“Cảm ơn sự công tâm của pháp luật đã đưa công lý đến với những người yếu thế như mẹ con tôi”- thiếu phụ xinh đẹp cảm động nói trong phiên họp phúc thẩm ngày 30/5.
Góc khuất một cuộc hôn nhân xứ người
Báo PLVN đã có bài phản ánh những vi phạm nghiêm trọng về việc áp dụng pháp luật trong vụ việc dân sự “Yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam” do nguyên đơn là anh Vũ Đình Thiềng (hiện trú tại Ukraina), bị đơn là chị Nhung.
Theo nội dung vụ việc, năm 2009, chị Nguyễn Thị Nhung quen và sống chung như vợ chồng với anh Vũ Đình Thiềng tại quận Dergachivsky, tỉnh Kharkiv, Ukraina. Lấy anh Thiềng, chị chấp nhận sang nhượng lại các cửa hàng quần áo thời trang của mình tại chợ Troeshina, thành phố Kiev để toàn tâm toàn ý chăm sóc gia đình cùng con trai riêng của anh Thiềng khi đó mới 5 tuổi.
Đến ngày 5/2/2010, chị và anh Thiềng sinh con trai là cháu Vũ Đình Lương. Theo chị Nhung, quá trình chung sống giữa chị và anh Thiềng cũng có không ít mâu thuẫn nhưng chị vẫn chịu đựng để chăm lo chu toàn việc gia đình.
Năm 2013, nhân dịp giỗ đầu người cha, chị Nhung xin chồng cho dẫn cháu Lương về nước lo cúng giỗ nhưng anh Thiềng không đồng ý. Về Việt Nam một mình, chị Nhung bị ốm phải ở lại quê nhà chữa bệnh khoảng 3 tháng. Ngay trong khoảng thời gian ngắn ngủi chị Nhung về Việt Nam, lập tức anh Thiềng đã có người phụ nữ khác, hiện cô này và anh Thiềng đã có con chung.
Lo lắng cháu Lương phải sống trong cảnh mẹ kế con chồng ở đất nước có chiến tranh nên tháng 8/2014 chị Nhung quyết định quay lại Ukraina đón cháu Lương về Việt Nam. Hai mẹ con chị xuất cảnh hợp pháp khỏi Ukraina vào ngày 16/8/2014 và nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam ngày 17/8/2014.
Từ khi về nước, mẹ con chị sinh sống ổn định tại địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú của chị tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Chị cũng đưa con đi chăm sóc y tế, nhập học cho con và mua gói bảo hiểm nhân thọ để cháu được hưởng những chế độ chăm sóc tốt nhất.
Thiếu phụ chia sẻ: “Với vốn liếng hơn hai chục năm sống ở Ukraina, về Việt Nam tôi đã mua được nhà riêng và mở cửa hàng thời trang cao cấp tại Hà Nội, có đăng ký kinh doanh đàng hoàng, tôi có thu nhập ổn định bảo đảm cho hai mẹ con có một cuộc sống đầy đủ mà không cần sự cấp dưỡng của bố cháu. Tôi cũng thường xuyên kết nối điện thoại để con trai được trò chuyện với bố cháu ở Ukraina. Cuộc sống của mẹ con tôi đang vui vẻ, hạnh phúc thì…”.
Đột ngột ngày 21/9/2015, chị Nhung được TAND TP Hà Nội triệu tập lên để giải quyết việc anh Thiềng “Yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam”. Đến TAND TP Hà Nội, chị Nhung mới biết mình đã là bị đơn trong vụ anh Thiềng kiện yêu cầu công nhận bản án do Tòa án quận Dergachivsky tỉnh Kharkiv, Ukraina xét xử sơ thẩm ngày 11/11/2014 (đã có hiệu lực pháp luật ngày 24/11/2014).
Theo đó, Tòa án cấp sơ thẩm quận Dergachivsky (Ukraina) đã xử vắng mặt chị, chấp nhận hoàn toàn yêu cầu khởi kiện của anh Vũ Đình Thiềng và chỉ định chỗ ở của cháu Vũ Đình Lương sống cùng với bố Vũ Đình Thiềng tại địa chỉ nhà riêng của anh Thiềng ở quận Dergachivsky, tỉnh Kharkiv. Có điều, thời điểm Tòa án quận Dergachivsky xét xử chị Nhung đang sống ở Việt Nam nên không hề biết mình là bị đơn trong vụ án này, cũng không biết quyền lợi của mình bị xâm hại để mà kháng cáo.
Cháu Vũ Đình Lương hiện có cuộc sống hạnh phúc, ổn định bên mẹ tại Việt Nam |
Công lý mỉm cười với mẹ con người phụ nữ trẻ
Đọc hồ sơ vụ án tại TAND TP Hà Nội, nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã bị xâm phạm nghiêm trọng, chị Nhung đã mời Luật sư Nguyễn Bích Lan và Vũ Thị Hạnh Hương (Văn phòng Luật sư số 5, Đoàn Luật sư Hà Nội) bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho mình.
Theo Luật sư Nguyễn Bích Lan, vụ án chỉ định chỗ ở cho cháu Vũ Đình Lương do anh Thiềng yêu cầu Tòa án quận Dergachivsky (Ukraina) xử đã mắc phải những sai phạm nghiêm trọng về tố tụng và vi phạm cơ bản nội dung Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Ukraina.
