Mang danh chủ nợ, vợ chồng ông Vũ Đình Khải cùng 2 con (trú tại thôn Đông Giao, xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) đã đến nhà anh Phạm Văn Thành ( thôn Đồng Khê, xã Lương Điền), tự ý lấy đi 1 bộ sập gỗ mà không được sự đồng ý của “con nợ”. Hành vi “xiết nợ” này có dấu hiệu tội phạm nhưng Cơ quan CSĐT Công an huyện Cẩm Giàng lại cho rằng chỉ là tranh chấp dân sự.
Những người trong gia đình ông Khải đang chuyển bộ sập gỗ ra khỏi nhà anh Thành vào chiều 8/5/2013 (ảnh do anh Thành cung cấp). |
“Luật rừng” giữa làng quê
Theo tố cáo của anh Thành, chiều 8/5/2013, lợi dụng lúc cả nhà đi vắng hết, vợ chồng ông Khải cùng con trai Vũ Đình Linh và con rể Nguyễn Văn Tuấn đã tự ý đến lấy bộ sập gỗ của nhà anh đang để trước cửa nhà. Khi về nhà và phát hiện vụ việc, anh Thành ra ngăn cản thì bị những người phía gia đình nhà ông Khải dọa đánh. Anh Thành không dám chống lại vì thấy yếu thế nên chỉ dám lấy điện thoại ra để chụp ảnh, quay lại cảnh chiếc sập gụ bị lấy, lấy bằng chứng để tố cáo vụ cướp này.
Ngay sau khi vụ việc xẩy ra, anh Thành đã trình báo vụ việc với công an xã và ngày hôm sau thì chính thức có đơn tố cáo hành vi “xiết nợ” của vợ chồng ông Khải; giá trị bộ sập gỗ được anh Thành xác định khoảng 200 triệu đồng.
Đến ngày 18/7/2013, Đại tá Bùi Như Luyến- Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an huyện Cẩm Giàng - đã ký Quyết định “Không khởi tố vụ án hình sự” đối với đơn trình báo của anh Thành với lý do “Việc lấy chiếc sập gỗ là tranh chấp dân sự” .
Quyết định này còn nêu cụ thể: “Anh Thành có vay nợ của ông Khải là 158.910.000 đ” và việc ông Khải lấy sập gỗ đã “không xác định được các dấu hiệu dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, không cấu thành tội phạm, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản”. Tuy nhiên, ngay trong nội dung văn bản trên đã lộ rõ mâu thuẫn: Mặc dù kết luận hành vi “không cấu thành tội phạm” nhưng Cơ quan CSĐT lại căn cứ vào Khoản 1, Điều 107 BLTTHS, tức là “không có sự việc phạm tội” để không khởi tố.
Về Quyết định này, Luật sư Nguyễn Trung Thành (Cty TNHH Luật Hòa Lợi) bình luận: “Theo lập luận trên của cơ quan CSĐT CA huyện Cẩm Giàng thì có lẽ, người dân ở đây sẽ khỏi cần tốn công, tốn sức khởi kiện ra tòa án để đòi nợ mà chỉ việc đến nhà con nợ, lấy tài sản trừ nợ, bất kể việc con nợ có đồng ý hay không. Cơ quan thi hành án cũng “rảnh tay” vì chủ nợ đã làm thay công việc của cơ quan này rồi”.
Xử lý kiểu này, “xã hội đen” còn “đất sống”
Nguyên Chánh tòa Hình sự- TANDTC Đinh Văn Quế có quan điểm rằng, “BLHS hiện hành không có quy định về hành vi đòi nợ trái pháp luật là tội danh riêng. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử thì trường hợp xiết nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cướp tài sản” (nếu người xiết nợ dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm lấy tài sản mang đi).
Hoặc tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” (nếu người xiết nợ bắt cóc người khác làm con tin, làm cho người mắc nợ phải trả tài sản cho mình). Hoặc tội “cưỡng đoạt tài sản” (nếu người xiết nợ đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người quản lý tài sản nhằm lấy tài sản để trừ nợ); hoặc tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản” (nếu người xiết nợ đến lấy tài sản một cách công nhiên mà người quản lý tài sản không phản ứng vì họ “biết thân biết phận”, mặc nhiên để cho đối tượng lấy tài sản mang đi.
Trong trường hợp này, chỉ khi số tài sản lấy mang đi vượt quá số nợ thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự); hoặc tội tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (nếu người xiết nợ có thủ đoạn gian dối để người mắc nợ giao tài sản cho mình, sau đó tuyên bố trừ nợ).Ông Quế còn cho biết, trong thực tiễn xét xử, thường không có tranh luận nhiều về hành vi xiết nợ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không mà chỉ tranh luận là hành vi đó cấu thành tội gì.
Như vậy, có thể nói, việc Cơ quan CSĐT Công an huyện Cẩm Giàng ra Quyết định không khởi tố là chưa xem xét toàn diện vụ việc để xem vợ chồng ông Khải có thủ đoạn uy hiếp tinh thần của anh Thành để lấy bộ sập gụ hay không? Không xác định giá trị bộ sập gỗ là bao nhiêu?
Cơ quan này cũng không khẳng định chắc chắn việc vợ chồng ông Khải và các con “không dùng vũ lực” hoặc “đe dọa dùng vũ lực” mà chỉ kết luận chung chung, thể hiện sự “bó tay” và “bất lực” rằng “không xác định được”.
Trước nội dung trả lời trên, anh Phạm Văn Thành chua chát nói: “Lực lượng công an đang tập trung triệt phá nhiều ổ nhóm đòi nợ bằng “luật rừng” theo kiểu “xã hội đen”. Nay, Công an huyện Cẩm Giàng lại cho rằng việc “xiết nợ” là quan hệ dân sự thì chẳng khác nào khuyến khích loại tội phạm này, khuyến khích chuyện “tự xử” trong dân, gây mất an ninh trật tự tại địa phương?” Việc không khởi tố trong vụ việc này còn được anh Thành đặt nghi vấn “có dấu hiệu bao che tội phạm”.
Xiết nợ, bị xử tù Năm 2009, bà Phạm Thị Mai (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) ký hợp đồng bán trên 33 tấn cá tra (trị giá gần 5 tỷ đồng) cho DN Vạn Hưng. Sau nhiều lần thanh toán, cuối năm 2010, DN còn nợ bà Mai hơn 1,6 tỷ đồng. Tìm cách trừ nợ, từ ngày 19 đến 28/2/2011, bà Mai cho người đến Vạn Hưng đập tường, lấy đi nhiều tài sản có giá trị 1,8 tỷ đồng. Hai ngày sau, một chủ nợ khác là Võ Thanh Tùng (trú quận Thốt Nốt) đến Vạn Hưng đòi gần 400 triệu đồng tiền bán cá. Thấy nhà máy thủy sản đã có người tháo gỡ tài sản, Tùng cũng vào lấy bàn gỗ, máy nén, máy ép... trị giá trên 72 triệu đồng. Sau đó, Mai và Tùng đã bị khởi tố và ngày 22/3/2013, TAND tỉnh Sóc Trăng đã dưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Phạm Thị Mai 7 năm 6 tháng tù giam về tội “cưỡng đoạt tài sản” và “làm hư hại tài sản”; Võ Thanh Tùng 12 tháng tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”. |
Khoa Lâm