Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Thanh Hóa (gọi tắt là Công ty cấp nước Thanh Hóa) trong thời gian dài luôn mắc sai phạm trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, sai phạm về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm Luật đấu thầu gây thất thoát tài sản Nhà nước. Thế nhưng, một số cán bộ lãnh đạo ở công ty này vẫn được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen.
Có rất nhiều sai phạm tại Cty cấp nước Thanh Hóa đã được Thanh tra kết luận nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý. |
Ồ ạt “cơ cấu người thân” vào công ty
Từ năm 2005 cho đến ngày bị Thanh tra “rờ đến”, năm nào Công ty cấp nước Thanh Hóa cũng tạo cớ bố trí, sắp xếp lại nhân sự. Mục đích chủ yếu của sự việc này là làm cơ sở tuyển dụng, sắp xếp con em cán bộ trong công ty vào các vị trí “lợi lộc” ?
Theo kết luận Thanh tra, tính đến thời điểm ngày 13/9/2011, khi có Quyết định 432/QĐ-TTTH thanh tra về các sai phạm trong Công ty cấp nước Thanh Hóa, thì toàn công ty này có 176 người. Trong đó, thanh tra kết luận làm rõ 46 người là người thân của ông Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Mạnh. Trong số 46 người thân này có 16 người là cháu của ông Nguyễn Văn Mạnh.
Mặt khác, việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo ở Công ty cấp nước Thanh Hóa cũng được “cơ cấu” rất tùy tiện. Trong số 55 người được bổ nhiệm các chức danh mới, chỉ có 4 người được làm quy trình bổ nhiệm, đó là: Phó Giám đốc Nguyễn Huy Nhắn; Kế toán trưởng Hồ Trí Chung; Phó Giám đốc Chi nhánh sản xuất nước TP. Thanh Hóa là Nguyễn Trọng Đạt; và Phó Giám đốc Chi nhánh cấp nước Sầm Sơn là Lê Tất Cẩn.
Có 6/55 người (gồm 3 Phó Giám đốc là ông Cao Xuân Hường, ông Nguyễn Ngọc Cần; một Kế toán trưởng là bà Trịnh Thị Cống; 3 trưởng phòng và chức danh tương đương là ông Lê Sỹ Len, Lê Văn Hùng và bà Nguyễn Thị Oanh) được “cơ cấu” theo Quy chế của công ty.
Còn lại 45 người được “sắp xếp vào các vị trí…” chỉ cần thông qua Ban lãnh đạo của công ty.
Bị kỷ luật vẫn được nhận bằng khen
Năm 2008, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã thanh tra và có kết luận về nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế tại Công ty cấp nước Thanh Hóa trong Dự án cải tạo, nâng cấp Nhà máy nước Hàm Rồng. Đợt thanh tra này, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa kiến nghị xử lý kỷ luật một số cán bộ mắc sai phạm nghiêm trọng về quản lý kinh tế trong Công ty cấp nước Thanh Hóa.
Theo kiến nghị trên, ngày 24/3/2008, Công ty cấp nước Thanh Hóa có Biên bản cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm cá nhân liên quan đến “bộ sậu” của công ty này. Theo đó, ông Phó tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Cần chỉ bị hình thức kỷ luật ở mức: Khiển trách !
Ông Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Mạnh; Phó tổng Giám đốc Nguyễn Huy Nhắn và Cao Xuân Hường; Giám đốc Trung tâm tư vấn Nguyễn Thị Liên; Trưởng phòng kế hoạch Nguyễn Thị Oanh; Kế toán trưởng Trịnh Thị Cống; các ông, bà này chỉ bị: Phê bình nhắc nhở !
Cuối năm 2008, lãnh đạo Công ty cấp nước Thanh Hóa tổ chức bình xét thi đua, cả “bộ sậu” đều đạt mức “lao động tiên tiến” trở lên. Trong đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Mạnh, Phó tổng Giám đốc Cao Xuân Hường, Kế toán trưởng Trịnh Thị Cống, đều đạt mức lao động tiên tiến; Phó tổng Giám đốc Nguyễn Huy Nhắn được xét mức thi đua “Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen” !