Cụ thể, Tòa án quận Dergachivsky (Ukraina) hoàn toàn không tống đạt kịp thời và hợp lệ giấy triệu tập phiên tòa cho chị Nhung mà vẫn xét xử vắng mặt bị đơn. Điều này cũng vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam về việc Tòa án không hề triệu tập hợp lệ, tống đạt kịp thời.
Trong hồ sơ vụ án thể hiện có 2 Giấy thông báo được coi là của bưu điện Ukraina gửi về 02 địa chỉ tại Ukraina và cho là đã giao cho chị Nguyễn Thị Nhung – đó là Giấy triệu tập của tòa án: thông báo về thời gian, địa điểm phiên xét xử sơ thẩm – giao ngày 04/11/2014 và Giấy thông báo về nhận bản sao quyết định của Tòa án – nhận ngày 03/12/2014. Tuy nhiên tại thời điểm đó, chị Nhung chứng minh đang sinh sống tại địa chỉ có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam, tất nhiên không biết và không có mặt để nhận những giấy triệu tập đó.
Chị Nhung bức xúc trình bày: “Tôi và con trai Vũ Đình Lương đã xuất cảnh khỏi Ukraina từ ngày 16/8/2014, nhập cảnh vào Việt Nam ngày 17/8/2014 (điều này thể hiện rõ ở Hộ chiếu của tôi). Kể từ ngày 17/8/2014 tôi chưa nhập cảnh lại Ukraina, tức là tôi không có mặt tại Ukraina vào thời điểm 04/11/2014 và 03/12/2014 thì tôi không thể là người được bưu điện Ukraina trao Giấy triệu tập (nói trên) của Tòa án quận Dergachivsky như hồ sơ thể hiện.
Tôi cũng chưa từng ủy quyền cho bất kỳ ai, hay trực tiếp nhận bất cứ văn bản nào của Tòa án quận Dergachivsky. Như vậy, những giấy thông báo được cho là của bưu điện Ukraina cung cấp cho TAND TP Hà Nội nói trên cho rằng tôi đã nhận được Giấy triệu tập của tòa án về thời gian, địa điểm xét xử và bản sao quyết định của Tòa án là giả mạo, không hợp lệ”.
Chưa hết, bản án của Tòa án quận Dergachivsky còn dựa vào những chứng cứ bịa đặt, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của chị như cho rằng chị sống lang thang, không quan tâm chăm sóc con cái, để con sống thiếu tình mẫu tử… để làm căn cứ chỉ định chỗ ở cho cháu Vũ Đình Lương sống với cha đẻ là anh Vũ Đình Thiềng.
Chị Nhung nghẹn ngào: “Đến cả con riêng của chồng tôi còn chăm sóc chu đáo, tận tình, lẽ nào con mình dứt ruột sinh ra tôi lại để con sống thiếu tình mẫu tử? Tôi đã thu thập đầy đủ chứng cứ xác nhận từ ngôi trường ở quận Dergachivsky (Ukraina) nơi các con tôi (cả con chồng lẫn con đẻ học) về việc tôi đã chăm sóc, giáo dục các con. Tôi có đầy đủ bằng chứng để kiện bản án của Tòa án quận Dergachivsky đã bịa đặt, xúc phạm danh dự nhân phẩm của tôi.”
Ngày 22/9/2015, chị Nhung đã làm đơn chỉ ra các yếu tố giả mạo và đề nghị TAND TP Hà Nội yêu cầu phía Tòa án cấp sơ thẩm quận Dergachivsky (tỉnh Kharkiv, Ukraina) giải thích những điều khuất tất trong bản án của Tòa án quận Dergachivsky. Tuy nhiên, TAND TP Hà Nội đã bỏ qua đề nghị chính đáng của chị và gấp rút mở phiên họp vào ngày 23/9/2015 và ngày 28/9/2015.
Tại phiên họp sơ thẩm, chị Nhung yêu cầu TAND TP Hà Nội kiểm tra, đối chiếu bản án, quyết định ngày 11/11/2014 nói trên của Tòa án quận Dergachivsky cùng các giấy tờ, tài liệu kèm theo để làm căn cứ ra quyết định: không công nhận và cho thi hành bản án, quyết định nói trên của Tòa án quận Dergachivsky, tỉnh Kharkiv, Ukraina. Tuy nhiên, TAND TP Hà Nội đã cố tình không xem xét và ra quyết định buộc chị phải thi hành bản án của Tòa án quận Dergachivsky.
Sau đó, chị Nhung đã có đơn kháng toàn bộ quyết định sơ thẩm trên. Tại phiên họp phúc thẩm ngày 30/5 của TAND Cấp Cao tại Hà Nội, anh Vũ Đình Thiềng vắng mặt. Tòa án sau khi xem xét các chứng cứ đã chấp nhận đơn kháng cáo của chị Nhung, không công nhận và xem xét cho thi hành quyết định của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam” đối với người được thi hành là anh Thiềng. Tòa vừa tuyên án xong, chị Nhung không kìm nén được sự xúc động đã òa lên khóc…