Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Trở lại huyện miền núi Thuận Châu những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ những thay đổi đang hiện hữu, những khu đất trống, đồi trọc ngày nào giờ được phủ xanh bằng những đồi cây chè, xoài, bưởi, chanh leo… đang bắt đầu đơm hoa kết trái. Minh chứng cho một miền quê nghèo đang bừng lên sức sống mới, ấm no. Đó là kết quả của việc triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: Một trong những mục tiêu hàng đầu của cấp ủy, chính quyền huyện Thuận Châu trong thời gia vừa qua là công tác xóa nghèo. Vậy nên các chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân.
Theo đó, hàng năm huyện giao các chỉ tiêu giảm nghèo cho từng địa phương để triển khai thực hiện. Các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của huyện chủ động phối hợp, triển khai các chính sách về giảm nghèo đến các đơn vị phụ trách, các xã, thị trấn.
Cách làm của huyện Thuận Châu là cán bộ phải luôn sâu sát cơ sở, đến từng hộ gia đình để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó, tìm cách hỗ trợ cho phù hợp, hướng dẫn bà con cách làm ăn, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới như: Thực hiện các mô hình khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật; hỗ trợ và khuyến khích người dân thực hiện các dự án trồng cây sơn tra, sa nhân, cây ăn quả; hướng dẫn nhân dân nhận khoán bảo vệ rừng để được hưởng phí chi trả dịch vụ môi trường rừng…
Nhiều mô hình giảm nghèo đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ được công khai dân chủ từ cơ sở, lấy ý kiến trực tiếp của người dân, lựa chọn, bình xét đối tượng hỗ trợ theo quy định, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân. Tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, nhiều hộ dân từ nghèo khó đã biết khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương để vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Phát triển kinh tế làm trọng tâm
Cùng với việc thực hiện hiệu quả từ các chương trình giảm nghèo của Nhà nước như: Chương trình 135, nông thôn mới, các chính sách đặc thù hỗ trợ hộ nghèo và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, chính sách an sinh xã hội... huyện Thuận Châu đã tiến hành quy hoạch và phát triển ngành nông, lâm nghiệp phù hợp với từng vùng theo hướng tập trung để nâng cao hiệu quả, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ.
Người dân thi đua lao động sản xuất để thoát nghèo. |
Điển hình như vùng dọc Quốc lộ 6, huyện tập trung phát triển các loại hình dịch vụ, kinh doanh thương mại, du lịch, hình thành các vùng sản xuất tập trung như chuyên canh chè, cà phê, cây ăn quả. Vùng dọc sông Đà, tận dụng mặt nước vùng lòng hồ thủy điện Sơn La phát triển nghề nuôi cá lồng, đánh bắt thủy sản và trồng rừng. Tại các xã vùng cao, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế rừng, trồng cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc...
Điểm nổi bật trong thực hiện giảm nghèo ở Thuận Châu, là huyện đặc biệt quan tâm đến giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất; hỗ trợ các hộ nghèo và cận nghèo vay vốn đầu tư phát triển kinh tế; giới thiệu các mô hình giảm nghèo có hiệu quả; nâng cao nhận thức người dân chủ động vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại…
Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại địa phương. Một tín hiệu vui là đến nay, huyện đã đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho hơn 13.600 lao động địa phương. Nếu như cách đây 5 năm trở về trước, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 48,96%, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống chỉ còn 30,13%.
Người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập. |
Chia sẻ về những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Xuân Hoàng cho hay: Các chương trình, dự án giảm nghèo triển khai trên địa bàn huyện đã tạo động lực làm thay đổi diện mạo cuộc sống của người dân, nhất là cơ sở hạ tầng đang từng bước phát triển, các công trình phúc lợi xã hội, đường giao thông nông thôn được chú trọng đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân đi lại dễ dàng, giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế. Những năm tới, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo để sớm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự cố gắng vươn lên của người dân công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Thuận Châu đã đạt được những kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, đời sống nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện, nâng cao.