Cảm ơn Nhà nước không quên người nghèo chúng tôi!

 Làm thủ tục cho các đối tượng nhận hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 (nguồn Bộ LĐ).
Làm thủ tục cho các đối tượng nhận hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 (nguồn Bộ LĐ).
(PLVN) - Cầm số tiền hỗ trợ trên tay, bà Phạm Thị Kim Thoa (77 tuổi, ở phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) rưng rưng chia sẻ: “Ông nhà tôi vừa mất, các con cũng thất nghiệp vì dịch bệnh, nên khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước khiến tôi rất xúc động, cảm ơn Nhà nước, các cấp chính quyền đã không quên chúng tôi”.

“Nghe nói Chính phủ hỗ trợ tiền tui mừng lắm”

Năm 2020, kỳ nghỉ lễ mừng ngày thống nhất đất nước 30/4 kéo dài 4 ngày và diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Thế nên, mặc dù biết về gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng nhiều người dân vẫn lo lắng số tiền không thể đến kịp với họ trong dịp lễ. 

Nhưng hóa ra không phải như vậy. Ngày 29/4, triển khai nội dung đầu tiên của gói hỗ trợ lên đến 3.500 tỷ đồng của Hà Nội để giúp đỡ hơn 1,4 triệu người khó khăn, UBND TP Hà Nội phê duyệt kinh phí trên 505 tỉ đồng để hỗ trợ cho hơn 414.000 người là đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Đức Chung chỉ đạo các quận, huyện phải thực hiện ngay việc chi trả tiền hỗ trợ cho người dân ngay trong kỳ nghỉ lễ. Tại nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, việc chi trả chế độ hỗ trợ cho nhóm đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 diễn ra đồng loạt từ sáng 30/4. 

Tối ngày 29/4, bà Phạm Thị Kim Thoa (77 tuổi, ở phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) nhận thông báo mời sáng 30/4 đến phường nhận tiền hỗ trợ. 8 giờ sáng ngày 30/4, bà Thoa đến UBND phường Trần Hưng Đạo, chỉ mất khoảng thời gian 2 phút làm thủ tục, bà nhận được số tiền hỗ trợ. Trước khi ra về, bà Thoa nán lại gửi lời cảm ơn đến cán bộ phường đã làm việc cả ngày nghỉ lễ 30/4 để trao đến tay những người có hoàn cảnh khó khăn tiền hỗ trợ.

Bà chia sẻ: “Vừa thấy buổi chiều báo chí đưa tin thành phố có hỗ trợ mà buổi tối có giấy mời, chúng tôi rất ấm lòng trước sự quan tâm của các cấp chính quyền. Cái gì cũng nhanh, giấy mời đến nhanh, thủ tục nhận tiền cũng nhanh. Ông nhà tôi vừa mất, các con cũng thất nghiệp vì dịch bệnh, nên khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước khiến tôi rất xúc động, cảm ơn Nhà nước, các cấp chính quyền đã không quên chúng tôi” - bà Thoa bày tỏ.

Ngày 30/4 dù là nghỉ lễ nhưng các cán bộ phường Linh Trung quận Thủ Đức, TP.HCM vẫn đến từng nhà dân trao khoản hỗ trợ cho các hộ nghèo và gia đình chính sách. Gia đình bà Sớt, 61 tuổi là một trong 47 hộ nghèo của phường được nhận tiền từ gói 62.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Nghe nữ cán bộ phường bảo ký nhận khoản tiền 1,5 triệu đồng, bà Sớt mừng mừng tủi tủi. Nhà bà có 4 người, người con lớn mắc bệnh tâm thần, người con thứ hai bị khiếm thị, vợ chồng bà đều đã trên 60 tuổi. Bà Sớt làm công việc cắt chỉ ở một xí nghiệp may với giá tiền công 100 cái được 25.000 đồng, chồng bà làm phụ hồ, nhưng mùa này cả hai đều thất nghiệp.

“Lúc trước cứ làm hai tuần lãnh tiền một tuần, về lo chi tiêu. Hai tháng nay xí nghiệp không có hàng làm nên chẳng có gì. Ăn uống đều nhờ gạo, muối phường phát cho mấy đợt. Nghe nói Chính phủ hỗ trợ tiền tui mừng lắm, cũng trông mấy bữa nay, có tiền đóng tiền điện, đóng tiền nước, lo tiền chợ. Kiếm được đồng bạc mấy ngày này khó khăn lắm”, bà Sớt chia sẻ.  

Cụ Nguyễn Văn Mễ, 88 tuổi, người dân xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân xúc động khi nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước.

Cụ Nguyễn Văn Mễ, 88 tuổi, người dân xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân xúc động khi nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước.

Xuân Đông là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo còn cao của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang với 2,98%, theo thống kê toàn xã có 77 người dân mưu sinh bằng nghề bán vé số. Để có tiền chi tiêu, lo cho cuộc sống, anh Hồ Mẫn Đạt và vợ là chị Nguyễn Tú Anh, ngụ ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông đều dựa cả vào số tiền kiếm được từ việc bán vé số hàng ngày của hai vợ chồng.

