều yêu cầu các tỉnh, thành báo cáo tình hình nhân dân để qua đó Mặt trận Trung ương làm việc với Chính phủ. Tại các tỉnh, thành cũng vậy, chúng tôi tập hợp ý kiến của người dân và tùy tình hình cụ thể trên địa bàn để có những phát biểu tại kỳ họp HĐND 6 tháng hoặc tại kỳ họp cuối năm, tại mỗi kỳ họp đó đều dành một khoảng thời gian nhất định để Mặt trận có ý kiến đóng góp xây dựng chính quyền. Thực tế trong thời gian qua, việc tiếp thu, ghi nhận ý kiến của MTTQ đối với chính quyền tại các kỳ họp đã được các cấp chính quyền ghi nhận, sau đó có triển khai bổ sung, sửa chữa  phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân. Chính việc tiếp thu này đã làm cho người dân tin tưởng và hy vọng thông qua kênh của MTTQ sẽ góp phần giải quyết được tâm tư nguyện vọng của mình.

Trân trọng cảm ơn hai ông!

Đọc thêm

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang: Giảm cầu ma túy là giải pháp trọng điểm kéo giảm tội phạm

Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: H.Giang)
(PLVN) - Hôm qua (15/1), tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến thực hiện Kế hoạch 483/KH-BCA-C04 ngày 7/10/2024 của Bộ Công an về cao điểm tổng rà soát, phát hiện, thống kê, quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy và đấu tranh, triệt xóa điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy (Kế hoạch 483).

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao Quyết định công nhận Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao Quyết định công nhận Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre
(PLVN) - Tối 15/1, tỉnh Bến Tre long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh Bến Tre; 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi; Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1; Tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Công dân Đồng Khởi tiêu biểu” và “Công dân Đồng Khởi danh dự”, tỉnh Bến Tre lần thứ tư - năm 2025.

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Ngày 15/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (18/1/1950 - 18/1/2025) và trong không khí phấn khởi hai dân tộc đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Ba Lan, Czech và tham dự WEF tại Thụy Sĩ

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Ba Lan, Czech và tham dự WEF tại Thụy Sĩ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều 15/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Czech, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ.

Để sớm đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống

Để sớm đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống
(PLVN) -  Để đất nước có thể vươn mình như kỳ vọng, nhiều vấn đề lớn đang được đặt ra cần giải quyết, trong đó có khoa học công nghệ (KHCN). Chính vì thế, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị có Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng: Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng cần đột phá tăng trưởng 2 con số và cấp bách xử lý ô nhiễm

Thủ tướng: Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng cần đột phá tăng trưởng 2 con số và cấp bách xử lý ô nhiễm
Sáng 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc tết các lực lượng vũ trang tại Phú Quốc

Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc tết các lực lượng vũ trang tại Phú Quốc
Trong không khí cả nước chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), sáng 14/1, Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn công tác Trung ương đã tới thăm và chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.