Đối với bà Giám đốc Trung tâm tư vấn Nguyễn Thị Liên và Trưởng phòng kế hoạch Nguyễn Thị Oanh được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa “tặng bằng khen” (!)
Riêng đối với bà Giám đốc Trung tâm tư vấn, ngày 30/9/2010, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cấp nước Thanh Hóa có Quyết định số 229/QĐKL-CN xử lý hình thức kỷ luật bà Nguyễn Thị Liên với mức: Khiển trách.
Theo khoản 4 Điều 4 Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cán bộ chủ chốt công ty, ban hành kèm theo Quyết định số 572TC/CT (ngày 02/3/2005) của Chủ tịch HĐQT Công ty cấp nước Thanh Hóa, quy định: “Cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất một năm kể từ ngày có quyết định kỷ luật”. Thế nhưng, trong thời gian đang thi hành kỷ luật, ngày 8/8/2011, Đảng ủy Công ty cấp nước Thanh Hóa vẫn lấy phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Liên làm Phó tổng Giám đốc công ty.
“Rút ruột” dự án
Có lẽ, do việc tuyển dụng người nhà và cơ cấu cán bộ vào Công ty cấp nước Thanh Hóa một cách ồ ạt vào các vị trí “ngồi mát ăn bát vàng”, nên mới liên tục để xảy ra nhiều phi vụ cố ý làm trái nguyên tắc trong quản lý kinh tế, vi phạm luật đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng, làm bất bình dư luận.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ nêu một phi vụ rút ruột Công trình cải tạo, mở rộng nâng công suất Nhà máy nước Mật Sơn lên 50.000 m3/ngày đêm. Dự án này được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3321/QĐ-UBND ngày 28/9/2009. Theo đó, ngày 14/7/2010, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Mạnh ký Quyết định số 191CT/CN phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, với kinh phí tổng dự toán hơn 24,396 tỷ đồng, thời gian hoàn thành dự án vào ngày 30/01/2011.
Kết quả thanh tra (ngày 16/01/2012) cho thấy, trong hồ sơ thiết kế dự án có rất nhiều sai phạm, liên quan đến nhiều cán bộ, trong đó có một số cán bộ là người thân cận của Tổng Giám đốc.
Tính riêng trong lô hàng nhập khẩu máy bơm, van và khớp nối, có giá trị theo dự toán được duyệt đã có thuế là hơn 5,33 tỷ đồng. Theo đó, Công ty cấp nước Thanh Hóa ký 2 hợp đồng nhập khẩu trực tiếp mua máy bơm của hãng BOMBAS và các loại van, khớp nối của hãng BENGICAST, với tổng trị giá chưa thuế là 194.555,98 EUR. Khi nhận hàng, công ty đã thanh toán tổng cộng hơn 6,414 tỷ đồng, thuế nhập khẩu được miễn hơn 821,61 triệu đồng.
Theo kết luận thanh tra, “phi vụ” trên chưa kể dự toán sai tăng 786,248 triệu đồng và thuế nhập khẩu được miễn hơn 821,61 triệu đồng, thì giá trị thanh toán lô hàng máy bơm, van và khớp nối đã vượt quá giá dự toán được phê duyệt hơn 1,821 tỷ đồng.
Mặt khác, Cty cấp nước Thanh Hóa còn ký hợp đồng mua lô hàng của công ty cổ phần thiết bị Đông Đô, trị giá hợp đồng hơn 2,122 tỷ đồng (giá nhập kho hơn 2,119 tỷ đồng), cao hơn giá trị dự toán đã duyệt hơn 300,8 triệu đồng.
Theo Thanh tra kết luận, hai lô hàng trên có giá trị lớn nhưng không thực hiện đấu thầu là vi phạm quy định của Luật đấu thầu và Nghị định 85/NĐ-CP của Chính phủ là sai phạm nghiêm trọng, cần phải có biệp pháp xử lý nghiêm khắc theo pháp luật.
Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: a, Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; b, Có tổ chức; c, Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d, Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. (Trích Điều 165 BLHS) |
Lê Trọng Hùng