Nhà ít đất sản xuất, anh Đạt lại bị khuyết tật do di chứng sốt viêm não từ năm 3 tuổi, công việc bán vé số đã gắn bó với anh hơn 10 năm qua. Lặn lội khắp nơi cả ngày, hai vợ chồng kiếm được khoảng 400.000 - 500.000 đồng. Tiết kiệm chi tiêu thì đủ sống qua ngày, nhưng sự khó khăn giờ đây tăng lên gấp bội khi anh, chị phải ngưng công việc bán vé số.

Anh, chị còn con nhỏ 2 tuổi, số tiền bán vé số kiếm được còn phải tích góp để trả tiền vay ngân hàng để sửa chữa lại ngôi nhà. Nhận tiền hỗ trợ, anh Đạt bộc bạch: “Với số tiền hỗ trợ này, tôi dự định sẽ mua cho con gái hộp sữa, còn để dành làm vốn bán vé số lại và dành dụm trả tiền vay ngân hàng”...

Mệnh lệnh từ trái tim

Là một trong những cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện, nhằm thúc đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ LĐ-TB&XH đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện. Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng chính thức công bố đường dây nóng qua Tổng đài 111 tiếp nhận giải đáp những vấn đề vướng mắc khi thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng. 

Từ 1h sáng ngày 01/5/2020 Tổng đài 111 bắt đầu tiếp nhận cuộc gọi của người dân hỏi về việc thực hiện Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ.Tính đến 24h ngày 03/5/2020 cuộc gọi đến Tổng đài: 35.415 cuộc. Số cuộc gọi được nhân viên tư vấn Tổng đài tiếp nhận: 9.238 cuộc. Số cuộc gọi được nhân viên tư vấn chuyển đến các bộ phận chức năng: 4.520 cuộc; Số cuộc gọi được các bộ phận chức năng tiếp nhận là 3.098 cuộc.

Tổng hợp nhanh từ các ca trực của Tổng đài, đối tượng gọi đến Tổng đài trong độ tuổi lao động là chủ yếu, hầu hết độ tuổi từ 25 đến dưới 60 tuổi. Nam giới gọi đến Tổng đài nhiều hơn nữ giới. Qua giọng nói của người gọi thì cả Bắc-Trung-Nam đều có cuộc gọi đến Tổng đài. Người gọi không chỉ gọi để hỏi vấn đề của bản thân mà nhiều người còn gọi hỏi cho người khác hoặc nhiều người khác; có cả các cuộc gọi của cán bộ cấp xã/phường hỏi về kinh phí hay đề nghị hướng dẫn một số nội dung.

Nhóm có số cuộc gọi cao nhất là nhóm người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Nhóm này khá đa dạng, từ làm xe ôm, bán vé số, bán hàng rong, lái xe, bán hàng tạp hóa, bốc vác, phụ hồ, giúp việc, trông trẻ, gội đầu cắt tóc… Tiếp đến là cuộc gọi của người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương.

Nhóm này bao gồm nhiều ngành nghề, tuy nhiên chủ yếu là công nhân, giáo viên, người làm việc ở các công ty du lịch, trung tâm dạy tiếng Anh… Nhóm hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công có số cuộc gọi thấp hơn 2 nhóm trên. Người dân chủ yếu hỏi lúc nào được nhận tiền, thuộc hai ba nhóm đối tượng được hưởng thì ra sao....

Được biết, để có thể đêm ngày lắng nghe, kịp thời giải đáp cho người dân, Tổng đài đã bố trí 3 ca trực phủ cả đêm/ngày. Các nhân viên tư vấn không quản giờ giấc để tiếp nhận thông tin, phân loại và chuyển tuyến tới các bộ phận chức năng. Hay nói như ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: “Người dân mong chờ, quan tâm, kỳ vọng, lúc người ta đói cần thì phải hỗ trợ ngay, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của chúng ta”. 

Hành trình gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Đầu tháng 3/2020, để chuẩn bị gói hỗ trợ này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã đi thị sát tình hình đời sống công nhân Công ty Sam Sung Việt Nam tại Bắc Ninh; làm việc với lãnh đạo Hội Dệt May Việt Nam để nắm bắt khó khăn và đề xuất của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, làm cơ sở xây dựng chính sách.

Ngày 20/3, Bộ LĐ-TB&XH báo cáo trình Chính phủ về đề xuất 6 nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp đối phó với ảnh hưởng bất lợi từ dịch Covid-19. Ngày 9/4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cho các nhóm đối tượng.

Ngày 10/4, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: “Hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất, không để lòng vòng, không để độ trễ trong thực hiện chính sách. Công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách. Không được để những “con Covid xấu” ăn chặn của người dân”.

Ngày 26/4, các tỉnh Hà Nam, Hải Phòng và một số địa phương khác là những địa phương đầu tiên thực hiện chi trả tiền hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.